Kiến giải cách người Nhật truyền thống nuôi dưỡng tâm thái “tâm bình, khí hòa”
“Thái độ bình tĩnh” và tinh thần “dĩ hòa vi quý” là hai chìa khóa giúp người Nhật luôn giữ được sự sáng suốt và cách hành xử cao đẹp, thậm chí trong nghịch cảnh. Người Nhật đã làm thế nào để nuôi dưỡng hai nhân tố này trong cuộc sống hàng ngày?
Nhiều người Việt không đánh giá cao cách người Nhật dấu đi cảm xúc thật sự của mình, giữ một thái độ hòa hoãn và dĩ hòa vi quý trong giao tiếp. Tuy nhiên, nhìn theo góc độ tích cực, khi chúng ta có thể nuôi dưỡng một tâm thái bình ổn, không bị cảm xúc dẫn động và luôn giữ thiện niệm với người khác, chúng ta sẽ tránh được rất nhiều những xung đột không đáng có trong cuộc sống. Từ đó, có thêm thời gian để suy nghĩ và đưa ra cách ứng xử thích hợp, hiệu quả trong việc giữ gìn mối quan hệ và ít gây tổn thương nhất.
Hãy cùng khám phá một vài nét tiêu biểu trong cuộc sống truyền thống của người Nhật, để thấy được rằng, muốn đạt đến “tâm bình, khí hòa”, bạn cần nuôi dưỡng nó hằng ngày trong hiện thực cuộc sống của chính mình.
Không gian sống nuôi dưỡng tâm hồn
Ngôi nhà không chỉ là nơi giúp ta che mưa nắng. Đó là nơi ta trở về để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi, cũng là nơi để ta nuôi dưỡng và chăm sóc những người thân yêu. Ngôi nhà vì vậy không đơn thuần chỉ là nơi trú ngụ vật lý, nó còn là nơi trú ngụ và nghỉ ngơi của tâm hồn ta.
Đó là lý do vì sao người Nhật dành rất nhiều công sức để thiết kế, xây dựng và giữ gìn căn nhà của mình. Nhà của người Nhật truyền thống được làm từ những chất liệu tự nhiên như gỗ, tre, giấy, cói. Chúng giúp người Nhật có cảm nhận, căn nhà của mình vẫn là một phần trong thiên nhiên rộng lớn. Khoảng sân vườn trong ngôi nhà dường như cũng là để nhấn mạnh thêm đặc tính này.
Lão Tử có câu “người thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên”. Nơi ở gợi nhắc cho con người rằng làm người cần khiêm cung trước trời đất, biết thuận theo Thiên lý mà hành xử, ta sẽ luôn có thể sống và suy nghĩ một cách khiêm nhường. Tâm bình, khí hòa có thể từ đây mà bồi đắp.
Thêm vào đó, trong ngôi nhà Nhật, có một góc nhỏ thiêng liêng được gọi là Tokonoma . Ở góc nhà đó họ sẽ treo một bức thư pháp hay một món đồ quý của gia tộc, cùng một bình hoa Ikebana.
Góc nhà thiêng liêng này sẽ giúp họ tĩnh tâm lại mỗi lần đối mặt với sóng gió. Hoa Ikebana sẽ gợi nhắc cho họ về quy luật Thiên Địa Nhân, từ đó nhắc nhở cho người Nhật rằng: dù khó khăn cỡ nào, hãy hành động thuận theo đạo lý. Pháp tắc của trời đất, lễ nghĩa của con người sẽ dẫn họ vượt thoát khỏi những hiểm nguy. Bức thư pháp hoặc đồ vật quý treo trên tường cũng vậy. Nó như một vật thiêng liêng gợi nhớ cho gia chủ Tinh thần và giá trị cốt lõi mà họ luôn theo đuổi.
Đồ ăn không chỉ để nuôi thân thể
Đồ ăn của người Nhật nổi tiếng thế giới với sự tinh tế, nhẹ nhàng. Người Nhật rất đề cao việc chế biến món ăn theo mùa. Không chỉ bởi nước Nhật có điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho trồng trọt.
Hơn thế, họ tin vào trí tuệ của tự nhiên, trí huệ của Thần. Mùa nào sẽ có thứ hoa trái phù hợp với khí trời của mùa đó. Nấu thức ăn theo mùa cũng là giữ mối dây liên hệ giữa con người và thiên nhiên bao la, bốn mùa vận hành, ta thuận theo bốn mùa mà sinh sống.
Món ăn của người Nhật không hề đậm vị, người Nhật thường sử dụng ít gia vị để nấu một món ăn. Họ thích sử dụng những loại tương lên men từ đậu để nêm nếm cho bữa ăn của mình. Việc tiết chế gia vị, tôn trọng mùi vị chân thật của nguyên liệu rất có thể chính là cách để người Nhật rèn luyện việc kiềm chế dục vọng của mình.
Không chỉ kiềm chế được dục vọng, việc chế biến thức ăn cũng giúp người Nhật nuôi dưỡng đức tính nhẫn nại, kiên trì. Có người muốn trở thành nghệ nhân sushi cũng phải dành ba năm chỉ để học nấu cơm, hay như để tạo nên một chiếc bánh Wagashi, người thợ làm bánh cũng phải dày công quan sát, cảm nhận thiên nhiên rồi mới có thể tạo ra những tác phẩm đẹp mắt của riêng mình.
Kiềm chế dục vọng, rèn luyện lòng nhẫn nại, nuôi dưỡng đức khiêm cung thuận theo lẽ trời mỗi ngày của người Nhật cũng chính là quá trình bồi đắp đặc tính “tâm bình, khí hòa” ở mỗi người.
Giải trí không thể tùy tiện
Điểm lại những loại hình giải trí truyền thống của người Nhật như trà đạo, hoa đạo, thơ haiku, âm nhạc truyền thống, chúng ta có thể thấy một đặc điểm nổi bật: Người Nhật truyền thống không giải trí một cách tùy tiện.
Trí huệ Trung Hoa cổ điển cho rằng, con người là một đồ chứa đựng. Ta đựng vào đó thứ gì, ta sẽ biến thành thứ đó. Vậy nên, ngay cả khi thư giãn, cũng cần chú trọng thức ăn mà ta cung cấp cho tinh thần.
Hầu hết các thú vui truyền thống của người Nhật đều được thực hành như những nghi lễ trang trọng trong cuộc sống. Nghi lễ thưởng trà là một ví dụ. Người Nhật không tùy tiện trong cách dùng trà. Họ phải chọn một nơi thanh tịnh, một không gian tĩnh lặng để pha và thưởng thức trà. Người pha trà còn cần mặc Kimono, và còn cần phải là Kimono dành riêng cho tiệc trà với màu sắc vui tươi nhưng thanh nhã.
Đó là thưởng trà, còn khi chơi hoa, người Nhật cũng không tùy tiện, cắm theo cảm hứng. Ikebana được người Nhật coi là Hoa đạo. Là con đường để dẫn tâm linh của người cắm hoa và người thưởng hoa đến gần với Đạo.
Những quy tắc Thiên Địa Nhân, sự vận hành của bốn mùa, sự vận hành của sinh mệnh (sinh ra, trưởng thành, lụi tàn), tất cả đều được người cắm hoa trân trọng như một người thầy, một người dẫn hướng. Chừng nào họ còn tìm được cách để tuân thủ và khắc họa lại những quy luật này trên tác phẩm của mình, chừng đó họ còn cảm hứng sáng tạo. Và hơn thế, họ sẽ tìm ra được sự hài hòa không thể tính trước trong tác phẩm của mình.
Khi tâm trí của chúng ta đặt vào đúng vị trí trong Thiên Địa Nhân, khi trái tim của chúng ta thấu hiểu vẻ đẹp của tự nhiên, khi tâm trí chúng ta ghi nhớ nguồn cội cuộc sống của mình là ở nơi vũ trụ rộng lớn kia, ta sẽ tự nhiên cảm nhận được cảnh giới “tâm bình, khí hòa” huyền diệu ấy.
Huệ Bình biên tập