Dạy con một cuốn sách tốt, còn hơn để lại một giỏ đầy vàng
Người xưa truyền nhau rằng dạy con kinh thư để lớn lên chúng trở thành người tốt, còn hơn là cố gắng để lại thật nhiều tài sản cho con cháu. “Di từ hoàng kim mãn doanh, bất như giáo tử nhất kinh” – người ta để lại cho con cháu vàng ròng đầy rương, ta chỉ dạy con một bộ sách hay.
Tương truyền điều này bắt nguồn từ giai thoại của Vi Hiền, một học giả và chính trị gia của triều đại nhà Hán. Vi Hiền (140 TCN-61 TCN) tự Trường Nhụ, sống ở thời Tiền Hán. Tiên phụ của ông ban đầu sống ở Bành Thành (nay thuộc tỉnh Giang Tô), sau đó chuyển đến Trâu huyện. Trâu huyện là nơi Mạnh Tử được sinh ra, có lẽ vì nơi đây gần nước Lỗ xưa, nơi Khổng Tử dạy học, nên vùng đất này có niềm đam mê mạnh mẽ đối với Nho giáo.
Theo ghi chép trong “Hán Thư”, Vi Hiền từ khi sinh ra đã là một người chất phác và trung thực, ông phi thường minh bạch về danh dự và lợi ích. Ông đã chăm chỉ đọc sách ngay từ khi còn nhỏ, rất uyên bác và thông thuộc nhiều kinh điển của Nho giáo như ‘Lễ Kí” và “Thượng Thư”, đặc biệt ông rất giỏi về “Kinh Thi”. Người đời kính trọng gọi ông là “Trâu Lỗ Đại Nho”.
Vào thời Hán Vũ Đế, ông đã chấp nhận lời đề xuất của Đổng Trọng Thư, trong Chu Tử Bách Gia thì chú trọng nhất là Nho Gia. Vào thời điểm đó, lần đầu tiên “Ngũ Kinh Bác Sĩ” được lập ra, dẫn đến Nho học đã được phổ biến và phổ cập rộng rãi khắp đất nước.
Khi đó hệ thống nghiên cứu kinh thư của Trung Quốc chưa được thiết lập, mỗi bộ kinh thư chia thành nhiều nhóm, sự cạnh tranh học thuật rất gay gắt. Ví dụ “Kinh Dịch” có trường phái của Cao thị và Kinh thị, “Thượng Thư” cũng có sự phân biệt giữa Âu Dương Thị và Hạ Hầu Thị.
Thời đó ở vùng Lỗ, nơi Khổng Tử đã sinh sống, việc nghiên cứu về “Kinh Thi” trở nên sôi nổi, số lượng sĩ tử đến Giang Công để nghiên cứu kinh sách tăng lên đáng kể. Giang Công chính là thầy của Vi Hiền. Vi Hiền đã tiếp nhận tri thức từ thầy mình, sau khi nghiên cứu sâu hơn, ông đã đạt được hệ thống học thuật của riêng mình, vì vậy ông được gọi là “Vi Thị Học Vấn”.
Vi Hiền danh tiếng rất lớn, được triều đình mời về làm Tiến sĩ. Chiêu Đế đã học “Kinh Thư” từ Vi Hiền với tư cách là thầy của mình. Vị trí của Vi Hiền càng ngày càng thăng tiến, ông kinh qua các vị trí như Quang Lộc Đại Phu, Chiêm Sự, và trở thành Đại Hồng Lư (tương đương Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bây giờ).
Sau khi Chiêu Đế qua đời, vì có công lớn trong việc phò tá Tuyên Đế lên ngôi, ông được phong làm Quan nội hầu, được ban tặng cho Thực ấp (lương thực và ruộng đất). Năm thứ 3 sau khi Tuyên Đế đăng quang, Tuyên Đế giao cho Vi Hiền đảm nhiệm chức Thừa tướng. Lúc đó Vi Hiền đã ngoài 70 tuổi. Ông được chọn ở vị trí dưới một người và trên tất cả mọi người bởi vì sự tin tưởng của Tuyên Đế đối với ông là đặc biệt.
Sau 5 năm giữ chức Thừa tướng, ông đã xin từ chức vì tuổi già. Biết rằng không thể giữ được ông, Tuyên Đế chấp thuận yêu cầu của ông và đặc biệt ban tặng ông 100 ổ vàng. Vài năm sau, khi Vi Hiền qua đời, Tuyên Đế tặng danh ông là Tiết Hầu.
Vi Hiền có 4 người con trai, con trai trưởng Vi Phương Sơn là huyện lệnh địa phương, con trai thứ Vi Hoằng là Đông Hải Thái Thú, con trai thứ ba Vi Thuấn ở lại quê nhà chăm lo mộ phần tổ tiên theo lễ nghĩa Nho gia, con trai thứ tư là Vi Huyền Thành tài năng, học vấn ưu tú, được trọng dụng không kém cha mình.
Người con trai thứ 4 của ông Vi Huyền Thành cũng được thăng đến chức Thừa tướng. Sau này, đến thế hệ cháu ông cũng nối tiếp thế hệ trước làm đến chức Thừa tướng. Vì vậy mà Trâu huyện có câu nói: “Thà dạy con một cuốn kinh thư còn hơn để lại một giỏ đầy vàng” đã được lưu truyền đến hậu thế.
Nguồn: visiontimesjp.com
Mộc Hương biên dịch