Mối quan hệ giữa ngũ hành, ngũ tạng và ngũ đức
Văn hóa Trung Hoa là văn hóa Thần truyền, bác đại tinh thâm, đặc biệt là trong học thuyết âm dương ngũ hành, ngũ hành bao gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, và ngũ tạng của cơ thể người gồm: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận, cùng với ngũ đức bao gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín là có quan hệ tương ứng và có quan hệ mật thiết với nhau.
Kim trong ngũ hanh tương ứng với Phế (phổi) trong ngũ tạng và đối ứng với Nghĩa trong ngũ đức. Kim loại có thể phát ra âm thanh mỹ diệu, phổi là trung tâm trao đổi khí trong cơ thể con người, con người phát ra âm thanh là phụ thuộc vào phổi, do đó ngoài việc sử dụng phổi để thở, còn phải sử dụng nội lực để cất tiếng nói ủng hộ công lý và chính nghĩa. Tính chất của Kim là cứng rắn và mạnh mẽ, vì vậy khi đối mặt với cái ác, tiếng nói của sự chính nghĩa cần phải quyết đoán và mạnh mẽ.
Mộc trong ngũ hành tương ứng với Can (gan) trong ngũ tạng và đối ứng với Nhân trong ngũ đức. Mộc có chức năng điều tiết, gan là trung tâm giải độc của cơ thể, các vật chất độc hại được sinh ra trong quá trình trao đổi chất từ bên ngoài vào hoặc trong cơ thể được gan giải độc rồi mới đào thải khỏi cơ thể, do đó gan tương ứng với Mộc. Khi xảy ra mâu thuẫn giữa người với người thì phải dùng thiện tâm và lòng nhân ái để xử lý, không thể cố chấp giải quyết vấn đề bằng đấu tranh.
Thủy trong ngũ hành đối ứng với Thận trong ngũ tạng và đối ứng với Trí trong ngũ đức. Trung Y cho rằng thận chứa tinh khí tiên thiên, có chức năng điều tiết nước, tương ứng với Thủy. Tinh khí tiên thiên trong Thận sẽ dần dần chuyển thành các tinh khí hậu thiên theo sự trưởng thành của con người để duy trì chức năng sinh sản, vì vậy khi phải đối mặt với ham muốn tình dục, nhất định phải lý trí, không được để dục vọng khống chế, không được hoang dâm vô độ.
Hỏa trong ngũ hành tương ứng với Tâm (tim) trong ngũ tạng và đối ứng với Lễ trong ngũ đức. Trung Y cho rằng: “Tâm vi quân chủ chi quan, thần minh xuất yên”, tim là bộ phận chủ quản của các cơ quan trong cơ thể, tinh thần và trí tuệ xuất phát từ đây, cũng có nghĩa là tim làm chủ tư duy, giới tu luyện cho rằng nguyên thần có lúc thực sự ngụ tại tim, vì vậy có khi tim thực sự đang làm chủ tư duy, vậy tại sao nó lại tương ứng với Hỏa?
Lấy một câu chuyện trong Kinh Thánh có lẽ có thể giúp chúng ta lý giải được điều này: Sau khi chạy trốn khỏi Ai Cập, chàng trai trẻ Moses trở thành một người chăn cừu trên đồng cỏ rộng lớn, một ngày nọ, anh nhìn thấy một bụi gai bén lửa mà không bị cháy rụi, tiếp đó Thiên Chúa lại xuất hiện trong lửa và ra lệnh cho Moses dẫn người dân Israel ra khỏi Ai Cập, đây là sự khởi đầu của câu chuyện chạy thoát khỏi Ai Cập.
Trong câu chuyện phương Tây này Thiên Chúa hiện ra trong lửa, người phương Đông nói rằng nguyên thần ngụ tại tim, vì vậy tim tương ứng với Hỏa. Tính chất của “Hỏa” là phát sáng, vì vậy lòng dạ của con người cũng phải trong sáng, hàm nghĩa nguyên sơ của “Lễ” là sự kính lễ của con người đối với Thần, cho nên trong tâm của con người phải có Thần, người ta nên tín Thần và kính lễ Thần, đây là đạo lý hiển nhiên, phù hợp với đặc trưng của cơ thể con người.
Thổ trong ngũ hành tương ứng với Tỳ (lá lách) trong ngũ tạng và đối ứng với Tín trong ngũ đức. “Thổ” có đặc tính là nuôi dưỡng và giáo dục, vì vậy Trung y cho rằng Tỳ và Vị (lá lách và dạ dày) cùng nhận được đồ ăn thức uống, vận chuyển các vi chất, là nguồn động lực cho sinh mệnh, do đó thời xưa gọi là nguồn gốc hậu thiên và nguồn sinh khí huyết.
Tính chất của “Thổ” là khoan dung, nhân hậu, có thể bao dung, có thể chịu đựng, có thể gánh vác trọng trách. Chúng sinh trên mặt đất đều sinh ra từ đất, do đó Thổ chính là yếu tố cơ bản nhất và cũng trân quý nhất trong ngũ hành, cho nên Thổ đối ứng với Tín trong ngũ đức, đây cũng chính là phẩm chất cơ bản nhất của con người.
Tín ngưỡng của con người đối với Thần là nguồn gốc của đạo đức, nếu con người không có chính tín, con người không tin Thần thì con người sẽ biến thành tà ác, giữa người với người nếu không có sự thành tín với nhau thì xã hội sẽ sụp đổ. Vì con người có chính tín với Thần, có thành tín giữa người với người, nên khi cần thiết có thể chịu được những áp lực từ bên ngoài.
Nói về mối quan hệ đối ứng này, vì ngũ tạng có quan hệ với ngũ đức, vậy nếu cải thiện được đức hạnh thì có thể cải thiện được tình trạng của ngũ tạng tương ứng.
Nguồn: Zhengjian
Chân Nhiên