Người biết đủ là người giàu có và hạnh phúc nhất
Người biết đủ sẽ luôn mỉm cười đối mặt với cuộc sống. Trong mắt của họ sẽ không có điều gì là không thể giải quyết được trên thế gian này. ‘Biết đủ’ còn là một loại khoan dung. Khoan dung đối với người khác, khoan dung đối với xã hội, khoan dung chính mình, như vậy mới có được một không gian sinh tồn bao la và rộng lớn. Chính vì thế mà cổ nhân mới luôn dạy: “Thấy đủ thường vui!”
Có một câu thành ngữ như thế này “đắc lũng vọng thục”. Dục vọng của con người vô tận, có được thứ này liền muốn thứ khác. Người bị dục vọng khống chế cũng giống như bị gông kiềng xiềng xích, tự mình không thể thoát thân.
Tất cả đều bắt nguồn từ mong muốn không biết thế nào là đủ của một số người, bởi vậy ngay cả khi họ có tất cả, họ vẫn cảm thấy bản thân đang bị thiếu. Trong cuốn “Trang Tử – Ngư Phủ” có giảng rằng: “Người giỏi kỹ xảo thường mệt mỏi nhất, người thông minh hàng ngày thường lo lắng, chỉ những người không chấp vào bản sự mới không truy cầu.”
Vào triều đại nhà Minh, có một vị tiên sinh dạy học, gia cảnh bần hàn nhưng mỗi ngày đều dâng hương bái lễ, cảm tạ trời xanh ban phúc. Vợ của ông nghĩ mãi mà không hiểu, liền hỏi: “Một ngày ba bữa đều là húp cháo loãng, sao có thể tính là hưởng phúc?”
Vị tiên sinh này trả lời: “Sống ở nơi thái bình, không có chiến sự thảm họa, đó là cái hạnh phúc lớn nhất. Hàng ngày có quần áo mặc, có cái ăn, không đến mức đông chịu lạnh, đói không có gì ăn là hạnh phúc lớn thứ hai. Trong người không có bệnh tật, không có tai họa, trong lao ngục không có tù nhân là cái hạnh phúc lớn thứ ba. Chúng ta có cả ba thứ ấy rồi chẳng phải là phúc sao?”
Nhiều người nhìn vị tiên sinh này thường cho rằng ông không thành công, nhưng ông lại tự thấy mình hạnh phúc. Bởi vì trong lòng ông biết đủ, niềm hạnh phúc của ông đến từ góc độ tương đối.
Có câu nói rất hay rằng: “Đừng khóc vì không có giày đi bởi vì có người còn không có chân để đứng!” Bởi vậy mới nói: “Biết đủ thì người nghèo khổ cũng vui, không biết đủ thì người giàu sang cũng u buồn”. Ở vào cùng một tình cảnh, chúng ta chỉ cần thay đổi góc nhìn, thay đổi cái tâm của mình thì tình cảnh cũng tự nhiên thay đổi.
Một người hiểu được nhu cầu của bản thân, làm việc và tận hưởng cuộc sống biết lượng sức mình, không mù quáng ganh đua, chạy theo những dục vọng, muốn làm được như vậy cần phải biết buông bỏ rất nhiều mới có được tâm thái này. Người như vậy không chỉ không làm lỡ đại sự, thậm chí còn đưa đến tác dụng tốt nhất.
Đạo gia còn có một câu nói nổi tiếng: “Cầu nhi bất đắc, bất cầu nhi đắc”, cầu thì không đắc, không cầu lại đắc. Có thể nói vô cầu là “đường tắt” đi tới thành công. Một người vô sở cầu, tâm ý đơn giản, khi giao thiệp với người khác sẽ không mang theo mục đích, chỉ thuần túy, thánh khiết, nên dễ được người khác đón nhận. Họ lại biết sống thuận theo tự nhiên, không sinh chuyện thị phi, nên có thể tránh khỏi những điều trái ý, có thể thuận theo thời thế mà đắc được thời cơ.
Thần y Biển Thước từng nói: “Tâm loạn bách bệnh sinh”. Tâm nhẹ nhàng ắt sẽ khoẻ mạnh, vô bệnh. Vậy nên tâm cảnh an yên là nguyên tắc đầu tiên giúp thân thể khỏe mạnh.
Có câu nói rằng: “Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”. Vậy hà cớ gì người ta không biết đủ, mà phải lao tâm khổ tứ truy cầu nhiều thứ như thế?
Một người biết đủ ở phương diện công danh lợi lộc có thể không thành công như người khác nhìn vào nhưng hẳn là sẽ vui vẻ, hạnh phúc. “Biết đủ” chính là cách nắm giữ hạnh phúc trong tay. Người ta nói rằng “vui vẻ” là nguyên tố không thể thiếu của mỗi người.
Có tâm biết đủ là quý trọng những gì có ở hiện tại. Chúng ta đừng nên nghĩ mình thiếu những gì mà nên nghĩ nhiều về những thứ mình đã có. Nếu không quý trọng, thì những thứ đang có hiện tại cùng rời bỏ chúng ta mà đi. Cách tránh được tai họa chính là coi trọng phúc phận mình đang có.
Người biết đủ, biết hài lòng là những người hạnh phúc nhất. Họ không tham lam những thứ không thuộc về mình, không truy cầu những thứ cao xa, không có lòng dạ đen tối, không hám danh hám lợi, không mong muốn vinh hoa phú quý. Trong lòng họ không có buồn lo, ưu sầu, có chăng chỉ là bình an, vui vẻ.
“Biết đủ” là một loại rộng lượng. Lòng dạ rộng lượng có thể dung nạp được thiên hạ, cho nên trong mắt người biết đủ, mọi sự tranh giành và đòi hỏi quá mức sẽ là không cần thiết. Cũng chính bởi vì thế mà tâm lý của người biết đủ luôn có sự cân bằng, họ luôn thấy thỏa mãn và giàu có.