Nếu con dao thể hiện tài nghệ của đầu bếp, thì lời nói bộc lộ giáo dưỡng của một người
“Gieo nhân nào gặt quả nấy”, lời nói cũng vậy, những gì bạn nói ra rất có thể sẽ quay trở lại chính bản thân bạn. Do đó, việc chúng ta cẩn trọng trong từng ngôn từ và hành động của mình là điều rất nên làm.
Lời nói có thể xoa dịu tâm hồn cho một người, nhưng đồng thời cũng có thể hằn lên vết sẹo trong lòng một người. Nhiều người cứ vô tư nói ra những lời tổn thương người khác, nhưng khi bản thân nhận phải những lời chua cay thì lại cảm thấy buồn bã, ngạc nhiên.
Họ không biết rằng: “Nếu bạn cho đi thứ gì thì sẽ nhận lại thứ nấy; Lời đã nói ra sẽ quay trở lại bản thân người đó”.
Khi chúng ta định nói những gì, trước tiên sẽ được não bộ ghi nhận lại, sau đó thông qua sự sàng lọc của não bộ mà chọn lọc thông tin.
Và khi đó, tiềm thức của chúng ta sẽ xác định được thông tin nào là cần thiết, từ đó mới đưa ra kết luận chính xác, và hình thành nên điều mà chúng ta muốn thốt ra, cũng chính là lời chúng ta sẽ nói.
Do đó, những câu mà chúng ta tùy tiện nói với người khác, cuối cùng, sẽ biến thành sự thật và trở lại với chính chúng ta.
Hoặc ngược lại, những lời nói vô tình mà người khác nói với chúng ta, cuối cùng cũng đều sẽ trả lại cho chính họ.
Quá để ý đến những lời tổn thương, chỉ càng khiến bạn thêm đau lòng
Sống trong một xã hội toàn coi trọng những mối quan hệ cá nhân, có lẽ thật khó để chúng ta tránh khỏi việc phải nghe thấy, hoặc nhìn thấy những người nói ra những lời vô lễ và làm tổn thương chúng ta.
Nhưng cuối cùng, người nói ra những lời đó, sẽ phải chịu trách nhiệm cho chính những gì bản thân mình làm. Không phân biệt đó là trai gái hay già trẻ, quy tắc này đều áp dụng lên tất cả mọi người.
Vì thế, mọi người không nên vì những lời nói chói tai của đối phương mà cảm thấy tổn thương, người đã vô tâm thì mình cũng cứ vô tình mà lướt qua.
Từ đây có thể rút ra bài học quan trọng là, bất kể ai cũng cần có trách nhiệm với lời nói của bản thân mình, và cần thận trọng hơn khi sử dụng ngôn từ với người khác.
Một con dao có thể giúp cho đầu bếp phát huy tài nghệ, thì lời nói cũng là một thứ công cụ, giúp cho chúng ta thể hiện bản thân.
Ngôn ngữ cũng là một môn nghệ thuật
Công việc của tôi bắt đầu từ việc viết lách, diễn thuyết và là một giảng viên giảng dạy, có hơn 10 năm kinh nghiệm. Từ sau khi bắt đầu công việc này, “Ngôn ngữ” đối với tôi mà nói, đã trở thành nền tảng thương nghiệp của chính mình.
Một đầu bếp sẽ rất yêu thích con dao làm bếp của mình. Trong giới của họ, có lưu truyền một câu nói: “Đầu bếp không yêu thích đạo cụ nấu nướng thì sẽ bị đạo cụ phản chủ”.
Cái gọi là phản chủ này thực ra chính là sẽ bị đứt tay, hoặc những kiểu bị thương ngoài ý muốn.
Nghe câu nói này xong, tôi bắt đầu cảm thấy, nếu sử dụng cách nghĩ này, vậy đối với tôi, ngôn ngữ chính là dao làm bếp của mình. Tôi không muốn bị ngôn ngữ của chính mình phản lại. Từ đó về sau, tôi càng coi trọng ngôn ngữ và chữ viết hơn.
Ngôn ngữ là một bộ môn nghệ thuật, có thể khiến người ta cảm động, cũng có thể khiến người ta tổn thương.
Còn có một người cũng từng dạy tôi về tính quan trọng của lời nói. Là khi tôi học đại học, từng tham gia một “CLB Nghiên cứu quảng cáo” trong 1 năm. Khi đó, tôi tùy tiện chọn một nhóm để báo danh, nhưng có duyên thế nào mà tham gia cuộc thi quảng cáo dành cho sinh viên ở khu vực Kanto, và may mắn trúng thưởng.
Hơn nữa đặc quyền của người trúng thưởng, chính là có cơ hội được gặp gỡ những bậc thầy viết quảng cáo mang tính tiêu biểu nhất ở Nhật Bản. Bậc thầy đó đã đối đãi với tôi vô cùng ưu ái, mỗi lần ở Kanto, thầy đều dắt tôi đến quán rượu nhỏ ven đường ở Shimbashi, còn dạy tôi sự quan trọng của ngôn ngữ.
“Nghe đây, em phải nhớ kỹ, hội họa và nhiếp ảnh tất nhiên đều là nghệ thuật, Tuy nhiên, ngôn ngữ thật ra cũng là một môn nghệ thuật! Lời nói ra vàng ngọc sẽ sở hữu năng lượng khiến người khác thấy hạnh phúc.
Và những lời đã nói ra rồi, cuối cùng đều sẽ quay trở lại cho người nói. Vì thế ngôn ngữ, chữ viết mà chúng ta đã nói, đã viết, phải dùng cho thật sạch, thật đẹp”.
Thầy đã dạy dỗ tôi như thế. Và câu nói ấy vẫn luôn lưu lại trong lòng tôi đến tận hôm nay.
Có lẽ, cũng từ giai đoạn đó trở đi, tôi mới bắt đầu cảm thấy hứng thú với viết lách và hiểu về sức mạnh của ngôn ngữ.
Phải biết kiềm chế cái miệng của bản thân
Thầy tôi và cả bậc thầy viết lách năm đó đều nói: “Lời đã nói ra, sẽ quay trở lại bản thân người đó”.
Tôi cũng tin vào quy luật này. Vì thế, tôi lúc nào cũng phải nhắc nhở bản thân phải cố gắng, không nên dùng những lời nói tiêu cực trên bìa sách hoặc nội dung sách.
Lời đã nói ra, sẽ quay trở lại bản thân người đó, do đó để bản thân chúng ta tốt hơn, tôi khuyên mọi người hãy thận trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ của chính mình.
Chúc Di tinhhoa dịch
Nguồn money.com.tw