“Tâm” là chúa tể của cơ thể và vạn vật, tâm an định thì cuộc đời nở hoa
“Tâm” là chúa tể của cơ thể và vạn vật, khi tâm hồn an định, bình yên, tường hòa, không bị khống chế bởi vật chất bên ngoài, khi đó, trí tuệ tuyệt vời của con người sẽ được phát huy. Chẳng ai có thể thay bạn chăm sóc và nuôi dưỡng được nội tâm của bạn cả, chỉ có bạn mới là người quyết định cho cái “tâm” của bạn.
Đơn giản mà nói, thì là hãy học cách sống cho hiện tại, đừng suy nghĩ lung tung, viễn vông, thay vì cứ canh cánh nỗi lo về một tương lai vô định, lưu luyến về những chuyện không hay xảy ra trong quá khứ, chi bằng tận hưởng từng khoảng khắc quý giá hiện tại của mình. Chuyên tâm với những gì bản thân mình có hiện tại, nội tâm của bạn mới thực sự có thể được an nhiên và tỉnh táo, nhẹ nhõm và vui vẻ.
Những người có một lộ trình, con đường rõ ràng trong tiềm thức, họ tự nhiên sẽ cảm thấy một nguồn năng lượng vui vẻ và nhẹ nhõm xuất phát từ sâu trong tim.
Tâm trạng không tốt, vì trí tuệ không đủ: Muốn vui vẻ, hãy khôn ngoan sống!
Vương Dương Minh có câu: “Tâm trạng không tốt, vì trí tuệ không đủ”. Vương Dương Minh đã trải qua đủ những thăng trầm, cay đắng trong cuộc đời, chịu cảnh đình trượng, tù đày, bị ganh ghét, đố kị, bị vu oan tội phản quốc. Nếu là một người bình thường thì chắc sẽ không chịu nổi mà buồn rầu, suy sụp, nhưng Vương Dương Minh lại luôn bảo trì một tâm thái lạc quan, tích cực trong cuộc sống.
Bản thân ông từng kể rằng: “Khi tôi đến Long Trường hai năm, cũng bị chướng khí độc, nhưng tôi vẫn bình an vô sự, bởi vì tôi luôn bảo trì được tâm trạng tích cực, một tâm thái lạc quan, tôi không chán nản và buồn rầu như những người khác”.
Khoa học hiện đại cũng chứng minh rằng, tâm trạng lạc quan có tác dụng tích cực đối với sức khỏe con người, một người luôn vui vẻ, trong thân thể sẽ tiết ra một loại hormone để cải thiện, nâng cao trạng thái của thể chất. Nếu một người luôn rầu rĩ, muộn phiền, ủ rũ, tình trạng thể chất cũng sẽ suy giảm theo.
Bảo trì sự lạc quan vui vẻ không phải là bản năng, mà là một loại năng lực, là năng lực thông qua trí huệ và tu hành. Chính nhờ thông qua trí huệ của bản thân, ông đã luôn duy trì được tâm thái lạc quan, vui vẻ, không ngừng tu thân học hành, đức hạnh và nghề nghiệp đều được thăng tiến, cuối cùng đã được giáo ngộ trong Đạo.
Niềm vui là quá trình không ngừng buông bỏ “cái tôi” của bản thân
Cuộc sống, nói trắng thì là chỉ khi từ bỏ chấp niệm của bản thân, bạn mới có được niềm vui. Bởi lẽ trở ngại lớn nhất trong cuộc sống thực ra là chính mình, dục vọng, khát khao quá lớn, nội tâm tự nhiên sẽ trở nên mệt mỏi. Nếu không thể loại bỏ “chấp niệm” ra khỏi đầu, buông bỏ “cái tôi” cứng đầu, bạn sẽ rất khó có được hạnh phúc thực sự.
Có một phú ông mang theo rất nhiều tài sản vàng bạc, đi tới một nơi xa xôi để kiếm tìm niềm vui, hạnh phúc. Nhưng dù đã vượt qua trăm ngàn ngọn núi con sông, thì phú ông vẫn chẳng thể nào tìm được cho mình niềm vui, ông thất vọng ngồi xuống bên đường. Gặp một người nông dân vừa đi đốn củi trên núi xuống, phú ông hỏi: “Tôi là một phú ông mà người người ngưỡng mộ, xin hỏi, vì sao tôi vẫn không thể vui vẻ vậy?”
Bác nông dân bỏ bó củi nặng xuống, vừa lau mồ hôi vừa nói: “Niềm vui rất đơn giản, buông bỏ xuống chính là niềm vui!”
Phú ông chợt bừng tỉnh: Mình mang trên người nhiều vàng bạc châu báu như vậy, lúc nào cũng lo lắng sợ bị người ta cướp, vậy thì niềm vui đến kiểu gì?
Chúng ta sở dĩ buồn bã, đó là bởi vì chúng ta thất bại. Cái gọi là thất bại chính là khi sự việc không phát triển theo hướng mà “tôi” muốn, cuối cùng, không thu được kết quả mà “tôi” dự trù, vì vậy, “tôi” mới đau khổ, buồn bã.
Vì vậy, niềm vui thực sự chính là quên đi “tôi – chấp niệm”. Chỉ khi buông bỏ nó, bạn mới thực sự nhẹ nhõm, tự do.
Bớt tham vọng, đưa bản thân về với những năm tháng đơn thuần nhất
Biết thỏa mãn, sẽ không bị bẽ mặt, biết khi nào nên dừng lại sẽ không gặp nguy hiểm, vậy mới là sự bình an lâu dài, “tiểu phú tất an, tiểu ai tất mãn”, không quá giàu tất sẽ an yên, không yêu quá nhiều ắt sẽ không bi lụy.
Trông thì có vẻ như là không có chí tiến thủ, thực ra là sự kiểm soát mình ở mức độ thích hợp của nội tâm. Trên đời này, khái niệm về “giàu có” đối với mỗi người là khác nhau, trên con đường tiến lên, “biết khi nào nên dừng” mới là điều khó nhất. Không được quá tham vọng, biết khi nào nên dừng lại, mới không bị lợi ích khống chế rồi đánh mất đi chính mình.
Phàm là chuyện gì dù xấu dù tốt, một khi “quá”, thì tự nhiên sẽ thành “tai họa”.
Tham vọng, khát khao quá lớn, thực ra là khởi nguồn của những đau khổ. Tham vọng nội tâm và hiện thực nếu không có sự tương đồng, vậy thì niềm vui đơn giản cũng sẽ chẳng tồn tại. Tham vọng của con người là vô tận, bạn vĩnh viễn không bao giờ có thể thỏa mãn tất cả những khao khát của mình, bởi lẽ bản chất của nó vốn dĩ là đã là vô hạn.
Các nhà hiền triết cổ đại cũng nói với chúng ta rằng ham muốn thái quá là nguồn gốc của mọi đau khổ, nếu chúng ta đặt hạnh phúc của mình trên cơ sở thỏa mãn dục vọng, thì một khi ước muốn không được thỏa mãn, hạnh phúc sẽ biến mất, và ham muốn của con người là vô tận. , ước muốn đó sẽ nổi lên, và từ đó sẽ chìm trong biển dục vọng, và sẽ không bao giờ có thể tự giải thoát được.
Đời người luôn đơn giản hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nghĩ, và nhiều hơn nữa là những đạo lý rất bình thường, nhưng số người làm được lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, người kiên trì được lại càng hiếm hoi hơn.
Nội tâm không kiên định sẽ rất dễ bị lung lay bởi tham vọng. Giảm bớt những tạp niệm trong lòng, để tâm hồn thực sự lắng lại, nghỉ ngơi một chút, thoát ra khỏi biển tham vọng, rồi tập trung đi làm những việc có ý nghĩa hơn.
Có như vậy, bạn mới có được niềm vui thực sự.
Nguồn: ALobuowang
Lan Hòa biên tập