Tâm càng lớn, phước càng lớn, trí huệ càng lớn
Đức Khổng Tử xem “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín” là những phẩm chất mà người quân tử phải mang theo. Thông qua việc tu dưỡng bản thân mà có thể nhận thức được lòng nhân từ, rồi giữ nhân từ trong lòng mình mà đối xử với người khác bằng sự khoan dung, và thực hành điều nhân nghĩa.
Ở đời phúc báo của một người lớn nhỏ thế nào và trí huệ của họ rộng lớn bao nhiêu phụ thuộc vào tâm trí của người đó. Tâm trí càng lớn, phước lành càng lớn và trí huệ càng lớn.
Cuộc sống xuất hiện rất nhiều mâu thuẫn phát sinh từ lòng tham của con người, khi chúng ta muốn biến cả thế giới thuộc về mình, tham vọng quá lớn thì dẫn đến sự sụp đổ cũng không nhỏ khi ước mơ không thành.
Bởi vậy tai sao Khổng Tử dạy chữ Nhân đầu tiên?
Nhân là trung tâm của các đức tính: tình cảm chân thật, ngay thẳng; hết lòng vì nghĩa; nghiêm trang, tề chỉnh; rộng lượng, khoan dung và siêng năng cần mẫn. Người có đức Nhân chỉ hành động vì nhân nghĩa, đối lập với kẻ bất nhân chỉ hành động vì lợi.
Thực ra tham lam là bệnh, hào phóng là thuốc, hai thứ này đều đồng thời tồn tại trong đức tính của con người. Vậy phải chăng ai biết dùng đúng thuốc sẽ trị được bệnh cho mình thì cuộc sống sẽ an nhiên.
Chúng ta thường nghĩ khi mình có được thì mình mới hạnh phúc, nhưng không phải. Khi chúng ta có thể cho đi thì hạnh phúc đó còn nhân lên gấp bội. Bởi vậy mà có rất nhiều người hiểu ra ý nghĩa kiếp nhân sinh là hạnh phúc không chỉ đến từ những điều họ có được mà nó thật sự có ý nghĩa hơn rất nhiều khi họ biết cho đi.
Lễ mà Đức Khổng Tử dạy chính là cách hành xử đúng đắn. Trong khi làm việc vì lễ, vị kỷ cá nhân chưa hẳn đã là xấu và người cư xử theo lễ một cách đúng đắn là người mà cả cuộc đời dựa trên trí. Tức là thay vì theo đuổi quyền lợi của cá nhân mình, người đó cần phải làm những gì là hợp lẽ và đạo đức.
Bất cứ lúc nào cũng cần nâng cao tiêu chuẩn đạo đức mà làm thành những nguyên tắc đối xử ở đời của con người, giữ vững tấm lòng trong sạch mà thiện hoá người khác, và trân quý sinh mệnh.
Đừng để phú quý làm mê loạn tư tưởng, đối diện với sướng khổ mà có thể giữ được trạng thái bất động tâm, đồng thời nâng cao cảnh giới tư tưởng, đó mới là một người chính nhân quân tử.
Tại sao một người sinh ra đã ở trong kho báu?
Những nguời như vâỵ phải chăng họ đã tích phúc đức nhiều đời, nhưng có thể cũng đã phải chịu khổ nhiều đời, tổ tiên của họ không ngừng tích đức. Một phần họ được thừa hưởng đạo đức đó, lớn lên vẫn luôn giữ được tấm lòng quảng đại, càng rộng lượng họ càng giàu có hơn.
Trí huệ từ đâu mà đến?
Hằng ngày không ngừng tu dưỡng bản thân, đọc sách và thu thập tinh hoa những ngày có mặt tại thế gian, mỗi ngày đều là một ngày hạnh phúc. Bạn có thể gặp bao nhiêu người thì sẽ có bấy nhiêu điều để bạn học hỏi, và trí huệ nhờ đó mà phát triển.
Trí huệ là một loại năng lượng hữu ích, bạn mang càng nhiều năng lượng hữu ích trên thân thì bạn làm việc sẽ ngày càng hiệu quả, và trí tuệ đến từ sự ước thúc bản thân tu dưỡng tâm tính của chúng ta. Làm đúng việc vì một lý do đúng đắn
Sự rộng lượng khiến tâm bạn không lúc nào cảm thấy sợ hãi, ngược lại khi người khác cần sự an ủi bạn đều có thể đến bên, nhờ việc tu tâm dưỡng thân nên bạn có thể dũng cảm với tất cả các mối hiểm hoạ của thế gian. Khi bạn hiểu bạn rộng lớn thì những thứ khác sẽ trở thành nhỏ bé, lúc đó bạn biết rằng xã hội cần gì ở bạn.
Không lấy sự vẹn toàn của mình để so đo với người khác, thế giới chuyển động có ồn ào đến đâu thì cũng đều nằm trong vòng quay của trái đất. Bạn chỉ cần giữ mình và đỡ người là ổn, chỉ cần cùng trong vòng tròn này thì hãy luôn đều bước, ai có phận người đó nên cũng đừng quá bận tâm đến việc muốn thay đổi người khác.
Lan toả điều tốt là việc nên làm để góp vào sự vẹn toàn của đạo đức thế giới. Nếu bạn làm tốt các quan hệ nơi bạn sinh sống và làm việc thì quan hệ giữa con người sẽ thuận hoà, gia đình yên ấm và trí huệ của bạn được mở mang.
Khổng Tử chú trọng vào sự tu dưỡng đạo đức cá nhân trước tiên, sau đó nuôi dưỡng gia đình, rồi mới đến cai trị thiên hạ bằng lòng nhân từ: “Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình Thiên hạ”. Ông nhấn mạnh vào Ngũ thường: “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”.
Nhân là lòng từ thiện, Nghĩa là làm tròn bổn phận, Lễ là sự tôn ti trật tự hay quy tắc trong việc đối nhân xử thế với người trên kẻ dưới, Trí là trí tuệ minh mẫn làm việc gì cũng phải suy nghĩ, Tín là lòng thành thực hiện điều đã nói. Người ta phải giữ năm đạo đó làm thường, chẳng nên để rối loạn.
Hằng Tâm