Tại sao Tôn Ngộ Không có thần thông quảng đại nhưng vẫn không thoát khỏi bàn tay Phật Tổ?
Trong tây Du Ký có một tình tiết mà mọi người đều rất quen thuộc, đó là Tôn Ngộ Không tự cho bản thân mình có thể cưỡi mây đạp gió đi rất xa, nhưng vẫn là ở trong tay Phật Tổ. Từ tình tiết này đã gợi mở cho chúng ta những khám phá về sinh mệnh.
Sau khi nhảy thoát ra khỏi lò Bát Quái, Tôn Ngộ Không như cọp sút rọ, xách thiết bảng xông ra tận Thiên cung loạn đả. Tề Thiên đánh đến chỗ nào thì tan chỗ ấy, không ai dám cự. Thượng Đế kinh hãi, liền truyền chỉ sai Du Diệc Linh Quan và Duật Hành chân quân đồng qua Tây Phương thỉnh Phật Tổ Như Lai cứu giá!
Phật Tổ nghe tin, liền cùng 2 vị tôn giả là A Nan và Ca Diếp đằng vân tới Linh Tiêu bảo điện. Tới nơi thấy Ngộ Không đang gây chiến với Linh Quan và 36 vị lôi công, Phật Tổ liền bảo các vị thần dừng tay, hỏi han gốc tích của Ngộ Không rồi nói:
“Ta đánh cuộc với ngươi, nếu ngươi nhảy khỏi bàn tay hữu của ta, thì ngươi hơn, ta bảo Thượng Ðế nhượng Thiên cung cho ngươi, khỏi bề chinh chiến, còn ngươi nhảy không khỏi bàn tay ta, thì ngươi trở về trung giới tu ít kiếp nữa sẽ lên tranh đoạt.
Tề Thiên nghe nói cười thầm rằng: – Thích Ca thiệt quê mùa quá! Lão Tôn nhảy một cái 108.000 dặm, sá chi bàn tay, dầu bao lớn, lại nhảy không khỏi . Nghĩ rồi hỏi lớn rằng: – Ngươi làm chủ việc ấy chắc không? Thích Ca nói:– Chắc.
Nói rồi xòe bàn tay hữu ra, bằng lá sen. Ngộ Không cất thiết bảng, niệm chú cân đẩu vân, vừa co giò nhảy qua vừa la lớn rằng: – Ta qua khỏi rồi.Chớp mắt một cái, Ngộ Không thấy quanh mình là năm cây cột đỏ như thịt, trên ngọn có mây xanh. Bất giác giật mình nói:
– Mình nhảy xa quá, tới đây cùng đường rồi, thì Thích Ca bảo Thượng Ðế nhường ngôi cho mình chắc lắm! Song mình phải làm dấu, phòng sau đối lại với Thích Ca. Nghĩ rồi nhổ lông hóa viết mực, đề tại cây cột giữa, tám chữ rằng: “Tề Thiên Ðại Thánh đáo thử nhứt du”. Nghĩa là: Tề Thiên đi chơi tới chỗ đó.
Ðề rồi lại đái xuống gốc cột thứ nhất một vũng, rồi cân đẩu vân trở lại, té ra cũng còn đứng trong bàn tay. Thích Ca thấy thế mắng rằng: – Ngươi là con khỉ đái vất! Ra không khỏi bàn tay ta mà còn múa mỏ! Tề Thiên nói: – Ngươi có theo ta đâu mà biết, ta đi tới chân trời, thấy năm cây cột đỏ, trên ngọn có mây xanh, ta có làm dấu, ngươi không tin đi mà coi?
Thích Ca nói: – Ta chẳng đi đâu hết, ngươi hãy cúi đầu xuống mà coi? Tề Thiên trợn mắt dòm xuống, thấy ngón tay giữa của Thích Ca có đề tám chữ: Tề Thiên Ðại Thánh đảo thử nhứt du, dưới cộng tay cái còn bọt, nước đái!
Tề Thiên hoảng kinh nói rằng: – Kỳ không kìa! Ta đề tám chữ đó nơi cây cột chống trời, sao lại ở nơi tay nọ! Chắc họ có phép tiên tri, làm vậy đặng gạt mình, ta chẳng hề tin, đi coi lại một lần nữa.
Tề thiên vội vàng tung người nhảy vút đi, nhưng bị Phật tổ lật bàn tay túm chặt lấy, mang ngay ra ngoài cửa Tây thiên, biến năm ngón tay thành năm quả núi: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, gọi là núi Ngũ hành, nhẹ nhàng đè chặt Đại thánh xuống dưới”.
Ngộ Không bản lĩnh cao cường như vậy mà lại không nhảy ra được khỏi bàn tay của Phật Tổ? Tại sao Ngũ Hành Sơn lại có thể đè bẹp được Tề Thiên Đại Thánh có sức mạnh vô song?
Núi ngũ hành cho chúng ta khải thị điều gì?
Trong Phật Pháp, phân chia cõi người và cõi trời thành tam giới “Dục giới”, “Sắc giới” và “Vô sắc giới”. Nơi mà chúng ta ở là “Dục giới” do còn nặng dục vọng, còn đầy đủ ngũ uẩn Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức; nơi đẹp đẽ hơn gọi là “Sắc giới”, thiên nhân là ở giới này, kinh Phật nói đây là nơi “tuyệt diệu mỹ hảo”, là nơi rất thanh tịnh, nhưng vẫn còn có ngũ uẩn.
Còn đến “Vô sắc giới”, thì vật chất và hình thể đều không còn có nữa, chỉ còn lại “Thức”.
Nếu chúng ta phá bỏ tên họ và hình tướng của “Tôn Ngộ Không”, nó là tượng trưng của ngũ uẩn, ngũ uẩn là không thể tự khắc chế được, bởi vậy đấu đá bừa bãi không kiêng nể gì. Ngoài ra, nếu chúng ta phá vỡ hình tướng cố định của “Thiên”, Thiên cũng là một loại tượng trưng, trong kinh Phật, Trời có ánh sáng, tự nhiên, thanh tịnh, tự tại, thù thắng nhất.
Sau đó chúng ta có thể có được kết luận rằng, nếu như một người hoàn toàn thuận theo sự đưa đẩy của ngũ uẩn, chính là sẽ nhiễu loạn. “Núi Ngũ Uẩn” nặng nề, chính là trói buộc, đè nén, khiến chúng ta không thể thoát khỏi được gánh nặng trên lưng!
Cuối cùng, núi Ngũ hành chính là hàm ý nói đến núi ngũ uẩn tượng trưng cho thân xác phàm của một người trên con đường tu luyện. Một người tu luyện muốn đạt được giải thoát thật sự và có được năng lực lớn như Thần, thì trước tiên cần phải vượt qua được sức ỳ của cơ thể, có khả năng chống lại những ham muốn của bản thân cũng như sự cám dỗ từ ngũ uẩn. Đây là một trong những điều kiện tối căn bản và là một trong những chướng ngại to lớn nhất mà người tu luyện phải vượt qua.
Nguồn đkn
Quang Minh