Người sống chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, khi nhìn lại chỉ thấy hai bàn tay trắng
Trong cuộc sống hằng ngày, mối lo “cơm, áo, gạo, tiền” khiến nhiều người bị cuốn vào vòng xoáy của những toan tính thiệt hơn, quên nghĩ cho những người xung quanh. Họ sống phụ thuộc vào đồng tiền, lợi ích cá nhân và chỉ biết lo cho bản thân, dần dần, họ trở nên ích kỷ, so đo, tính toán.
Mỗi người chúng ta sinh ra, không ai “thập toàn thập mỹ”, không ai hoàn hảo, ai cũng có mặt tốt, mặt xấu, ai cũng có đức tính tốt đẹp khiến người khác phải học theo, bên cạnh đó cũng có những thói quen xấu. Có những người sống ích kỷ, sống chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, không biết giúp đỡ người thân, bạn bè, đồng nghiệp mà chỉ biết nhận sự “cho đi” của họ.
Người sống chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, khi nhìn lại chỉ thấy hai bàn tay trắng
Người có tính ích kỷ chỉ biết lo lắng, suy nghĩ đến bản thân mình, mà không hề quan tâm đến cảm nhận của người khác, họ chỉ biết vun vén cho bản thân mà không biết hy sinh cho người khác. Thậm chí vì lợi ích thiết thân, vì “món hời” cho riêng mình mà có thể làm bất cứ điều gì, thậm chí làm tổn thương đến người khác, miễn sao họ đạt được mục đích của mình. Vì lo sợ bản thân chịu thiệt thòi nên họ chỉ biết nhận mà không biết cho đi, chỉ biết vô tư nhận sự giúp đỡ của người khác nhưng lại không biết giúp đỡ mọi người. Người ích kỉ chính là những người có lối sống thực dụng, chỉ biết đặt quyền lợi của mình lên trên hết.
Vì quyền lợi của bản thân, họ có thể bỏ qua lợi ích của người khác. Chúng ta ai cũng có khả năng đem đến cho bản thân và người khác niềm vui, nhưng chính chúng ta cũng có thể mang đến nỗi buồn cho người khác bởi sự ích kỷ, toan tính của mình. Suy nghĩ ích kỷ sẽ ảnh hưởng không tốt đến các mối quan hệ và tình cảm của mỗi người, nó có thể làm mất đi tình bạn, tình thân, thậm chí là những mối quan hệ sâu sắc hơn, khi nhìn lại chỉ thấy bản thân còn hai bàn tay trắng, trống vánh, cô độc.
Người xưa có câu ” Người tính không bằng trời tính”, trong câu chuyện dưới đây, Dư Anh vì lợi ích bản thân mà sẵn sàng để người khác chịu thiệt hại, nhưng cuối cùng thì lại “gậy ông lại đạp lưng ông”…
Chuyện xưa kể rằng, thời nhà Tống, Lý Sỹ Hành nhậm chức tại Viện hàn lâm. Trong một lần đi sứ sang Triều Tiên, võ tướng Dư Anh đi theo làm phụ tá. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, đối với những thứ tài vật mà Triều Tiên biếu tặng, Lý Sỹ Hành đều không quan tâm để ý, tất cả đều ủy thác cho Dư Anh.
Lúc lên thuyền trở về nước, Dư Anh nhận thấy đáy thuyền bị thấm nước, lo rằng những thứ vật phẩm của mình sẽ bị ẩm ướt, bèn lấy những thứ lụa là gấm vóc của Lý Sỹ Hành được tặng đem lót ở đáy thuyền, sau đó đặt những thứ của mình lên trên.
Thuyền đi trên biển rộng, đột nhiên sóng gió nổi lên, như muốn nhấn chìm tất cả. Mà thuyền lại quá nặng, tình hình lúc này vô cùng nguy cấp, thuyền trưởng vội vàng thỉnh cầu Dư Anh vứt bỏ những thứ hàng hóa đó đi để thuyền nhẹ bớt, nếu không thì thuyền lật người chết.
Dư Anh lúc này cũng vô cùng hoảng loạn và sợ hãi nên vội vàng vơ những vật phẩm trên thuyền ném xuống biển. Ước chừng số vật phẩm đã bị mất mát khoảng một nửa, thì sóng gió ngừng lại, thuyền cũng ổn định lại, lúc này mọi người mới thật sự thoát hiểm.
Khi Dư Anh kiểm tra lại số vật phẩm, mới phát hiện những thứ ném xuống biển toàn bộ đều là những đồ đạc của mình. Còn những tặng phẩm của Lý Sỹ Hành bởi vì chất đống ở dưới đáy thuyền, cho nên hoàn toàn không bị sứt mẻ tý nào, chỉ bị ướt đôi chút mà thôi.
Đối với những thứ tài vật tặng phẩm, thái độ của hai người họ không hề giống nhau. Lý Sỹ Hành vì xem nhẹ, “không quan tâm chú ý”, kết quả hoàn toàn chẳng bị mất mát gì. Còn Dư Anh thì ngược lại, ông ta tuy hết sức “để ý” nhưng kết quả lại chẳng được gì.
Kỳ thực phát sinh ra chuyện này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Lý Sỹ Hành được việc, là do ông bình thường xem nhẹ danh lợi và làm người chính trực. Dư Anh hỏng việc, chính bởi vì ông ta mê chuộng tài vật, ích kỉ, vị tư, chỉ nghĩ cho mình mà không nghĩ đến người khác. Hai người đó cảnh giới tư tưởng bất đồng, nên cũng sinh ra kết quả bất đồng. Thưởng Thiện phạt Ác, là Đạo Trời quán xuyến tất cả.
Biết nghĩ cho người khác là một loại trí tuệ, sống vì người khác mới là cuộc sống đáng quý
Đối với những người biết quan tâm đến người khác, khi gặp phải bất kì vấn đề nào đó, họ có thể nhìn nhận vấn đề từ góc độ của chính bản thân họ và của những người khác, họ sẽ cố gắng trung hòa lợi ích của hai bên.
Thông thường, mọi người sẽ có thói quen nhìn nhận vấn đề từ góc độ của bản thân, chẳng hạn như tôi muốn gì, tôi làm như vậy có tốt không, làm như vậy có ích lợi gì không v.v. Đôi khi chúng ta cũng đoán được người kia đang nghĩ gì nhưng chúng ta hiếm khi đặt mình vào vị trí của người kia và tưởng tượng xem họ sẽ cảm thấy thế nào. Tất nhiên, một số người sẽ có quan điểm khác: “Điều này không được sao? Tại sao tôi phải suy nghĩ cho người khác? Tại sao tôi không được là chính mình mà cứ phải sống cho người khác nhỉ?”
Kì thực, quan tâm đến người khác, biết nghĩ cho người khác cũng là một biểu hiện của đạo đức, của sự tu dưỡng đạo đức. Khi một người chỉ chú ý đến suy nghĩ, cảm xúc của bản thân mình, tầm nhìn của họ sẽ bị thu hẹp lại và dễ dùng tâm lý đối đầu để giải quyết những xung đột giữa người với người, từ đó dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng.
Những người thông tuệ hiểu rằng, yêu thương người khác cũng chính là yêu thương chính bản thân mình, giúp đỡ người khác, kì thực là đang thành tựu chính mình.
Cái gọi là tình yêu thương bản thân có nghĩa là không bỏ qua và từ chối những nhu cầu hợp lý của một người và thoả mãn những nhu cầu đó càng nhiều càng tốt. Nhiều người có suy nghĩ thiên lệch, coi yêu bản thân là tư lợi ích kỷ. Điều này hoàn toàn khác, ích kỷ là làm tổn hại đến lợi ích của người khác để đạt được lợi ích cho bản thân mình.
Yêu bản thân trước hết là thoả mãn những nhu cầu hợp lý của bạn, sau đó là chia sẻ những điều tốt đẹp cho những người khác. Rốt cuộc,chỉ khi bạn có thể tự lo cho nhu cầu của mình thì bạn mới có thể lo lắng cho những người khác. Có như vậy thì trong tâm chúng ta mới cảm thấy hạnh phúc và tràn ngập ánh sáng. Có như vậy thì mối quan hệ giữa người với người sẽ trở nên nồng ấm hơn.
Để có thể tận hưởng cuộc sống với những niềm vui trọn vẹn, bạn cần phải thay đổi cách nhìn thế giới, hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác, sống trong hoàn cảnh của người khác bạn mới có thể thấy được những điều hay. Học cách viên dung, tha thứ và biết cho đi. Đừng lúc nào cũng chỉ nghĩ cho bản thân, hãy nhớ rằng bạn cũng không quan trọng hơn bất cứ ai và “dung hòa” với mọi người xung quanh. Đừng cảm thấy khó chịu khi thấy người khác trở thành tâm điểm của sự chú ý, mà hãy vui vẻ chấp nhận nhường vị trí đó cho họ. Dẹp bỏ cảm giác ghen ghét, ganh tị khi người khác thành công, thay vào đó hãy vui mừng trước kết quả mà họ đạt được. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể sống một cuộc sống vui vẻ, thoải mái hơn.
Sống phải biết giúp đỡ, yêu thương người khác thì cuộc sống của bạn mới thực sự có ý nghĩa. Sống ích kỷ, luôn so đo tính toán thiệt hơn, sống cho riêng mình thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ bị xã hội đào thải, bởi “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Nguồn: Tansinh
Lan Hòa biên tập