3 huyệt vị giúp làm giảm tình trạng bệnh cường giáp vào mùa hè
Vào mùa hè, nhiệt đọ cao, nắng nóng kéo dài rất khó để chịu , động một chút là cơ thể đầm đìa đổ mồ hôi. Đây là tình huống điển hình rất dễ gây ra bệnh cường giáp…
Sợ nóng, tay run? Vào hè cường giáp dễ phát tác
Tại sao bệnh này rất dễ mắc vào mùa hè? Đó là bởi thời điểm này là lúc quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra mạnh mẽ, mà cường giáp trạng lại là bệnh chuyển hóa cao. Chưa kể, cái nóng gay gắt có thể khiến tâm lý không ổn định, rất dễ gây ra các rối loạn về nội tiết, từ đó mà sinh bệnh.
Khi tuyến giáp tiết ra nhiều hormone hơn, vượt quá lượng cần thiết hàng ngày của cơ thể, thì sẽ dẫn đến kích thích, đẩy nhanh khối lượng công việc mà tế bào đảm nhận, khiến các tế bào bị quá sức. Khi ấy, các triệu chứng phổ biến thường gặp nhất là người nóng nảy, hay cáu gắt, nhịp tim nhanh, sợ nóng, tay run, đổ mồ hôi, người mệt mỏi…
Theo Đông Y, mọi người rất dễ nóng nảy vào mùa hạ. Áp lực của hoàn cảnh sống ảnh hưởng đến tâm lý tự thân, dễ khiến cả thân lẫn tâm bất an, tinh thần uất ức, can khí uất kết. Nếu tình trạng này kéo dài mà không có phương pháp điều trị hiệu quả, để đến khi khí cơ uất trệ, ngưng lại thành đàm trọc, tuyến giáp sẽ hoạt động quá mức.
Nếu như chức năng miễn dịch bị rối loạn nghiêm trọng, sẽ dẫn tới chứng hậu can thận âm hư, hư hỏa vọng động, thiêu đốt tân dịch mà thành đàm, ngưng tụ ở cổ mà thành “anh khí” (bướu cổ), tạo thành vấn đề là tuyến giáp ở trước cổ sưng to, tăng hoạt động quá mức. Có trường hợp một bệnh nhân, trong vòng chưa đầy một tháng tuyến giáp to đến 3cm, gây ra tình trạng khó nuốt.
Điều trị cường giáp, Đông Y sử dụng thuốc và châm cứu
Đông Y điều trị bệnh cường giáp, là dựa trên điều chỉnh chức năng của tuyến giáp, khiến cho việc làm chủ về nội tiết được bình thường. Về phương diện dùng thuốc, thường sử dụng các vị thuốc như Xích thược, Mẫu đơn bì, Đan sâm để hoạt huyết tán ứ; Trần bì, Sài hồ, Bạc hà để hành khí lý trệ; Tri mẫu, Chi tử, Hoàng cầm để thanh nhiệt giải độc; Miết giáp, Mẫu lệ, Triết bối mẫu, Hạ khô thảo để tán thũng nhuyễn kiên.
Châm cứu các huyệt vị vùng tai và trên đầu, cũng có thể khiến cho các tế bào tuyến giáp không tăng sinh phì đại, rồi mới khiến cho các tế bào giáp trạng tăng sản bất thường dần dần được trừ bỏ. Đối với bệnh nhân có bướu cổ lớn, thông thường sẽ dùng phương pháp châm thẩm mỹ, châm xung quanh trên phạm vi tuyến giáp lan rộng, giúp cho kích thước thu nhỏ lại.
Tránh nóng, không cần cố kiểm soát lượng iốt
Như đã kể trên, môi trường nhiệt độ cao là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh cường giáp. Do đó, cần chú ý đề phòng cảm nắng, tránh phơi nắng, thông gió, cố gắng không ra ngoài lúc trời đang nắng gắt, hạn chế đến nơi nóng bức và không có điều hòa nhiệt độ. Điều này có thể giúp ngăn ngừa bệnh cường giáp xuất hiện, tái phát, hay trầm trọng thêm.
Bệnh nhân bị cường giáp không cần phải cố tình hạn chế ăn iốt. Hơn 90% bệnh nhân thuộc loại “Bướu cổ lành tính và cường giáp basedow”, vấn đề căn bản không phải là dư thừa iốt, mà là chức năng miễn dịch của cơ thể bị rối loạn. Hơn nữa, lượng iốt đáp ứng cho nhu cầu sinh lý của cơ thể hàng ngày, không phải là nhân tố gây ra bệnh cường giáp.
Bệnh nhân có tình trạng cường giáp khi đã được kiểm soát, thì không cần kiêng muối iốt và hải sản trong một thời gian dài. Nếu không, việc trường kỳ ăn ít iốt sẽ gây ra tình trạng tuyến giáp bị thiếu hụt iốt. Một khi đã khỏi, bệnh nhân bị cường giáp vẫn nên chú ý cân nhắc chế độ ăn, tránh để hấp thu các chất quá mức, khiến cho bệnh dễ tái phát trở lại.
Những loại đồ nên hạn chế
Các thực phẩm có tính nóng: các loại hạt, tỏi, rượu bổ, thuốc bổ, thịt dê, long nhãn, vải…
Trà, cà phê, rượu, đồ cay nóng và có tính kích thích.
Hút thuốc. Nếu bệnh nhân bị cường giáp hút thuốc, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh về mắt.
Nếu bạn có triệu chứng mặt đỏ bừng, đánh trống ngực, thì nên hạn chế ra ngoài, ở trong phòng có điều hòa nhiệt độ. Thường ngày, thông qua vận động thể lực cũng có thể giúp ngủ ngon hơn.
Ấn huyệt giúp làm giảm bệnh cường giáp
Bạn thường day ấn các huyệt vị có thể giúp cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt là khi bạn có các biểu hiện đánh trống ngực, tức ngực, tim đập nhanh.
Phương pháp: Day ấn nhẹ nhàng các huyệt Thần môn, Nội quan, Thái xung, mỗi lần 3 phút, ngày làm 1-2 lần.
Thần môn: Nằm trên lằn chỉ cổ tay, chỗ lõm bên cạnh ngón tay út (Ở phía xương trụ, nằm trên lằn chỉ cổ tay, nơi chỗ lõm sát bờ ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương trụ)
Nội quan: Chính giữa lằn chỉ cổ tay đo lên trên về phía khuỷu tay bề rộng khoảng 3 ngón tay (Trên cổ tay 2 thốn, dưới huyệt Gian Sử 1 thốn, giữa khe gân cơ gan tay lớn và bé).
Thái xung: trên mu chân, nằm giữa ngón cái và ngón chân thứ 2, chỗ lõm giữa xương bàn ngón chân 1 và 2 (Sau khe giữa ngón chân 1 và 2, đo lên 1, 5 thốn, huyệt ở chỗ lõm tạo nên bởi 2 đầu xương ngón chân 1 và 2. Hoặc sờ dọc theo khoảng gian đốt xương bàn chân 1, tìm xác định góc tạo nên bởi 2 đầu xương bàn chân 1 và 2, lấy huyệt ở góc này).
Lan Hương theo Epoch times