Lý do vì sao bạn không nên uống cà phê khi mệt mỏi
Cà phê đã là một phần trong văn hóa của con người từ rất lâu đời. Nó có một lịch sử tuyệt vời, nó thường được coi là “thượng phẩm” với những người thức thức khuya, dậy sớm hoặc cảm thấy mệt mỏi vào giữa ngày.
Chúng ta đã quá quen với việc sử dụng cà phê như một hình thức tiếp thêm sinh lực, một thứ giúp chúng ta tỉnh táo hoặc đánh thức chúng ta, nên nhiều độc giả có thể thấy thông tin sau đây khá thú vị nếu không muốn nói là hoàn toàn ngạc nhiên.
1. Cà phê chặn các tác động của Adenosine
Theo The Healthy, khi bạn uống cà phê, dạ dày và ruột non hấp thụ caffeine và phân phối lại qua máu đến nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm cả não của bạn. Sau khi caffeine đến não, nó sẽ dính vào các thụ thể adenosine.
Adenosine là một chất hóa học tự nhiên giúp cơ thể cảm thấy buồn ngủ và kiểm soát chu kỳ ngủ-thức của bạn. Ban ngày, chất này sẽ tăng lên giúp bạn tỉnh táo hơn. Vào buổi đêm, chất này sẽ giảm đi và khiến bạn có cảm giác buồn ngủ.
Khi caffeine liên kết với các thụ thể adenosine, não của bạn không nhận được adenosine của nó, nhưng điều đó không có nghĩa là nó ngừng sản xuất.
Vì vậy, một khi caffeine hết, sẽ có một sự tích tụ của adenosine liên kết với các thụ thể trong não khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ.
2. Cà phê của bạn có thể có quá nhiều đường
Một phân tích tổng hợp được công bố trên tạp chí Neuroscience & Biobehavioral Reviews cho thấy rằng, ăn đồ ăn nhẹ có đường có thể gây mệt mỏi trong vòng chưa đầy một giờ.
Nếu bạn uống cà phê được làm ngọt với kem, mật ong, xi-rô hoặc đường, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ.
Khi cơ thể bạn ăn nhiều đường hơn bình thường, insulin sẽ được sản xuất để bù đắp lượng đường đó. Tuy nhiên, insulin cũng làm giảm đường huyết. Vì vậy, khi lượng đường trong máu giảm, bạn sẽ cảm thấy thiếu năng lượng và trở nên mệt mỏi. Bạn cũng có thể cảm thấy đói, cáu kỉnh, lo lắng, đổ mồ hôi, chóng mặt hoặc buồn nôn khi đường huyết gặp sự cố.
3. Bạn có thể bị mất nước
Mệt mỏi chỉ là một dấu hiệu của tình trạng mất nước. Vì cà phê là một chất lợi tiểu, có nghĩa là nó làm cho bạn buồn tiểu. Sau đây là một ví dụ về chu trình:
- Bạn uống một tách cà phê và ngay sau đó cần sử dụng phòng vệ sinh.
- Khi bạn đi vệ sinh, cơ thể bạn bị mất nước.
- Khi cơ thể mất nước, máu sẽ đặc lại.
- Khi máu của bạn đặc lại, nó sẽ di chuyển chậm hơn qua các động mạch và tĩnh mạch của bạn.
- Khi máu của bạn đặc lại, nó cung cấp ít oxy hơn cho cơ thể của bạn.
- Nếu không có nhiều oxy, bạn sẽ trở nên uể oải.
- Bạn có thể uống thêm cà phê để chống lại sự uể oải, từ đó bắt đầu lại chu kỳ.
Hầu hết mọi người sẽ uống nhiều cà phê trong ngày, nhưng họ có thể bỏ qua việc uống đủ nước để bù nước cho cơ thể. Hơn hết, cà phê còn hoạt động như một chất co mạch. Nói một cách đơn giản, cà phê làm cho động mạch và tĩnh mạch của bạn thu hẹp lại.
Nếu bạn đang ở trong tình trạng mất nước như được minh họa trong chu kỳ trên, thì động mạch và tĩnh mạch bị thu hẹp có thể khiến máu vốn đã đặc càng khó lưu thông qua chúng hơn.
4. Cách tiếp cận với cà phê
Sau khi đọc những điều đã nói ở trên, bạn có thể dễ dàng nghĩ: “Ồ, trong trường hợp này, cà phê thật tệ. Tôi nên ngừng uống nó”. Những tác động nêu trên đều không phải là tốt hay xấu; tất cả phụ thuộc vào bối cảnh, thời điểm và lượng cà phê bạn uống và tâm trạng của bạn như thế nào.
Ví dụ, tùy thuộc vào tình trạng thể chất của mỗi người, một người có thể được hưởng lợi từ tác dụng của cà phê trong khi người khác có thể không được lợi gì cả. Tất cả đều là tương đối. Nhưng có một điều chắc chắn là việc tiêu thụ cà phê có ý thức là rất quan trọng.
– Tốt nhất là bạn không nên uống quá nhiều cà phê trong một ngày.
– Tránh pha cà phê có nồng độ quá đặc.
– Không nên cho quá nhiều đường vào cà phê.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai và những người có nguy cơ loãng xương không nên uống cà phê.
Biên tập: Thiên Hà
Nguồn: visiontimes.com