Cội nguồn tâm linh của người Việt
Không biết từ bao giờ tâm linh và đời sống tâm linh đã đồng hành cùng con người, xã hội và tồn tại cho đến bây giờ. Con người đã đến với tâm linh như một nhu cầu tất yếu.
Nói tôn vinh giá trị văn hóa tâm linh trước hết phải nói đến văn hóa tâm linh của dân tộc. Đó là việc giỗ Tổ Hùng Vương, có cội nguồn khoảng thế kỷ XIV. Ban đầu chỉ một số làng xã xung quanh núi Nghĩa Lĩnh thờ cúng Hùng Vương, đến nay đã có trên 122 làng xã (ở 226 địa điểm) tỉnh Phú Thọ.
Trên cả nước có rất nhiều địa phương ở Trung Bộ, Nam Bộ và nhiều quốc gia có người Việt cư trú đều lập đền thờ Hùng Vương để bái vọng. Từ năm 2000, cứ 5 năm một lần Lễ hội Đền Hùng được tổ chức theo nghi thức Quốc giỗ. Chính vì thế mà “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Cho đến bây giờ, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, dù ai ở đâu, đi đâu cũng mong được về gia đình, quê hương thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên ông bà mong được ông bà phù hộ sức khỏe, ăn nên làm ra, con cháu quây quần đoàn tụ. Khi đến nghĩa trang Trường Sơn, trước hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ, ai cũng mong được thắp một nén nhang để tỏ lòng tri ân với những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Bất cứ xã hội nào, thời đại nào, chế độ nào, dù khoa học và công nghệ có phát triển đến mấy, dù tri thức con người có tiên tiến đến đâu cũng phải công nhận một thực tế hiển nhiên là trong cuộc sống con người vẫn còn gặp những tai biến, hoạn nạn do thiên tai, địch họa, bệnh tật hiểm nghèo. Những lúc như vậy, một số người họ tìm đến thế giới tâm linh để mong được vỗ về, an ủi, được tiếp thêm sức mạnh tinh thần vượt qua nỗi đau, vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt.
Có lẽ, bao giờ trên trái đất còn đó những khổ đau bất hạnh thì con người còn hướng về thế giới tâm linh và theo đó đời sống tâm linh vẫn tiếp tục tồn tại.
Hướng về thế giới tâm linh không những là một nhu cầu mà còn là một cách giúp con người sống lương thiện hơn, tốt đẹp hơn. Đó chính là sự khát khao của con người hướng về cái chân thiện mỹ và hạnh phúc vĩnh hằng. Đó chính là giá trị văn hóa và sự sống trường tồn trong xã hội đương đại mà chúng ta cần tôn vinh.
Đời sống tâm linh còn tạo sự đoàn kết, kết nối quá khứ, hiện tại với tương lai, có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo nên cảm xúc và rung động thiêng liêng. Thông qua giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, người dân Việt Nam luôn hướng về tổ tiên cội nguồn, đồng thời cũng là dịp bày tỏ tình đoàn kết, biểu dương sức mạnh của dân tộc, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì dân tộc.
Quảng Bình được vinh danh là miền đất của địa linh nhân kiệt, phong thủy hữu tình, nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa, có hệ thống 95 di tích đã được xếp hạng lịch sử ,văn hóa và danh thắng, trong đó 51 di tích cấp quốc gia, bao gồm nhiều di tích du lịch tâm linh ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa phong phú và đa dạng.
Để minh chứng điều này phải kể đến động Thiên Đường (nằm trong hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng) được mệnh danh là Hoàng Cung dưới lòng núi. Thông qua chiêm ngưỡng những tráng lệ, kỳ ảo của hang động, du khách còn lưu giữ trong ký ức về những truyền thuyết mang tính tâm linh rất sâu sắc như miếu thờ Đá Thần, Đền Thần cầy, Hình Hạc vọng Thiên An…
Nếu khách đến chùa Non Nước núi Thần Đinh (huyện Quảng Ninh) sẽ không chỉ chiêm ngưỡng non nước hữu tình mà còn được đắm mình trong câu chuyện truyền thuyết “Đầu Mâu đa tiên,Thần Đinh đa phật”. Đây là ngọn núi đá vôi cuối cùng trong mạch chảy từ Vân Nam (Trung Quốc) về nước ta. Trên núi có nhiều hang động như động Chuông, động Trống.
Cơn gió mạnh thổi qua hay ai gõ vào sẽ phát ra âm thanh như trống đánh, chuông gõ; trong động lại có nhiều thạch nhũ với nhiều dáng vẻ khác nhau như dáng tiên, dáng phật, trên núi lại có giếng nước trong quanh năm, truyền thuyết cho rằng những người thành tâm đến đây thắp nhang, uống chút nước giếng về sau đều được khỏe mạnh may man. Tet, du khách đến với núi Thần Đinh rất đông để chiêm ngưỡng cảnh đẹp và cầu may mắn. Khi ra về, trên tay bất cứ du khách nào cũng cầm một chai nước lấy từ giếng thần để mang lời cầu chúc hạnh phúc đến với gia đình, người thân và bạn bè.
Hang Tám Cô thanh niên xung phong (nằm trong Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng) là một địa danh vừa linh thiêng vừa bi tráng ghi lại sự tích anh hùng, hy sinh của những thanh niên xung phong trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.
Gần đây, nhiều người được chứng kiến hay nghe kể lại rất nhiều chuyện ngạc nhiên đến kỳ lạ như chuyện về buồng chuối xanh chỉ có 8 nải mọc trước cửa hàng, chuyên tổ thằn lằn trong đêm tri ân có 8 quả trứng…
Đen thờ Công chúa Liễu Hạnh (huyện Quảng Trạch) ở chân núi Đèo Ngang là điểm thờ Mẫu. Việc tôn trọng phụ nữ, vai trò người mẹ, người vợ ở nước ta là một truyền thống tốt đẹp và có sức sống mãnh liệt của văn hóa dân gian từ thời Văn Lang – Âu Lạc truyền lại cho đến ngày nay. Đen thờ Công chúa Liễu Hạnh đã trở thành một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người dân Quảng Bình nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.
Lễ hội đập trống của người Ma Coong (huyện Bố Trạch) là lễ hội đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách 9 lễ hội dân gian Quốc gia được phục hồi từ năm 2007; tổ chức một năm một lần, sau Tết nguyên đán tại bản Cà Roòng, xã Thượng Trạch. Đây là một lễ hội cầu may, cầu sức mạnh để vượt qua những tai họa hiểm nghèo trong cuộc sống, cần sự phù hộ của đất trời cho cả dân tộc khắp nơi.
Ngoài ra còn có nhiều lễ hội đặc sắc khác, mỗi lễ hội có một nét độc đáo của mỗi vùng, miền trong toàn tỉnh như lễ hội cầu Ngư, lễ hội Cầu Mùa, lễ hội Múa bông chèo cạn. Trong thực tế, vừa qua, những lễ hội này cũng đã thu hút khách thập phương khá đông, ngoài việc hòa mình vào không khí sôi nổi của lễ hội, thưởng ngoạn cảnh sông nước hữu tình, dâng hương để tỏ lòng thành kính, cũng là dịp họ hiểu thêm văn hóa tâm linh, giàu bản sắc dân tộc của người dân Quảng Bình.
Từ tháng 10 năm 2013, có thêm địa danh Vũng Chùa – Đảo Yến – một điểm đến tâm linh, thu hút đông đảo khách thập phương dừng chân. Bởi đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng “Vị Đại tướng của lòng dân” Võ Nguyên Giáp. Vũng Chùa – Đảo Yến nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, cách Đèo Ngang khoảng 10km về
Hướng đông nam, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Đây là nơi phong thủy hữu tình với vẻ đẹp hoang sơ, hài hòa, yên bình giữa núi, rừng và biển. Với địa thế cong hình cánh quạt, lại được bao bọc bởi 3 đảo là Hòn La, Hòn Gió và Hòn Nồm (Đảo Yến) nên khu vực biển Vũng Chùa khá kín gió.Vì vậy, dù hướng mặt ra biển Đông nhưng sóng ở đây không ào ạt xô bờ mà nhẹ nhàng như vỗ về bờ cát. Vũng Chùa – Đảo Yến còn huyền ảo với những sự tích giai thoại về mũi Rồng, núi Thọ…
Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ nói rằng: Quảng Bình có tiềm năng văn hóa du lịch tâm linh phong phú đa dạng. Tuy nhiên, để phát huy và tôn vinh giá trị văn hóa tâm linh góp phần xây dựng du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn cần có bước đột phá và phát triển bền vững, cần có quy hoạch tổng thể và chi tiết, trong đó văn hóa du lịch tâm linh là một mô hình du lịch mới có bản sắc riêng, có khả năng tạo được thương hiệu, cần có sự đầu tư đồng bộ từ giao thông, bãi đỗ xe, nhà hàng, khách sạn, khắc phục các hiện tượng phản cảm… để tạo điều kiện thật thuận lợi an toàn và hấp dẫn cho du khách đến.
Mặt khác, tăng cường mở rộng công tác tuyên truyền quảng bá về du lịch tâm linh trên các phương tiện thông tin đại chúng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có tính chuyên nghiệp cao cho du lịch văn hóa tâm linh, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên vừa giỏi về nghiệp vụ vừa giỏi về ngoại ngữ để có thể giao tiếp được với du khách nước ngoài. Hy vọng rằng, du lịch Quảng Bình nói chung và du lịch tâm linh nói riêng sẽ có bước đột phá trong nay mai.
Chùa cổ Hoàng Phúc thuộc thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy là ngôi chùa cổ nhất ở Quảng Bình được hình thành cách đây 715 năm, được lập để thờ Phật, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân Đại Việt từ miền Bắc di trú vào vùng đất mới và cộng đồng bản địa. Nơi đây năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến ở và thuyết pháp truyền giảng giáo lý.
Từ năm 1727, do chiến tranh loạn lạc dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh chùa rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát và quên lãng, đến năm 1977, trên nền chùa Hoằng Phúc cũ đã dựng lên một ngôi nhà nhỏ để làm nơi thờ cúng các đức Phật đáp ứng nguyện vọng của đông đảo phật tử và nhân dân trong vùng. Nhưng rồi bị cơn bão năm 1985 quật đổ nất. Mãi đến ngày 30/11/2014, công trình mới được phục dựng do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển bảo trợ. Ngày 9/12/2015, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch đã có quyết định xếp hạng chùa Hoằng Phúc là Di tích Quốc gia. Từ ngày 27/3/2016 – 5/4/2016, hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đã đến đây chiêm bái
Nguồn: Đời Sống Tâm Linh
Thiện Quang biên tập