Phong Tăng Tế Công điên thật hay giả điên?
Có lẽ khán giả quen với hình ảnh Tế Công ăn mặc rách rưới, thích uống rượu, ăn thịt nhưng giỏi thần thông và hay giúp đỡ người khác.
Chúng ta thích thú khi chứng kiến một vị tăng điện không đạo mạo, hay độ phóng túng tùy tiện nhưng lại tài giỏi và chứng đắc được quả vị La Hán vậy thực hư như thế nào? Tế Công điên thật hay giả điên, và ẩn sâu con người thật sự của ông là bí mật gì?
Tế Công (1130-1207 SCN) tên thật là Lý Tu Duyên, một nhân vật có thật và cũng là nhân vật trong tác phẩm dân gian Trung Quốc. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả vào thời kỳ đầu triều đại Nam Tống. Ông xuất gia tại chùa Linh Ẩn ở thành phố Hàng Châu với pháp danh Đạo Tế.
Tương truyền Tế Công là Giáng Long La Hán, vì mắc lỗi nên Phật Tổ cho chuyển sinh xuống trần, chịu khổ trả nghiệp, và con đường tu luyện của ông đã để lại câu chuyện sâu sắc về giác ngộ giáo lý nhà Phật.
Theo Phật Giáo Đại Thừa phổ truyền tại Trung Quốc lúc bấy giờ, thì sư phải kiêng thịt, nhưng ông lại ăn thịt, mọi người cứ nghĩ ông đã phạm phải giới luật, vậy mà Tế Công lại hiển lộ được thần thông, sau đó đắc quả vị La Hán.
Thực ra Phật Giáo từ thời Thích Ca Mâu Ni giảng ngũ huân, tức là 5 loại thực vật có tính cay nồng, có mùi gồm: hành, tỏi, hẹ, kiệu và hưng cừ, ăn những thứ này sẽ gây mùi và kích thích dục vọng ăn ảnh hưởng đến các tăng sư ngồi thiền nhập định và không hề có giới cấm ăn các loại thịt.
Do Ấn Đổ thời cổ đại cách đây hơn 2500 năm vốn còn nguyên thời kỳ sơ khai, ngũ cốc canh tác còn ít, rất nhiều người còn sống nhờ săn bắn thú rừng, nên sư tăng không thể lựa chọn đồ ăn, vật cúng dường được, khi tu luyện Tế Công đã đạt được vô chấp vào sắc vị. Vì khổ nạn bị đuổi khỏi chùa Linh Ẩn, thức ăn không có, ông đành kiếm được gì liền ăn nấy, vì cần duy trì sắc thân người thường để tu luyện nên ông không chấp vào ăn chay hay ăn mặn, ông ăn miễn sao cho no bụng là được.
Có thơ chứng về giác ngộ của ông:
“Cổ thi Phật tổ để một phong
Dạy khuyên tu miệng dẫn tu lòng
Người nay tu miệng, lòng không sửa
Bần tăng lòng sửa, miệng thì không”.
Có rất nhiều giai thoại về những kỳ tích của Tế Công. Ông được mô tả là một nhà sư ăn mặc rách rưới nhưng luôn vui vẻ, tay trái cầm quạt mo có thể triển hiện phép thần thông, tay phải cầm một bầu rượu hoặc tràng hạt niệm Phật, hoặc thỉnh thoảng là một bó rơm khô.
1. Câu chuyện về Tế Công cướp dâu
Huyền sử kể rằng lúc Tế Công đến Linh Ẩn Tự. Một hôm, Tế Công biết được trưa nay có một ngọn núi sẽ bay xuống đè ngôi làng nhỏ trước chùa Linh Ấn. Vị hòa thượng ấy lo lắng ngọn núi sẽ lấy đi nhiều mạng người.
Tâm tính của vị hòa thượng điên rất tốt, nên đã quyết định quản chuyện này. Hôm đó, vị hòa thượng canh năm đã bật dậy đi vào trong ngôi làng, thông báo từ nhà này sang nhà khác: “Trưa hôm nay sẽ có một ngọn núi bay đến đè ngôi làng này, mọi người hãy nhanh chóng rời đi, nếu trễ sẽ không kịp nữa đâu!”.
Dân làng đương nhiên là không ai tin. Ông lão nghe xong liền lắc đầu: “Hòa thượng điên, ông lại đến tìm trò vui rồi, núi là một vật cố định, ai từng thấy núi bay bao giờ!”.
Người nông dân nghe xong liền thở dài: “Chúng tôi phải chuyển nhà đi đâu? Nếu thật sự có một ngọn núi rơi xuống thì đành oán trách số mệnh thôi!”.
Chàng trai trẻ nghe xong khịt mũi: “Đừng nói dối để dọa mọi người! Núi có đè thì hãy dùng vai đỡ, chúng ta có sức mạnh mà!”.
Sắp ghánh tai họa mà dân làng vẫn nhởn nhơ, ngay lúc đó còn lo tổ chức đám cưới cho một đôi trai gái, Tế Công bèn bất chấp lễ nghi nhảy vào lễ cưới ôm cô dâu chạy như bay. Dân làng bèn đuổi theo, vừa đuổi ra khỏi làng thì bỗng rầm một cái ngọn núi trên trời rơi xuống ngay làng của họ, lúc đó mọi người mới biết Tế Công đã cứu mạng mọi người.
Ngọn núi đó là Phi Lai Phong, Tế Công giải thích cho dân làng đây là đây là ngọn núi Thiên từ Tây Trúc bay qua, nghỉ một lúc sẽ bay tiếp, muốn ngọn núi ở lại với xóm làng thì dân làng hãy tạc 500 bức tượng Phật lên ngọn núi để trấn, vì thế nó sẽ không thể bay sang nơi khác để gây nguy hiểm cho người được nữa.
Dân làng nghe xong liền nói: “Hòa thượng đã cứu mạng chúng tôi, chúng tôi cũng phải nghĩ cho người khác”, rồi lập tức hành động, đục đục khắc khắc, “cốp cốp cốp” liên tục ba ngày ba đêm, cuối cùng năm trăm vị La Hán đã được khắc xong, trên núi dưới núi đều được đặt đầy.
Dân làng chỉ đục thân hình của La hán nhưng vẫn chưa kịp khắc chân mày và mắt. Hòa thượng điên bèn nói: “Việc này cứ để ta!”. Vị hòa thượng không dùng bất cứ công cụ nào, chỉ dùng móng tay dài gọt tới gọt lui trên mặt của bức tượng. Chưa tới nửa ngày, năm trăm bức tượng La Hán đó đã bắt đầu đứng nghiêm trang.
Từ đó về sau, ngọn núi này không còn bay được đến nơi khác nữa, mà vĩnh viễn ở trước chùa Linh Ấn! Vì nó từ trên không bay tới nên mọi người đặt nó là “Phi Lai Phong”. Còn vị hòa thượng điên cướp dâu cứu mạng mọi người, chính là vị hòa thượng điên nổi tiếng Tế Công, dân gian vẫn còn lưu lại rất nhiều câu chuyện thần kỳ về ông.
2. Dùng công năng chuyển gỗ từ giếng lên
Một câu chuyện nổi tiếng kể rằng: Tế Công đã dùng công năng để kéo gỗ từ giếng lên.
Để xây dựng lại chùa Tịnh Tử ở Hàng Châu cần huy động rất nhiều loại gỗ, trong khi nhiều loại gỗ tốt nhất lại ở Tứ Xuyên cách đó 900 dặm, không ai có cách nào chuyển gỗ từ xa như thế để xây chùa, Tế Công đã nhận nhiệm vụ này bất chấp bị các vị sư khác chê cười. Ông dùng công năng chuyển hết khối gỗ này đến các khối gỗ khác qua đường nước mà chuyển xuống giếng của nhà chùa, sau đó ông chỉ đứng ở miệng giếng mà gọi gỗ bay lên. Người đời sau đã xây một đình tưởng niệm tại đây và đặt tên là “Giếng Thần Mộc”.
Ngoài ra Tế Công còn triển hiện thần thông, giúp đỡ những kẻ khốn cùng, viện trợ những người khốn cùng nhưng lại để bản thân ăn mặc rách rưới và thiếu thốn. Lý do tại sao? Theo Phật Gia, mỗi người đều có duyên nghiệp phải trả, người tu luyện trong thế gian cũng không thể mắc nợ mà trốn tránh.
Khi xưa Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ dưới gốc cây bồ đề cũng từng bị chửi rủa bởi một người đàn bà do nghiệp đã nợ từ kiếp trước. Mục Kiền Liên đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni dù thần thông đệ nhất có thể lên trời, xuống đất trong nháy mắt cũng phải đành đứng yên cho người trần đánh đập, vì nghiệp từ các đời là không thể không trả. Biết được nguyên lý này nên Tế Công không thể dùng thần thông để tự giúp mình, chấp nhận bị đuổi khỏi chùa, vân du khắp dân gian, chịu đói, rét, khinh nhờn, lăng mạ để hoàn trả hết tội lỗi rồi mới chứng đắc được quả vị La Hán.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: cosutrunghoa