Dụng tâm chuyên nhất, tập trung cao độ, có thể đạt đến cảnh giới thần kỳ
Bất kỳ việc gì, khi đạt đến cảnh giới nhất tâm bất động, không bị nhiễu loạn bởi ngoại cảnh, không bị thúc dục bởi tư dục, không bị phân tâm bởi tạp niệm, thì đều đạt đến tuyệt kỹ trong nghề.
1. Người thợ đẽo giá chuông
Tử Khánh đẽo gỗ làm giá chuông, ai cũng khâm phục khen là khéo như Thần. Người nhìn thấy các tác phẩm của ông đều kinh ngạc vô cùng, cho rằng đó là quỷ Thần chế tác, chứ con người làm sao có thể làm được như vậy? Những con thú trên cột sống động như thật. Danh tiếng của Tử Khánh truyền xa, rồi truyền tới tai nhà vua. Thế là vua nước Lỗ triệu kiến người thợ mộc Tử Khánh, muốn hỏi bí quyết huyền ảo diệu kỳ trong đó. Tử Khánh đáp:
– Thần chỉ là một người thợ bình thường, nào có thuật gì đâu. Chỉ là trước khi đẽo cái giá đó, thần không dám để hao tổn nguyên khí mà phải trai giới để tĩnh tâm. Trai giới được ba ngày thì không nghĩ tới khen thưởng, tước lộc nữa. Trai giới được năm ngày thì không nghĩ tới lời khen chê khéo vụng nữa. Trai giới được bảy ngày thì quên rằng thân có hình thể tay chân. Lúc đó, thần không biết có quốc quân và các đại phu nữa. Thần chuyên tâm vào nghệ thuật, bao nhiêu phiền nhiễu bên ngoài tiêu tan hết.
Tử Khánh nói tiếp:
– Sau đó thần mới vào rừng, quan sát tính chất của từng cây. Thấy cây nào hình dáng và tính chất hoàn toàn thích hợp rồi, lúc đó hình dáng cái giá chuông hiện rõ trong đầu, thế là thần bắt tay vào việc. Nhờ sự hoà hợp giữa cái tự nhiên của thần với cái tự nhiên của cây mà giá chuông mới như Thần tạo, có lẽ vậy chăng?
2. Người bắn cung thiện xạ
Liệt Ngự Khấu đi ngược gió để biểu diễn bắn cung cho Bá Hôn Vô Nhân xem. Trước khi bắn, ông có vẻ dương dương đắc ý, sau đó bình tâm trút bỏ vẻ kiêu căng và giương cung lên. Sau đó, ông đặt lên cánh tay mình một chén nước đầy, lắp tên rồi bắn. Mũi tên thứ nhất vừa bắn ra xong thì mũi tên thứ hai đã lập tức theo sát phía sau, và mũi tên thứ ba cũng đã sẵn sàng căng dây, chén nước trên cánh tay không gợn sóng chút nào. Liệt Ngự Khấu như một người bằng gỗ đứng ở đó, hoàn toàn bất động.
Bá Hôn Vô Nhân chỉ nhẹ nhàng nói rằng:
– Thuật bắn tên của ông, chỉ có thể coi là thuật ‘hữu tâm xạ tiễn’, chưa đạt được thuật bắn tên ‘vô tâm xạ tiễn’.
Bá Hôn Vô Nhân nói thêm:
– Bây giờ tôi mời ông, chúng ta cùng leo núi cao, đi trên vách đá, đứng bên mép vực sâu ngàn thước xem ông bắn tên như thế nào?
Bá Hôn Vô Nhân liền đi trước, leo lên ngọn núi cao, chân bước trên một mỏm đá phong hóa vách đá cheo leo, đến gần miệng vực sâu ngàn thước, sau đó quay người lại, đi lùi về phía vực sâu đến khi một phần chân tay đã thò ra, lơ lửng trên vách đá dựng đứng. Sau đó, Bá Hôn Vô Nhân mời Liệt Ngự Khấu leo lên bắn cung. Liệt Ngự Khấu leo lên, gần đến vách núi thì không thể bước nổi nữa, chỉ có thể bò trên mặt đất, mồ hôi chảy ròng ròng đến tận gót chân.
Lúc đó, Bá Hôn Vô Nhân nói:
– Phàm là người cao minh chân chính, trông lên có thể thấu tận trời xanh, nhìn xuống có thể thấy rõ suối vàng, dạo chơi bát cực, Thần khí chẳng đổi thay.
Liệt Ngự Khấu tim đập chân run, chẳng dám mở miệng đáp lời. Bá Hôn Vô Nhân lại nói với Liệt Ngự Khấu rằng:
– Giờ đây ông tâm run mắt hoa, bảo ông bắn cung thì khả năng bắn trúng rất nhỏ.
3. Huấn luyện gà chọi
Đại vương rất thích chọi gà, muốn Kỷ Thanh Tử huấn luyện cho ông một chú gà chọi có thể xưng bá bốn phương, có thể mau chóng xuất trận, đánh đông dẹp bắc.
Qua 10 ngày, đại vương hỏi Kỷ Thanh Tử:
– Con gà của ta đã chọi được chưa?
Kỷ Thanh Tử trả lời: :
– Vẫn chưa được, vì con gà này “vẫn kiêu căng và cậy khí thế”. Con gà trống to lớn này khí thế mạnh ức hiếp con gà khác, lông xù ra, ánh mắt rừng rực, vô cùng kiêu ngạo.
Lại qua 10 ngày, đại vương lại hỏi. Kỷ Thanh Tử trả lời:
– Vẫn chưa được. Mặc dù khí thế của nó đã bắt đầu thu lại, nhưng con gà khác hễ động thì nó lập tức vẫn còn phản ứng, cái tâm tranh đấu vẫn lớn lắm, như thế vẫn chưa được.
Lại qua 10 ngày nữa, đại vương lại hỏi lần thứ ba. Kỷ Thanh Tử nói:
– Vẫn chưa được. Nó bây giờ tuy phản ứng đối với những cái bên ngoài đã nhẹ đi rất nhiều, nhưng ánh mắt nó vẫn còn nộ khí, vẫn chưa được.
Lại 10 ngày nữa qua đi, đại vương lại hỏi. Kỷ Thanh Tử cuối cùng nói:
– Bây giờ cũng tạm được rồi. Những con gà khác kêu lên muốn đánh, nó đã không phản ứng rồi, ngây như con gà gỗ rồi.
Kỷ Thanh Tử nói:
– Con gà này đã huấn luyện đến mức như con gà bằng gỗ rồi, “đức của nó đã đầy đủ rồi”, tức là tinh thần đã tụ vào bên trong. Do đó con gà này đứng ở kia, bất kỳ con gà nào trông thấy nó đều vội vã bỏ chạy. Lúc này có thể cho nó đi chọi gà được rồi.
4. Ông lão bắt ve
Một ngày nọ, Khổng Tử cùng các môn đệ chu du đến nước Sở. Khi đi ngang qua một khu rừng, họ gặp một ông lão gù lưng đang dùng gậy tre để bắt ve. Mỗi lần giơ gậy lên là một lần ông bắt được ve, không bỏ sót một con nào, trông đơn giản như ông dễ dàng nhặt cái gì đó ở dưới đất lên.
Khổng Tử đến gần, cúi đầu chào ông lão và hỏi:
– Tiên sinh, kỹ thuật bắt ve của tiên sinh thật thành thục, tiên sinh có đạo lý gì?
Ông lão nhìn lên rồi trả lời:
– Thời điểm tốt nhất để bắt ve là vào tháng năm hoặc tháng sáu. Khi không đúng thời điểm, đừng vội vàng mà phải kiên nhẫn. Khi thời điểm đến, phải tận dụng thời gian để bắt được càng nhiều ve càng tốt, nếu không thì phải đợi sang năm. Khi ta mới đầu bắt ve, ta chỉ bắt được giống như những người khác, ta thường xuyên bắt trượt.
Sau đó ta quyết định tự rèn luyện, ta đặt một viên bi nhỏ trên đầu gậy tre và đứng im giữ cây gậy sao cho viên bi không rơi xuống. Ta mất một vài tháng để làm điều này và cuối cùng ta có thể giữ được viên bi trên cây gậy. Sau đó, gần như mỗi lần bắt ve hầu như ta đều bắt trúng.
Rồi ta quyết định đặt ba viên bi trên đầu gậy tre, ta tự rèn luyện mình giữ viên bi đúng vị trí. Khi ta có thể giữ được ba viên bi trên đầu gậy tre, tỷ lệ bắt trượt của ta còn ít hơn nữa. Sau đó ta quyết định đặt năm viên bi trên gậy tre và lại rèn luyện bản thân để giữ các viên bi không bị rơi xuống. Đến khi ta có thể làm điều đó, việc bắt ve trở nên dễ như nhặt cái gì đó ở dưới đất lên vậy, ta không bắt trượt con nào cả.
Khổng Tử nghe vậy liền khen ngợi:
– Thật tuyệt vời!
Ông lão tiếp tục:
– Khi đang bắt ve, ta giữ cơ thể mình bất động như khúc gỗ. Ta giữ chặt cánh tay mình. Cho dù trời đất rộng lớn ra sao, cho dù mọi thứ xung quanh ta thế nào, ta sẽ không thấy gì ngoài đôi cánh của con ve mà ta muốn bắt. Ta sẽ không nhìn lại, không nghiêng người và không bận tâm đến bất kỳ phiền nhiễu nào. Ta chỉ hoàn toàn để tâm vào con ve, không gì khiến ta thay đổi sự chú ý của ta vào nó. Làm sao ta có thể bắt trượt con ve khi ở trong trạng thái như vậy?
Khổng Tử cảm thán mãi, ông quay về phía các môn đệ và nói:
– Dụng tâm chuyên nhất, tinh thần tập trung cao độ, sẽ có thể đạt đến cảnh giới thần kỳ. Vị lão nhân gù lưng này hoàn toàn đạt đến tầng thứ đó!
Trung Hòa/NTD.com