Nghịch cảnh là khảo nghiệm, hoàn cảnh thuận lợi cũng là khảo nghiệm tâm mình
Con người sống trên đời, thành công là chuyện đáng mừng, nhưng quan trọng hơn là phải chú ý đến bài học của sự thất bại. Trong những chuyện này thì nghịch cảnh là khảo nghiệm, hoàn cảnh thuận lợi cũng là khảo nghiệm tâm mình.
Mạnh Tử có viết: “Nhân hữu bất vi dã, nhi hậu khả dĩ hữu vi”, năng lực của con người là có hạn, khi biết từ bỏ một số chuyện, chúng ta mới có được thành công lớn.
Để có thể luôn đứng vững trước mọi hoàn cảnh, hãy ghi nhớ 5 việc không nên làm:
1. Không tranh bát của người thân
Bát là dùng để ăn cơm, ai cũng cần có bởi phải ăn thì mới có thể sống. Cái gọi là bát của người thân bạn bè không tranh ý muốn nói khi tìm công việc hay bạn hợp tác làm ăn, cố gắng hạn chế tìm tới người thân và bạn bè của mình.
Bởi lẽ nếu là người thân bạn bè, vậy sẽ thêm một tầng quan hệ, nó khiến mối quan hệ công việc trở nên rất tế nhị, xử lý không tốt dễ làm rạn nứt tình cảm. Hợp tác với người thân bạn bè cần tới sự bao dung lớn hơn, tầm nhìn lớn hơn, càng không được tính toán, chi li.
Đây chính là cái gọi là “người thân phải lạ, người lạ phải quen, người quen phải thân”, đối với một số chuyện thì chúng ta không thể làm quen với người thân.
2. “Dục tốc bất đạt” không tranh
Có một lần, học trò của Khổng Tử là Tử Hạ được phái đến một địa phương của nước Lỗ để làm quan. Trước khi đi, Tử Hạ đến thăm hỏi Khổng Tử và thỉnh giáo ông về việc cai trị.
Tử Hạ hỏi: “Thưa thầy! Con xin hỏi thầy, làm thế nào để cai quản tốt một địa phương?”
Khổng Tử trả lời: “Chớ muốn mau, chớ thấy lợi nhỏ. Muốn mau thì không đạt, thấy lợi nhỏ thì việc lớn không thành.”
Trong xã hội hiện tại việc “đầu tư ít, thời gian ngắn, lợi ích cao” đang phổ biến, có nhiều người đang yên đang lành làm việc rất tốt, thấy có người nói có dự án này tốt lắm, kiếm tiền nhanh lắm, vậy là ngay lập tức nghỉ việc, đi theo làm việc kia. Thông thường thì hình thức kiếm tiền “nhanh, gọn” này sẽ chẳng được lâu dài, thậm chí còn lỗ vốn bởi tính rủi ro cao.
Đời người luôn sẽ gặp phải những “cơ hội” không rõ nguồn gốc, những lúc như vậy, cần bạn phải kiểm soát được bản thân, bình tĩnh suy nghĩ một cách lý tính.
3. Không lợi dụng chức vụ kiếm tiền
Một số người, vì có một mà muốn có hai, có rồi lại muốn có hơn, dục vọng về vật chất, tiền tài danh vọng không ngừng lớn thêm, cuối cùng lại đánh mất luôn cả bản thân mình.
Tham lam chính là chiếc bình không đáy, không thể nào lấp đầy nó được, chỉ có cách là cai bỏ nó đi, bỏ đi những thứ dư thừa không cần thiết. Chính vì những thứ đó là nguyên nhân khiến chúng ta không thể có được hạnh phúc chân chính, mà còn cản trở con đường ta tìm đến hạnh phúc.
Có nhiều người nhờ nỗ lực cố gắng mà có được những thành tựu nhất định, nhưng vì lòng tham nhất thời liền nghĩ đến việc lợi dụng quyền lực trong tay để làm những việc mà người khác không nhìn thấy để kiếm thêm chút tiền.
Người ta đối với tiền bạc, hư danh là có truy cầu, lòng tham không đáy. Do đó người xưa cho rằng: Không tham mới là bảo vật. Ai mà khắc chế được tâm tham thì chính như trong tay có bảo vật vậy.
Lòng tham nhất thời tuy có thể phát được chút tài, nhưng nếu sơ suất, có thể nỗ lực bao nhiêu năm của bản thân sẽ dễ dàng chấm hết. Dù kiếm tiền bằng cách nào đi nữa cũng không nên quá mạo hiểm, tuyệt đối đừng làm những chuyện không có đạo đức.
4. Không quên tình thân
“Quân tử ái tài, thủ chi hữu Đạo”. (Quân tử yêu thích tiền tài, nhưng có được tiền tài bằng Đạo, hợp với Đạo). Tiền thực sự rất quan trọng để duy trì cuộc sống. Nhưng trên đời còn có rất nhiều thứ quan trọng hơn tiền bạc, mà một trong đó chính là tình thân – tình cảm giữa những người ruột thịt.
Không nên vì mải mê kiếm tiền mà không màng tới tình thân, tình bạn bè và tình cảm gia đình.
Từ nhỏ ta đã được dạy, đối với người nhà phải có hiếu, với người thân phải kính, với bạn bè phải chân thành, đây là 3 thứ tình cảm vô cùng quý giá, vì vậy, tuyệt đối không được lợi dụng 3 thứ tình cảm này để chuộc lợi cho mình.
Tiền có thể từ từ kiếm được, nhưng người thân một khi đã mất đi thì cả đời ân hận. Có những anh em một nhà khi cha mẹ còn đó mà đã chẳng nể mặt, tranh giành tài sản. Hành vi này không chỉ làm đau lòng mẹ cha mà còn là những trái bom nổ chậm trong quan hệ anh em, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào sau này.
5. Không nợ ân nhân
Cổ ngữ có câu: “Đắc nhân ân quả thiên niên ký, đắc nhân hoa đới vạn niên hương”, tạm diễn nghĩa “Nhận ăn quả của người ngàn năm ghi nhớ, đội mũ hoa của người vạn năm vẫn còn hương”.
Ai trong cuộc sống rồi cũng sẽ gặp được quý nhân của mình, họ cũng chính là ân nhân của bạn.
Ân nhân, có thể là thầy cô giáo, là bạn bè, là đồng nghiệp, là sếp hoặc thậm chí là khách hàng của bạn.
Bất kể là ai, điều quan trọng nhất đó là đã nhận được sự giúp đỡ của người khác thì phải khắc cốt ghi tâm, phải biết ơn và phải báo đáp lại cho họ.
Đạo lý thường răn dạy rằng: “Bất thất bất đắc, hữu đắc tất hữu thất” (Có được thì sẽ có mất, có được ắt sẽ phải mất), đây quả là quy luật bất biến từ xưa tới nay. Nếu con người không có lòng biết ơn, không biết nhớ ơn, đền ơn, vậy thì dẫu họ có thể chiếm được lợi ích trên bề mặt, nhưng thực ra họ lại mất đi thứ còn trân quý hơn.
Hằng Tâm