Nhẫn là hành vi của người mạnh, là phương thức của người thành công và là sách lược của người chiến thắng
Trong cuộc sống và công việc “ Chữ Nhẫn” sẽ tạo cho chúng ta cơ hội. Nhẫn không phải là nhục, đó là khả năng kiềm chế bản thân thoát khỏi sự nóng nảy, vội vàng. Đó là tố chất đáng quý mà không phải ai cũng làm được.
Nhẫn nại và khoan dung một chút sẽ chiếm được sự nể phục, tôn trọng từ đối phương, hơn hết có thể là tình cảm quý mến, đó chính là bản lĩnh tuyệt vời của con người. Những người học được cách chịu đựng là những người gọi cả thế giới là anh em. Những chuyện không còn thay đổi được, thôi chớ trách móc làm gì, hãy nhẫn nhịn cho qua để làm người tự thắng.
Với một người tu luyện thì chữ Nhẫn là phẩm chất mà người tu phải học đầu tiên và là đức tính phải thử thách đến cuối cùng. Tu đến mức chữ Nhẫn được thực hành đúng nghĩa của nó thì mới có thể đạt viên mãn. Đã có không ít người tu hành phải lỗi hẹn đường tu chỉ vì không Nhẫn đến cùng.
49 năm tu Đạo uổng công chỉ vì một lần không thể ‘Nhẫn’:
Lão lái đò phóng tầm mắt nhìn qua bến sông, xem chừng lưỡng lự bởi khi này mà chở khách quá giang thì nguy hiểm quá! Nhưng người thiếu phụ một hai năn nỉ, nói rằng tư gia có việc gấp lắm không thể đình trệ. Bất đắc dĩ ông đành phải nhận lời…
Trời thu, nắng chiều bảng lảng. Mặt sông hiu hắt buồn. Bến sông cô quạnh. Phía góc rừng xa, tu hú gọi bầy mênh mang tha thiết, vài cánh chim chấp chới bay về. Hoàng hôn lịm dần giữa không gian màu tím nhạt…
Lại thêm sáu mươi chín năm nữa đã trôi qua kể từ độ luân hồi chuyển kiếp. Bất Giác cư sĩ lần này dốc lòng phó xuất công sức sớm tối đưa đò, mượn duyên thế tục mà tu dứt danh – lợi – tình chốn nhân gian, những mong có ngày viên mãn hồi thăng, rời xa hết thảy mọi đau khổ lụy phiền trong Tam giới.
Lần này ông ta tỏ ra vô cùng khoan dung điềm tĩnh, nhẫn nại hơn người. Tuy bến sông lúc đông lúc vắng, nhưng suốt bốn mùa xuân hạ thu đông, ngày mưa cũng như ngày nắng chưa một lần lão cư sĩ nản lòng thoái chí hay bỏ dở công việc của mình.
Trải qua bốn mươi chín năm hành nghề đò giang, cũng là bốn mươi chín năm tu Đạo, Bất Giác cư sĩ đã chở được chín mươi chín nghìn người qua bến nước, ông lại thành tâm hồng Pháp cho bao người hữu duyên. Công đức vô lượng, quả vị gần kề.
Hôm ấy chính độ giữa thu, nước thượng nguồn bỗng dưng đổ về cuồn cuộn. Cả bến sông ầm ầm như thác, mặt sông sủi bọt, xoáy nước đục ngầu, đá lăn lục khục.
Trời vừa nhá nhem thì đổ mưa lớn. Mưa tuôn như xối. Mưa táp rát mặt. Sấm chớp uỳnh oàng. Giữa lúc đó bỗng xuất hiện một thiếu phụ vai khoác tay nải, tay dắt một bé trai chừng năm, sáu tuổi tới nhờ ông đò Bất Giác chở giúp qua sông.
Lão lái đò phóng tầm mắt nhìn qua bến sông, xem chừng lưỡng lự bởi khi này mà chở khách quá giang thì nguy hiểm quá! Nhưng người thiếu phụ một hai năn nỉ, nói rằng tư gia có việc gấp lắm không thể đình trệ. Bất Giác cư sĩ đành phải nhận lời.
Hai mẹ con khách vừa bước xuống lòng đò, còn chưa kịp ngồi yên vị thì người đàn bà đã cất tiếng dặn dò:
– Mẹ con ta đây thân phận cao quý, chẳng phải lũ thường dân. Ông nhớ chèo cho vững nghe không. Cần che mui cho kín. Nếu chúng ta mà bị ướt thì liệu chừng mà ăn roi quắn đít đó!
Lão lái đò thoáng nhíu đôi chân mày, nhưng vẻ mặt vẫn hết sức điềm nhiên. Ông mỉm cười đáp:
– Xin phu nhân và cậu chủ an tâm, lão đây sẽ gắng hết mình vì sự an toàn của hai vị.
Nói đoạn Bất Giác cư sĩ vận dụng hết tận tài nghề và sức lực, đánh vật với sóng xô nước xoáy, chẳng dám phân tâm dù trong tích tắc. Trải bao phen con thuyền duềnh lên hụp xuống, lượn xoáy tít mù như đang cá cược sinh mệnh cùng Hà Bá, cuối cùng thì Bất Giác cũng đưa được hai mẹ con nhà nọ qua bên kia sông một cách bình an vô sự.
Nhưng vừa đặt chân lên đến bờ, người thiếu phụ bỗng kêu lên:
– Ta quên khuấy đi mất. Còn có một gói hành lý bỏ quên ở quán bên kia. Vậy phiền nhà ngươi chịu khó chèo sang lấy hộ.
Bất Giác cư sĩ cúi đầu nín lặng. Ông quày quả chèo qua phía bến sông giữa sóng to gió cả. Mãi đến khi trời tối mịt, chật vật lắm ông mới chuyển được gói hành lý sang sông và trao tận tay cho người đàn bà. Vừa khi soát lại túi gói xong, bà ta lại thốt lên:
– Thôi rồi! Còn một trái cầu mây của cậu chủ nhỏ. Hồi chiều nó chơi vô tình rớt dưới gầm chiếc chõng tre nơi quán nhỏ. Thế nào nhà ngươi cũng phải gắng sang một lần nữa đem về cho ta. Hãy đi cho mau, nãy giờ mẹ con ta ở bên này đợi ngươi đến mệt!
Sự tình đến nước này thì Bất Giác cư sĩ cũng chịu hết nổi! Ông trỏ tay về phía hai mẹ con người thiếu phụ mà nói lớn:
– Xú nhân! Bà có hiểu hai chữ ‘biết điều’ là gì không vậy? Ta đâu phải sinh ra để mà hầu hạ mẹ con nhà ngươi mãi được!
Nói lời vừa dứt, Bất Giác cư sĩ bỗng thấy một luồng sáng chói lòa. Muôn ánh quang huy hiển hiện rực rỡ cả bến sông. Mẹ con người khách lạ chẳng thấy đâu nữa, chỉ thấy phía trên cao kia đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiển linh. Tọa trên tòa sen rực rỡ sắc vàng, đấng Từ Bi chỉ nhìn ông mỉm cười mà như có lời nói phát ra đâu đây âm vang khắp sông cùng núi thẳm:
– Nhà ngươi vẫn chưa vượt qua được một chữ ‘Nhẫn’. Chấp trước hãy còn, khó thành công quả!
Thanh âm vang vọng vừa dứt, ánh kim quang cũng khuất dần. Cảnh vật lại y nguyên. Bất Giác cư sĩ đứng sững như trời trồng giữa bến sông cô tịch. Bùn đất như chảy hoài nhão nhoẹt dưới chân ông, nhão nhoẹt cả khúc sông vốn đã in hằn bóng dáng khắc khổ của một đời tu Đạo.
Và gió. Và mưa. Và sấm chớp.
Phía bên kia sông, tiếng chim tu hú lạc loài kêu thảm!…
Khi cơn thịnh nộ qua đi, có thể chỉ còn lại hối hận, vì đó là con đường ngắn nhất dẫn đến sự hiểu lầm và những quyết định sai lầm, thiển cận. Nhưng chỉ cần bình tĩnh, nhẫn nại, không ai phải mệt mỏi và mọi việc sẽ dễ dàng giải quyết hơn nhiều.
Thần Phật thường hay thử lòng người. Khi một người tu luyện đã có một tầng thứ cao trong quả vị của mình thì thường phải đối diện với những thử thách rất gay cấn. Thử thách chữ Nhẫn có thể nói là đau đớn như khoan xương xẻo tim, nhưng nếu nhẫn nhịn qua được thì lại bước sang một cảnh giới cao quí mà vạn người mơ ước.
Vậy cũng có thể nói rằng: Tu luyện là công phu. Tu để mà rèn giũa cho con người những đức tính tốt đẹp, để con người luôn hướng đến điều thiện lương. Khi trong tâm không còn nóng nảy, không còn khó chịu với những điều mình không mong muốn thì có nghĩa là con người đó có thể đã có tâm Bồ tát, tâm Phật. Cuộc sống của họ lúc đó có muốn khổ cũng không có nữa.
Hãy cảm ơn ngọn đèn vì ánh sáng của nó.Nhưng chớ quên người cầm đèn kiên nhẫn đứng trong đêm.
Nhung Nguyễn biên tập.
Nguồn ntdvn