Phong thủy tìm người thiện
Có một chàng thư sinh ở Giang Tây rất giỏi xem phong thủy. Một lần khi anh đi chơi ở Giao Châu, Hồ Nam thì phát hiện một mảnh đất có phong thủy tốt. Trong lúc đang ngắm nghía mảnh đất thì thấy có hai người đi tới, một người tay cầm la bàn phong thủy, một người đi cùng thì ăn mặc sang trọng lộ rõ vẻ giàu có.
Người cầm la bàn phong thủy nhìn quanh và nói rằng, vùng đất này không tốt. Vị thư sinh kia thấy tò mò bèn đến làm quen với hai người mới biết rằng người cầm la bàn kia là một thầy phong thủy, ông đang đi xem đất tốt cho người nhà giàu kia. Khi ông nghe xong chàng thư sinh giới thiệu, ông nói rằng: “Ở Giang Tây có rất nhiều thầy phong thủy có tiếng, chắc cậu rất có thiên phú trong chuyện này.” Chàng thư sinh khiêm tốn từ chối.
Vị thầy phong thủy đi cùng người nhà giàu thấy chàng khiêm tốn và có vẻ hiểu biết phong thủy nên mời về chỗ ở của người nhà giàu. Chàng thư sinh cũng muốn thông quan chuyện này để nói rằng mảnh đất đó là mảnh đất có phong thủy đắc địa, mảnh đất đó tốt như vậy nếu không có phúc dày thì không thể có được. Nhưng càng ở lại lâu, anh mới phát hiện gia đình người nhà giàu này không phải người phúc đức, nên im lặng giữ trong lòng không nói ra.
Đúng lúc này, Tiêu Công, một người nhà của vị nhà giàu nọ muốn an táng cha mẹ, nên đi tìm chàng thư sinh kia và thầy phong thủy để xin cả hai đi theo để tìm đất tốt. Tiêu Công là một người đôn hậu, trong thôn đều ca ngợi là người thiện lương. Chàng thư sinh thầm nghĩ Tiêu Công có thể phù hợp với mảnh đất kia, nên giới thiệu mảnh đất đắc địa cho ông. Tiêu Công chi rất nhiều tiền để mua mảnh đất đó, chàng thư sinh còn giúp ông chọn vị trí đặt huyệt và ngày giờ đào huyệt
Sau vài ngày sau khi an táng, vị thư sinh đến nói với Tiêu Công: “Mảnh đất này nếu không phải người có đức thì không thể có được nó. Ông là người trung hậu, thiện lương nhưng lại không biết ý Trời như thế nào. Làm trái Thiên ý thì tai họa sẽ giáng xuống. Tiêu lão gia, sao ông không thử canh mộ một đêm? Nếu mảnh đất này không nên thuộc về ông thì sẽ xuất hiện dấu hiệu lạ”. Tiêu Công nghe vậy liền làm theo.
Đêm đó Tiêu Công và con trai ngủ cạnh mộ. Đến nửa đêm, họ nghe thấy tiếng huyên náo từ xa. Tiêu Công cẩn thận nhìn lên thì thấy một đám người hầu tay cầm cờ hiệu, trường kiếm, hộ tống một người đàn ông cưỡi ngựa đi tới. Tiêu Công nghĩ thầm: “Sao nửa đêm ở vùng hoang vu cùng cốc lại có người oai vệ như vậy đi qua nhỉ?”. Đoàn người cứ như vậy đi đến bên cạnh mộ, người ngồi trên ngựa dừng lại mà quát lớn: “Đây là mảnh đất của Hà Hiếu Tử (người con hiếu thảo họ Hà), người là ai sao lại chiếm giữ nó mau đưa hắn ra ngoài”.
Tiêu Công vô cùng sợ hãi: “Dạ bẩm ban đầu tôi vốn nghĩ bản thân không đủ tư cách có được mảnh đất này và sẽ bị Trời phạt, nên đã ngủ cạnh mộ để kiểm chứng. Giờ được nhận lệnh của ngài, tôi xin dời mộ đi”. Lập tức nghe thấy tiếng người trên ngựa nói lớn: “Niệm tình ngươi là người trung hậu, thật thà, lần này tha thứ cho ngươi. Nếu ngươi có thể thay Hà Hiếu Tử an táng cha mẹ, ta sẽ cho ngươi một mảnh đất tốt khác. Ngôi mộ này nên nhanh chóng di dời”.
Tiếng nói vừa dứt, một cơn gió thổi qua, tứ bề trở về yên tĩnh. Lúc này trời cũng vừa sáng, Tiêu Công và con trai trở về nhà. Sau khi về, ông nhờ chàng thư sinh chọn ngày di dời phần mộ và phong huyệt. Đồng thời, cả nhà đi tìm kiếm người tên Hà Hiếu Tử, nhưng đều không có tin tức.
Ngày nọ, chàng thư sinh đang đi dạo ở một thị trấn nhỏ ở vùng ngoại ô thì gặp mưa lớn, chàng phải trú tạm dưới mái hiên của một cửa hàng gạo. Trời đã tối, công nhân trong cửa hàng đều đã nghỉ, chỉ có một chàng thanh niên vẫn đang giã gạo. Thấy lại, chàng thư sinh bèn tới trò chuyện với người đang làm việc kia, anh kể rằng: “Mẹ tôi tuổi đã cao, mỗi bữa cơm cần có thịt nếu không ăn sẽ không no. Tôi tới làm việc buổi sáng, sau khi hết giờ làm thêm một chút để kiếm chút tiền nuôi mẹ”. Hỏi ra tên mới biết người giã gạo kia họ Hà.
Không biết đây liệu có phải là Hà Hiếu Tử mà Tiêu Công đang tìm? Chàng thư sinh bèn lấy cớ trời mưa, đường xa muốn xin ngủ nhờ một đêm, cũng để tìm hiểu phẩm cách của người kia. Thư sinh lấy ra 2 lạng bạc nhờ anh chuẩn bị bữa tối. “Đâu cần nhiều tiền như thế?” chàng thanh niên trả lời. Thư sinh đáp: “Số tiền còn lại để mua đồ ăn cho mẹ cậu.” Hà Hiếu Tử không đồng ý mà nói: “Tôi cố gắng làm hết sức vì tôi thực sự mong muốn như thế và cũng thấy yên dạ; không có công mà nhận thêm tiền như vậy, tôi không thể chấp nhận” cuối cùng anh ta chỉ lấy 1 lạng để mua rượu thịt mời khách.
Nơi ở của chàng trai họ Hà là một căn nhà nhỏ hẹp, nhưng rất sạch sẽ, ngăn nắp. Phòng trong là để cho mẹ anh ta, nửa đầu phòng ngoài là bếp lò, còn lại là nơi vợ chồng người thanh niên ở. Hà Hiếu Tử mời khách vào phòng và nói: “Nhà tôi nghèo quá chẳng còn phòng nào trống. Tôi đã bảo vợ vào ngủ với mẹ ở phòng trong. Nếu anh không khinh chê xin hãy ngủ cùng tôi”.
Sau khi trò chuyện với khách một hồi, thấy anh mang trà và rượu ra đặt trên bàn và nói: “Xin lỗi tôi không thể ngồi cùng ăn, xin hãy dùng tự nhiên”, nói rồi quay người vào phòng. Nhìn qua khe cửa, thấy trên bàn có đồ ăn, thìa, dao nhỏ. Hai vợ chồng Hà Hiếu Tử đỡ mẹ ngồi dậy, người mẹ ăn cơm và hai vợ chồng đứng hầu đằng sau, khi thì lấy canh, lúc thì gắp thịt, không khí rất đầm ấm vui vẻ. Sau khi người mẹ ăn xong, cô con dâu dọn dẹp chén bát, còn người con trai đích thân rửa mặt cho mẹ. Sau đó hai người mới ngồi đối diện với bà và ăn phần cơm thừa còn lại, chỉ là chút dưa cải muối mặn.
Chàng trai vừa ăn vừa ngó xem, trong lòng vô cùng bội phục. Không lâu sau đó chàng trai đi ra, thấy khách đã dùng xong cơm, bèn mang trà mời và nói với khách: “Chăn, gối đều ở trên giường. Tiên sinh hôm nay đi xa vậy chắc mệt rồi, hãy đi ngủ trước đi không cần đợi tôi đâu”.
Anh gật đầu đồng ý và tò mò nhìn vào qua vết nứt trên cánh cửa sau khi người con trai đi vào phòng. Trong phòng chỉ thấy Hà Hiếu Tử đến ngồi cạnh mẹ và kể cho bà những câu chuyện thú vị về những người hàng xóm mà anh nghe được, làm bà lão cảm thấy vô cùng thú vị. Một lát sau, thấy mẹ ngáp ngủ, Hà Hiếu Tử tự sắp xếp chăn gối, và giúp bà bỏ áo khoác ngoài. Cô con dâu đứng hầu bên cạnh không có chút khó chịu, chán nản nào. Đợi bà nằm xuống ngủ, chàng trai lại ngồi xuống đấm lưng, gãi ngứa cho bà. Sau khi nghe bà cụ ngáy đều đều, hai vợ chồng mới nhẹ nhàng rời phòng vì sợ bà cụ tỉnh giấc.
Vị thầy phong thủy vô cùng ấn tượng vì những hành động hiếu thảo của chàng trai, nghĩ lại những lời vị Thần nói hôm nào, thật không sai tí nào. Đợi Hà Hiếu Tử đi ra, liền hỏi anh cha anh qua đời bao lâu rồi, đã mai táng chu đáo chưa. Hà Hiếu Tử nước mắt lưng tròng, dưng dưng mà nói: Nói ra thật đau lòng quá. Bốn năm rồi, tôi làm thuê nuôi mẹ mà không đủ, nên không có tiền mua đất chôn cất ông. Tôi thật là đồ bất hiếu, đến nay linh cữu của cha vẫn để trong từ đường của dòng họ”. Thấy anh ta than thở khóc lóc bèn an ủi: “Anh không cần quá lo lắng quá. Nhà Tiêu Công nơi tôi đang ở có một mảnh đất rất cát tường, ông ấy có thể thay an táng cha anh, còn chi phí tôi sẽ giúp anh chi trả”.
Hà Hiếu Tử vô cùng ngạc nhiên bèn hỏi: “Tôi với tiên sinh không thân không thích, sao dám nhận ân huệ này được ạ? Hơn nữa mảnh đất đó đã có chủ, cho dù có được tiên sinh xót thương, cũng sợ không dám nhận”. Thấy vậy, thư sinh bèn nói: “Anh không cần lo lắng về điều đó. Tôi biết Tiêu Công là một người khẳng khái, tốt bụng, thích giúp đỡ người khác. Nếu biết anh hiếu thuận như vậy, tất sẽ không tiếc rẻ với anh đầu. Ba ngày sau, tôi và Tiêu Công sẽ quay lại nhà anh, hy vọng tới lúc đó anh không đi ra ngoài”.
Hà Hiếu Tử lại dưng dưng nước mắt cảm động mà nói: “Nếu quả thực có thể như điều tiên sinh nói, tôi sẽ không bao giờ quên đại ân đại đức của anh”. Trời chưa sáng, thư sinh tỉnh giấc đã không thấy chàng trai đâu. Khi mặt trời mọc, thấy anh ta cầm một cái bát từ ngoài đi vào. Hỏi ra mới biết, mẹ anh muốn ăn bánh trôi, anh bèn đi vào thành tính ra cả đi cả về khoảng 10 dặm để mua cho mẹ, thầy phong thủy lại vô cùng thán phục.
Sau khi trở về, Tiêu Công nghe anh tường thuật lại toàn bộ tình hình thì vui vẻ nói: “Đây đúng là ý trời. Bây giờ đã tìm được Hà Hiếu Tử, tôi sao dám bủn xỉn không đồng ý chứ?” Ba ngày sau, ông ta cùng Mỗ Sinh đến nhà chàng trai họ Hà. Vừa đến cổng, hai người nghe thấy tiếng khóc thảm thương của hai vợ chồng chàng trai. Vừa vào cửa hỏi thăm tình hình, mới hay tin ba ngày trước, mẹ anh đột nhiên mắc bệnh cấp tính không thuốc nào trị khỏi và hôm sau qua đời. Hà Hiếu Tử vừa nhìn thấy hai người, bèn cúi đầu khóc nức nở. Thương xót, cảm thông cho anh, họ bèn hỗ trợ chi phí cho anh mua quan tài và tặng lại anh mảnh đất bảo địa nọ. Mỗ Sinh giúp họ Hà chọn ngày hạ huyệt và chịu trách nhiệm chi trả phí mai táng. Sau khi việc tang lễ hoàn thành, vợ chồng Hà Hiếu Tử cùng đến cảm ơn Tiêu Công đồng thời xin ở nhà Tiêu Công để trả nợ.
Tiêu Công ngạc nhiên nói với anh: “Đây đều vì tấm lòng hiếu thảo của cậu đã cảm động Trời xanh, được Thần bảo hộ, tôi nào dám tham nhận công về mình?” Nói rồi ông kể lại những gì đã xảy ra trước đây cho vợ chồng họ nghe và nói: “Cậu là người con hiếu thảo, được làm bạn với cậu là vinh hạnh của tôi, tôi sao có thể để cậu chịu ủy khuất làm người hầu của tôi? Nhà tôi còn rất nhiều phòng trống, nếu cậu không ghét bỏ, xin cả gia đình hãy chuyển về ở đây cùng chúng tôi. Tôi chắc chắn sẽ không để cậu lo lắng về chuyện cơm áo gạo tiền nữa”. Họ Hà từ chối không dám nhận, Tiêu Công kiên quyết muốn sắp xếp cuộc sống cho họ, nên hai vợ chồng họ Hà ở lại giúp ông quản lý sổ sách.
Một tháng sau, Tiêu Công nói với thư sinh: “Trước đây, vị Thần nọ có hứa sau khi giúp Hà Hiếu Tử mai táng cho cha mẹ, sẽ sắp xếp cho tôi tìm được một mảnh đất khác. Hiện nay, xem ra lời những lời Thần nói đều đúng, xin cậu hãy lưu ý giúp tôi”. thư sinh đáp lời: “Đương nhiên là như vậy, tôi cũng không phải dựa vào nghề phong thủy để mưu sinh, nếu không thể hoàn thành việc của ông, tôi sao có thể lưu lại đây lâu thế? Thần đã hứa như vậy, ta tất sẽ tìm được mảnh đất đắc địa. Nhưng tới nay, tôi vẫn chưa tìm ra. Mong ông hãy nhẫn nại đợi một thời gian nữa”.
Kể từ đó, mỗi ngày anh đều ra ngoài tìm linh mạch, xem long mạch, nhưng một tháng qua đi vẫn không tìm ra làm tinh thần vô cùng tiều tụy, mệt mỏi. Ngày nọ, khi đi qua mộ gia đình họ Hà và nhìn ra xung quanh, đột nhiên nhìn thấy cách đó vài trượng lờ mờ xuất hiện khí tượng long mạch, khi đến nơi, quả thật tìm thấy. Xem kỹ thì thấy quả thật cùng một nguồn với nơi đặt mộ của gia đình họ Hà. Quý khí tất có hơi kém, nhưng phúc thì rất nhiều. Vì vậy, ông nói với Tiêu Công mua mảnh đất đó rồi chọn ngày mai táng linh cốt tổ tiên.
Sau khi đại sự hoàn thành, thư sinh xin phép về quê. Tiêu Công tặng anh ngàn lạng bạc trả công nhưng anh từ chối không nhận và nói: “Trước đây tôi từng nói tôi không dựa vào nghề xem phong thủy để mưu sinh. Tôi hy vọng ông có thể dùng số tiền này giúp đỡ người nghèo”. Tiêu Công không biết báo đáp ra sao bèn mở yến tiệc cảm ơn. Vợ chồng chàng thanh niên họ Hà cũng đến cảm tạ.
Sau khi trở về nhà, thư sinh liên tiếp đứng đầu bảng trong các kỳ thi và đỗ tiến sĩ. Tiêu Công hoàn thành việc an táng xương cốt tổ tiên, công việc kinh doanh ngày càng thịnh vượng, giàu có nhất quận. Mấy năm sau, con trai ông đỗ tiến sĩ và được làm quan lớn trong triều. Cháu của Hà Hiếu Tử là Hà Văn An đỗ thám hoa, rồi trở thành danh thần nổi tiếng về thuật số và lý học. Con trai Hà Thiệu Cơ năm Ất Vị được làm quan trong hàn lâm viện, nhiều lần làm giám khảo các khóa thi của đất nước. Sự phú quý giàu có của hai gia đình Hà Tiêu giống như mặt trời mọc phía đông, ngày một phát triển.
Minh Hoàng biên dịch
Theo secretchina