Thành ngữ “Chí công vô tư”
Khi Tấn Bình Công lên ngôi vua thứ 30 của nước Tấn, thấy huyện Nam Dương còn chưa có huyện lệnh mới hỏi đại phu Kỳ Hoàng Dương ai có thể đảm nhiệm chức vụ này, Kỳ Hoàng Dương tiến cử Giải Hồ, Tấn Bình Công nghe xong ngạc nhiên hỏi lại:
– Giải Hồ chẳng phải có tư thù với ông ư? Làm sao ông lại tiến cử ông ta?
Kỳ Hoàng Dương đáp:
– Ngài chỉ hỏi ai là người xứng đáng giữ chức huyện lệnh, chứ có hỏi ai là người có tư thù với hạ thần đâu.
Tấn Bình Công cho rằng cũng hợp lý liền cử Giải Hồ đi nhậm chức. Sau khi đến Nam Dương, Giải Hồ đã làm nhiều việc tốt cho dân, khiến huyện Nam Dương trở nên khá nổi bật.
Vài năm sau, Tấn Bình Công lại yêu cầu Kỳ Hoàng Dương đề cử một viên Trung Quân Úy, là một chức vụ quan trọng trong quân đội. Kỳ Hoàng Dương nói Kỳ Ngọ là người xứng đáng gánh vác trọng trách này. Tấn bình Công vội hỏi lại:
– Kỳ Ngọ chẳng phải là con trai ông, ông tự đề cử con mình chẳng lẽ không sợ thiên hạ dị nghị sao?
Kỳ Hoàng Dương đáp:
– Ngài chỉ yêu cầu hạ thần đề cử một viên Trung Quân Úy thôi, chứ có hỏi người đó có phải là con trai của hạ thần đâu.
Tấn Bình Công nghe xong cũng chuẩn y Kỳ Ngọ nhậm chức Trung Quân Úy, còn Kỳ Ngọ cũng không phụ lòng mong mỏi của cha, làm việc rất xuất sắc.
Khi sự việc đến tai Khổng Tử nghe xong liền khen rằng:
– Tuyệt lắm, Kỳ Hoàng Dương đề cử đúng nhân tài, đối ngoại thì không bài xích người có tư thù với mình, đối nội thì không nề hà người đó là con trai mình, việc làm này quả là “chí công vô tư”.
Thông Lộ sưu tầm