Càng chấp nhất càng lo lắng, càng buông bỏ càng thanh nhàn
Mọi thứ trong cuộc sống cứ nên để thuận theo tự nhiên là tốt nhất, tiền tài cũng vậy, danh vọng cũng vậy, không nên cưỡng cầu, chỉ có thể cố gắng xem nhẹ. Một người sống không truy cầu sẽ không bị mê hoặc, tự giác thanh tỉnh, biết vị trí của mình trong đời, càng chấp nhất càng lo lắng, càng buông bỏ càng thanh nhàn.
Ngày nay, cuộc sống tràn ngập cám dỗ lại càng khiến chúng ta dễ dàng sa ngã, chấp nhận đánh đổi rất nhiều nguyên tắc, quy định và phẩm hạnh chỉ vì một món lợi ích. Khi chữ “Tài” chiếm mất vị trí đầu tiên trong lòng người thì ngũ thường của người quân tử là Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín tự nhiên cũng bị xem nhẹ.
Khi mà đạo đức và chỗ đứng của một người được đo lường bằng tiền tài, vật chất thì sẽ vô tình tạo thành áp lực cho nhiều người, đặc biệt là một số người trẻ luôn mong muốn làm giàu nhanh chóng.
Nếu kiếm được ít, sợ người ta có lý do để coi thường. Tự bản thân người đó cũng sẽ cảm thấy, tự ti và chán nản trước cuộc đời. Do đó, áp lực phải làm giàu cũng trở nên nặng nề gấp bội.
Có một câu chuyện như thế này: Thời cổ đại, có một thanh niên tên là A Tam suốt ngày mong chờ cuộc đời không làm mà hưởng, tiền tài từ trên trời rơi xuống.
Một con chim hung ác gần đó biết chuyện, nửa đêm tìm đến nhà A Tam và nói rằng: “Chẳng phải ngươi muốn được giàu có chỉ trong 1 đêm sao? Ta sẽ giúp ngươi.”
A Tam vội vàng hỏi: “Mi chỉ là một con chim thì có thể giúp ta kiểu gì?”.
Con chim hung ác trả lời: “Ở xa ngoài khơi có một hòn đảo, trên đảo toàn là vàng. Chỉ cần mỗi ngày ngươi trả cho ta 1 con dê để ăn no bụng, ta có thể đưa ngươi bay đến đó nhặt vàng về”.
A Tam không cần suy nghĩ gì nhiều đã nhanh chóng đồng ý, leo lên lưng con chim để nó chở mình bay qua núi cao, lướt qua biển rộng, cuối cùng đặt chân tới một hòn đảo được trải vàng óng ánh, dõi mắt nhìn không thấy điểm cuối là đâu. Trước khi thả A Tam xuống, con chim nói: “Ngươi nhất định chỉ được ở lại trên đảo khi màn đêm còn buông xuống. Ngay khi mặt trời vừa lên, chúng ta phải nhanh chóng rời khỏi”.
Nói rồi, nó thả A Tam xuống đất. Tuy nhiên, số vàng khổng lồ trước mắt khiến anh ta quên luôn lời dặn của con chim. Ba lần bảy lượt thúc giục mà A Tam vẫn không chịu đi, thế là con chim lập tức bỏ lại anh ta để bay vút đi. Ngay lúc đó, mặt trời nhô lên, A Tam lập tức bị lửa thiêu cháy.
Về phần con chim, nó tức tối vì đã mất công mất sức bao nhiêu, nhưng kết quả lại không được gì. Thế là đêm xuống, nó lại trở về hòn đảo, lấy thi thể A Tam làm bữa tiệc lớn nhưng vì mải ăn, lần này đến lượt nó quên mất thời gian, cuối cùng rơi vào kết cục không khác gì anh ta vào sáng hôm sau.
Từ đó cổ cổ nhân có câu: “ Nhân vị tài tử, điểu vị thực vong” (Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn) để cảnh tỉnh thế nhân đừng để danh vọng, tiền tài và vật chất che mờ đôi mắt, buông thả ham muốn vô độ, cuối cùng đánh mất chính mình.
Khi một người trong đầu chất chứa toàn tiền và danh vọng thì làm gì còn chỗ cho lòng tốt và sự thiện lương. Cuộc sống của mỗi người vốn dĩ không giống nhau, cũng không bằng phẳng, chúng ta không nên ép bản thân được như người khác mà chạy theo những thứ vốn không thuộc về mình.
Con người vốn khổ và mệt mỏi là vì quá truy cầu những thứ vốn không thuộc về mình, thấy người khác có mình cũng muốn, thấy người khác làm được thì cũng muốn làm, họ luôn tìm kiếm những thứ bên ngoài nhưng lại đánh mất đi những gì bản thân đang có.
Cổ nhân có câu “vô cầu sở đắc”, sống không cầu mọi sự tự đến, chỉ khi bạn xem nhẹ được những thứ truy cầu bên ngoài thì tự nhiên lại có thể đạt được, bởi càng chấp nhất càng lo lắng, càng buông bỏ càng thanh nhàn.
Vì không cầu nên không quan tâm được mất, không cầu nên chẳng kể có không, an nhàn mà trải qua ngày tháng. Con người vốn khổ vì cầu những thứ mình chưa có, nên không cầu thì không khổ. Con người vốn mệt vì đấu tranh giành lấy đáng ra không thuộc về mình nên không tranh đoạt thì không tổn thương.
Chân Kiến biên tập