Ngôn ngữ xuất phát từ thiện tâm có thể khiến người khác rơi lệ
Lời nói nếu được cất lên từ thiện tâm, từ sự từ bi độ lượng thì dù bạn nói gì người nghe cũng có thể rơi lệ. Một lời góp ý thẳng thắn nó phản ánh nhiều phương diện tính cách của người nói: Có thể người đó mong bạn tốt hơn, có thể người đó mong bạn hoàn hảo hơn, có thể người đó ghen tỵ với bạn, có thể người đó xuất phát từ tâm đố kỵ mà nói ra lời.
Nếu nói với tâm thiện ý thì lời nói ra thường đi kèm với nụ cười cởi mở, hoặc ánh mắt thân thiện, hoặc một cái nháy mắt tinh nghịch. Lúc đó cả hai cùng cười thế là xong. Người được góp ý sẽ thay đổi và trong tâm còn cảm ơn người nói và có lúc còn cười một mình khi nghĩ đến nụ cười nhân hậu, ánh mắt tinh nghịch hay thái độ gần gũi ân tình.
Vậy nói với mục đích gì thì chỉ có người nói mới biết vì lời nói xuất ra từ tâm. Người ngoài không thể đo được tâm của bạn. Còn người nghe có cảm giác gì thì còn tùy thuộc vào một số yếu tố như: ánh mắt, cử chỉ, giọng nói, hoàn cảnh ,v.v. Dù sao thì ta cần suy nghĩ trước khi nói, đặt mình vào vị trí người nghe xem nếu là mình thì khi nghe điều như thế mình sẽ có phản ứng thế nào?
Có câu châm ngôn rằng: Không cần cảm ơn những kẻ đã làm tổn thương bạn, vì họ không hề giúp bạn trưởng thành. Chính sự kiên cường của bản thân đã giúp bạn trưởng thành, chỉ cần cảm ơn những người đã luôn ở bên bạn là đủ. Còn những kẻ kia, hãy nói với họ bạn hiện giờ sống rất tốt. Nếu ngày nào đó có ai đó nghĩ về bạn như thế thì bạn sẽ nghĩ gì? Hãy lựa chọn cho mình cách nói qua hai câu chuyện sau đây:
Trong bữa tiệc liên hoan cuối năm của công ty, một đồng nghiệp nam thấy đồng nghiệp nữ mặc bộ đồ mới bó sát thân, càng làm nổi lên thân hình mập mạp đẫy đà của cô, thật không hợp chút nào…
Đồng nghiệp nam liền nói: “Nói thật nhé, bộ đồ này tuy rất đẹp, nhưng cô mặc lên trông chẳng khác nào khoác mảnh gấm hoa lên chiếc thùng tôn, trông thật không ra sao cả, vì cô béo quá!”. Nữ đồng nghiệp vừa tức giận vừa xấu hổ, liền bỏ buổi liên hoan ra về ngay. Từ đó trở đi, cô không bao giờ nói một lời nào với anh đồng nghiệp nữa.
Anh đồng nghiệp này vốn là người tốt bụng, cũng hay giúp đỡ người khác, và là người thật thà thẳng thắn… Tuy là người tốt, lại có năng lực, làm việc có thành tích, có tinh thần trách nhiệm, nhưng những bạn đồng nghiệp vào công ty cùng với anh đều đã được thăng tiến, bổ nhiệm vào các vị trí quản lý cao cấp, riêng anh vẫn chỉ là chàng kỹ sư ‘có chuyên môn cao’ mà thôi.
Về công việc, anh vẫn được đồng nghiệp và cấp trên khen “tốt”, nhưng ở công ty anh rất cô độc, cứ lùi lũi một mình. Đại đa số đều giống trường hợp cô đồng nghiệp này, sau khi được anh đóng góp ý kiến thì không muốn gần gũi trò chuyện cùng anh nữa.Nhiều người nói: “Tôi miệng nói vậy thôi chứ trong lòng không có gì đâu”. Nhưng chúng ta thử xoay lại nghĩ, nếu ở vị trí người ‘được’ phê bình, ‘được’ góp ý đó, chúng ta có thấy dễ chịu không, chúng ta có phản ứng như người ta không?
Lòng không có gì, tâm thiện, nhưng lời nói không chú ý, lại gây ra hậu quả xấu. Nói thẳng nói thật vốn xuất phát từ thiện tâm, nhưng nếu gây hậu quả xấu thì cái tâm thiện ấy thà rằng không có còn hơn, vì đã tạo ra nghiệp xấu. Người có thiện tâm cũng là muốn hành thiện tích đức, nhưng không chú ý đến mức độ tiếp nhận của người nghe, không khởi tác dụng cho người nghe tốt lên, mà khiến họ bực tức, giận dữ, hay tổn thương thì chính là lời ác ngữ vậy.
Người xưa nói: “Bệnh theo miệng mà vào, họa theo miệng mà ra”. Anh đồng nghiệp kia dù có lòng thiện lương ngay thẳng, lại có năng lực, có tránh nhiệm, nhưng cái miệng đã gây cho anh bao tai họa, khiến anh không có cơ hội được cất nhắc, khiến anh cô độc lẻ loi, thui thủi một mình. Có thể anh nghĩ lời ác phải là lời mắng nhiếc, chửi rủa, nạt nộ người khác, mà đâu biết rằng, lời nói thẳng mà gây tổn thương đến người khác cũng bất thiện không kém lời lăng mạ, vì cổ nhân có câu: “Lưỡi dao cắt thịt mau liền vết, lời ác hại người hận khó quên”.
Góp ý, phê bình cũng là một nghệ thuật. Anh kỹ sư kia chỉ mới góp ý với các đồng nghiệp trong công ty mà đã hủy hoại cả sự nghiệp và các mối quan hệ bạn bè rồi. Nếu góp ý như vậy với cấp trên, với ông chủ, hoặc với những người uy quyền địa vị cao hơn nữa, thì có thể còn gây đại họa. Vì vậy, phê bình, góp ý cũng cần phải học, nó không những là nghệ thuật mà còn là biểu hiện của trí tuệ, và phải dụng công học tập mới có được, đúng như lời dạy của người xưa: “Học ăn học nói, học gói học mở”.
Có câu chuyện kể về Yến Tử tướng quốc nước Tề can gián vua đã thể hiện nghệ thuật và trí tuệ của người biết khéo léo góp ý, mà vẫn giữ được cái tâm chính trực.
Tề Cảnh Công có thú vui đi săn, nên ông rất quý những con chim ưng săn thỏ. Một lần người nuôi chim ưng là Chúc Trâu sơ ý để một con chim ưng bay mất. Cảnh Công nổi trận lôi đình, lệnh cho binh sỹ đem Chúc Trâu ra chém đầu.
Yến Tử vội đến nói với Cảnh Công rằng: “Chúc Trâu có ba tội lớn, sao có thể để hắn nhẹ nhàng ra đi như thế này được, để thần công bố tội trạng hắn xong rồi hãy xử trảm”.
Cảnh Công đồng ý, Yến Tử đứng trước đám đông nói lớn với Chúc Trâu: “Chúc Trâu, ngươi nuôi chim cho đại vương mà lại để chim bay mất, đây là đại tội thứ nhất. Ngươi lại khiến cho đại vương vì chim mà giết người, đây là đại tội thứ hai. Giết ngươi rồi, khiến chư hầu và người khắp thiên hạ đều biết đại vương coi trọng chim, coi nhẹ sỹ tốt, đó là đại tội thứ ba”.
Nói xong, Yến Tử quay sang chắp tay tâu với Cảnh Công: “Tâu đại vương, bây giờ ngài có thể cho xử trảm được rồi”.
Cảnh Công nghe xong, mặt đỏ gay, phẩy tay nói: “Không cần chém nữa, ta hiểu ý khanh rồi”.
Nếu Yến Tử trực ngôn vạch thẳng ba lỗi lầm của Cảnh Công, chắc chắn ý kiến của ông không được tiếp thu, trái lại có thể gây họa, nhẹ thì cách chức, nặng thì diệt thân. Nhưng nhờ khéo léo, Yến Tử vẫn biểu đạt được đúng ý của mình mà lại không trực tiếp làm tổn thương lòng tự trọng, uy tín của Cảnh Công, khiến Cảnh Công vui lòng tiếp thu. Đây là ‘lạt mềm buộc chặt’, cũng chính là nghệ thuật của lời nói. Có thơ rằng:
Lẽ cư xử có đi có lại; Thiện đãi người mới toại lòng nhau; Niệm này sắc tựa dao cau; Ý kia nhả ngọc phun châu cũng tùy; Tâm bất hảo ắt vì nóng tính; Thiếu khoan dung trẫm tĩnh trước sau; Xưa nay nước lặng chảy sâu; Những người nhân đức thì đâu trực lời…[Vô danh cư sỹ].
Người xưa dạy cần uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, chính là để có thời gian hòa hoãn, đủ để chúng ta tìm lời thích hợp, không tổn thương người nghe rồi mới nói, mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nguồn đkn
Nhung Nguyễn biên tập