Nguyên Phi Ỷ Lan
Vào năm 1063, Vua Lý Thánh Tông đã bốn mươi tuổi mà chưa có con trai. Nhà Vua lo lắng đi nhiều đền chùa danh tiếng trong nước để cầu tự xin con trai. Một hôm, Nhà Vua viếng thăm một ngôi chùa có tên là Chùa Dâu, dân làng đổ xô ra đường nghênh đón. Lúc đó Nhà Vua để ý thấy một cô gái đứng tựa gốc cây lan thản nhiên cất tiếng hát không màng tới chuyện nhà vua đi ngang qua.
Vua Lý Thánh Tông lấy làm lạ bèn sai người đưa cô gái đó đến hỏi chuyện. Cô gái trả lời mạch lạc và thông suốt. Nhà Vua khen cô gái tuy nghèo nhưng ăn nói dịu dàng, lễ nghĩa, khác hẳn những người con gái khác mà vua đã từng gặp. Sau đó, Thánh Tông sắp xếp để cô gái theo về kinh đô.
Cô gái tên thật là Lê Thị Yến Loan, về kinh đô cô được cho học hành. Nhờ có trí thông minh nên chẳng mấy chốc cô trở thành một cung phi nổi danh tài sắc, thông suốt kinh sử, uyên bác văn chương. Lý Thánh Tông đem lòng yêu mến đặt tên là Ỷ Lan, với ý nghĩa cô gái đứng tựa gốc lan.
Năm 1066, Ỷ Lan sinh hạ được một hoàng tử lấy tên là Lý Càn Đức. Nhờ có Càn Đức mà Nhà Vua càng yêu quý hơn. Sau đó, Yến Loan được phong làm Nguyên Phi Ỷ Lan, đứng đầu các cung phi, chỉ sau thái hậu, và con trai được lập làm thái tử.
Năm 1069, nhà vua thân chinh đi đánh trân lâu ngày không thắng, nhà vua lo lắng việc triều chính không ai đảm đương bèn cho rút quân về. Trước khi đi, Thánh Tông trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho Nguyên Phi. Khi vắng vua tài trí của Ỷ Lan mới được thể hiện rõ, Ỷ Lan thay vua cai quản triều chính, ban các chiếu chỉ tạo phúc cho muôn dân.
Giữa đường về, nhà vua nghe được dân chúng khen ngợi tài cai quản việc nước của Nguyên Phi Ỷ Lan, khiến mọi nhà đều được yên bình, dân tình no ấm. Thấy vậy, Lý Thánh Tông cảm thấy xấu hổ nghĩ thầm: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!” Thánh Tông liền kéo quân trở lại tiếp tục đánh giặc, vào mùa hạ năm đó, nhà vua thắng trận bắt được vua chiêm thành và 5 vạn quân xin hàng, giữ yên ổn được bờ cõi.
Năm 1072, Vua Lý Thánh Tông mất. Thái Tử Càn Đức lên ngôi, lấy hiệu là vua Lý Nhân Tông. Nguyên Phi Ỷ Lan được Nhân Tông lập thành hoàng thái hậu. Thời điểm đó vua Nhân Tông chỉ mới 7 tuổi, Ỷ Lan thay nhà vua trẻ quyết định mọi việc triều chính. Từ năm 1075 đến 1077, Ỷ Lan cùng với Thái úy Lý Thường Kiệt hai lần đánh đuổi quân Tống xâm lược ra khỏi bờ cõi, giữ vững giang sơn xã tắc.
Nguyên Phi Ỷ Lan xuất thân là một cô gái nhà nghèo nên thấu hiểu những nỗi khốn khổ của người dân. Bà khuyên nhà vua chăm lo cải thiện đời sống của người dân. Ngoài ra bà cũng rất sùng bái Đạo Phật và là người tu tại gia. Năm 1117 thái hậu Ỷ Lan qua đời, được chôn ở Thọ lăng, thuộc phủ Thiên Đức nay là Tiên Sơn Bắc Ninh.
Thông Lộ sưu tầm