Truyền thuyết ngàn năm về Lão Tử của Đạo giáo
Thiên hạ hớn hở đều vì lợi mà đến. Thiên hạ nườm nượp đều vì lợi mà đi. Trong cõi trần huyên náo này, có thể giữ được một miền tịnh thổ của tâm linh không? Giở sách Đạo Đức Kinh tuyệt đối có lợi, chỉ 3 câu giản đơn này, cũng đã thọ ích suốt đời.
Tương truyền khi Lão tử cưỡi trâu đi ra khỏi cửa Hàm cốc thì bị quan lệnh Doãn Hỷ ngăn lại, cầu ông truyền Đạo cho. Vì thế Lão tử mới sáng tác ra “ Đạo đức kinh” gồm 5000 chữ để lại cho hậu thế. Người đời sau có thể lĩnh hội được nhiều ý nghĩa thâm sâu từ tư trưởng Triết học của Lão tử thông qua tác phẩm duy nhât mà Ngài để lại.
1. Người biết đủ mới là người giàu có nhất.
Nguyên văn: “Tri túc giả phú”
Sống ở đời, vật cực tất phản, ý muốn nói mọi việc đến giới hạn thì quay ngược trở lại….. Những người có nhiều tham vọng thì dù đang sở hữu bao nhiêu thứ cũng không thấy hài lòng, nhìn cái gì cũng muốn, nhìn cái gì cũng khát khao, trong lòng luôn cảm thấy thiếu thốn. Còn người biết đủ mặc dù họ không có quá nhiều thứ nhưng họ luôn hài lòng, luôn cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy như vậy là đủ rồi.
Người xưa nói rằng: Những người có lòng tham không đáy, khi có vàng lại muốn có ngọc, được phong Hầu Tước lại hận không được phong Công Tước. Loại người này mặc dù sống trong giàu sang, vinh hoa phú quý, quyền lực hơn người nhưng tự nguyện trở thành “một kẻ ăn xin” với vô số tham muốn.
Một người biết đủ, vừa lòng với cuộc sống đang có, thì đối với họ cơm nước đạm bạc còn thơm ngon hơn cả sơn hào hải vị, mặc áo thô vải rách còn ấm hơn cả lông thú. Những người như vậy mặc dù chỉ là dân thường, nhưng so với vương công quý tộc còn cao quý, giàu có hơn, bởi vì đối với họ, thứ họ có được đều là thứ tốt nhất.
“Thân Hữu Thư” thuyết rằng: “Nhất thiết tài sản trung, tri túc nãi vị tối thù thắng, thị cố ứng đương thường tri túc, tri túc vô tài chân phú ông”. Ý nói dục vọng bành trướng lớn mạnh sẽ khiến cho người ta không bao giờ biết thế nào là đủ, điều này sẽ trở thành khởi nguồn cho những đau khổ phía sau. Chỉ có những người biết thế nào là đủ mới chân chính là người giàu có.
Trong “Đạo Đức Kinh” giảng rằng: “Họa mạc đại ư bất tri túc, cữu mạc đại ư dục đắc, cố tri túc chi túc thường túc hĩ”. Dịch nghĩa: “Không biết đủ là tai họa lớn nhất, tham lam là sai lầm nghiêm trọng nhất. Chỉ có những người biết đủ mới có thể chân chính đạt được vui vẻ”.
2. Ôm giữ cho đầy không bằng dừng. Thăm dò sắc sảo không thể đảm bảo lâu dài. Vàng ngọc đầy nhà, không thể giữ nổi. Giàu sang mà kiêu ngạo, là tự gây mầm họa hoạn. Thành công rồi rút lui, đó là Đạo Trời.
Nguyên văn: “Trì nhi doanh chi, bất như kỳ kỷ. Sủy nhi nhuệ chi, bất khả trường bảo. Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ. Phú quý nhi kiêu, tự di kỳ cữu. Công toại thân thoái, thiên chi đạo dã”.
Tích lũy cho đầy, không bằng kịp thời dừng lại. Nhuệ khí cường thịnh, thì không thể giữ được lâu dài. Trong nhà vàng bạc chất thành núi, thì cũng không ai có thể giữ được. Giàu sang mà lại kiêu ngạo, thì tự mình đang gieo mầm họa hoạn. Thành công rồi thì rút lui, đây mới là hợp với Đạo Trời.
Đạo Trời tuần hoàn. Con người có sinh lão bệnh tử, vật có thành trụ hoại không. Thành trụ hoại không là thuật ngữ dùng trong Phật giáo. Thành là sự vật xuất hiện. Trụ là sự vật phát triển tốt tươi một giai đoạn thời gian. Hoại là bắt đầu đi xuống dốc. Không là tất cả về cát bụi.
Vạn vật cõi thế gian, không gì là không như vậy. Chúng ta muốn lưu giữ cứng cáp, cứng thì dễ gẫy. Chúng ta muốn lưu giữ tài sản, giàu không quá 3 đời. Chúng ta muốn duy trì quyền lực, đời con đã không còn được nữa rồi.
Lão Tử nhắc nhở chúng ta phải “trống rỗng”: Trống rỗng mới có thể chứa được ngoại vật, do đó không được ôm giữ, không được chiếm hữu. Luận Ngữ có chép, Tăng Sâm khen ngợi Nhan Hồi: “Có mà như không, đầy chắc mà như trống rỗng”. Có mà như không có, thực tại mà như trống không, cũng chính là nói ra đạo lý này.
Trống rỗng mới có thể dung nạp hết thảy, không gây ra oan thù. Trống rỗng mới có thể không luyến tiếc quyền lực vị trí, nên bỏ liền bỏ, nên đi liền đi. “Chẳng muốn người khen nhan sắc tốt, chỉ giữ thanh khí khắp càn khôn”.
Phải có mức độ: Trống rỗng là cảnh giới, có mức độ thực sự là công phu. Với người thế gian mà nói, giữa người với người có biên giới, không thể mạo phạm. Về vật chất mà nói, chỉ lấy cái cần thiết, không lấy cái ham muốn. Với con người và tự nhiên mà nói, Trời Đất có cái tận mỹ mà chẳng nói, chỉ có thể quan sát từ xa mà chẳng thể khinh nhờn.
3. Do vật tổn hao mà lại có lợi ích, hoặc có lợi ích mà lại bị tổn hao
Nguyên văn: Cố vật hoặc tổn chi nhi ích, hoặc ích chi nhi tổn.
Người hiện đại chúng ta, rất là sòng phẳng. Tôi làm cho anh bao nhiêu việc, anh trả cho tôi bao nhiêu tiền. Anh bảo tôi làm một việc nào đó, tôi nhất định phải hỏi lợi ích thế nào? Hễ nơi nào văn minh vật chất tràn tới, thì tất cả đều lấy lợi ích hiện thực làm tiêu chuẩn đánh giá tốt xấu. Không có lợi ích hiển hiện dễ thấy, thì có đáng làm không? Hết thảy đều nhìn ngắn ngủi và nông cạn như thế này.
Câu nói này của Lão Tử nghĩa là: “Hết thảy sự việc, có lúc thấy là bị tổn thất, nhưng trái lại lại có lợi ích, có lúc thấy có lợi ích nhưng trái lại lại bị tổn thất”.
Người Á Đông xưa vốn coi trọng sự cân bằng, lâu dài và hài hòa trong chỉnh thể. Bất kể sự việc gì cũng có hai mặt âm dương, dương tăng trưởng thì âm tiêu hao, âm tiến thì dương thoái. Mấu chốt vấn đề không phải là dương chiếm bao nhiêu, âm chiếm bao nhiêu thì mới thích hợp, mà là cân bằng âm dương mới phù hợp nhất với Đạo của Trời Đất.
Có lúc tạm thời có lợi, nhưng phá hoại cân bằng âm dương, đối với sự ổn định của tương lai có ảnh hưởng tiêu cực vô cùng to lớn. Có lúc tạm thời chịu tổn thất, nhưng lợi cho duy trì cân bằng âm dương, thì đối với sự hài hòa trong tương lai có tác dụng thúc tiến rất to lớn.
Do đó, các nhân vật Thánh hiền cổ đại không nói lợi thế nào, mà thích nói “cát” (may mắn), nói phúc. May mắn và phúc lành coi trọng hiệu quả tích lũy lâu dài, mà không chú trọng được mất một thành một trì trước mắt.
Do đó người Á Đông thường nói, người may mắn tự có thiên tướng, người có thể duy trì Đạo Trời, tích đức hành thiện, đương nhiên ông Trời sẽ để mắt đến.
Lão Tử nói: “Thiên đạo vô thân, thường ư thiện nhân” (Đạo Trời không thân với ai, mà thường ở chỗ người Thiện).
Các Thánh nhân, người sáng lập tôn giáo trong thiên hạ đều dạy nhân loại chỉ một chân lý, tích đức hành thiện mới được may mắn, mới có phúc lành. Ông Trời có đức hiếu sinh, cuối cùng là tổn hại hay lợi ích, mấu chốt là có lợi cho sự hài hòa của quần thể dân tộc, có lợi cho sự cân bằng giữa con người và tự nhiên hay không? Đây là một quá trình lâu dài, là quá trình thành tựu sự nghiệp của cả đời người.
Nguồn Secretchina
Hằng Tâm