“Định luật cây tre” và bí quyết thành công ở đời
Hình ảnh cây tre đã ăn sâu vào tâm hồn của mỗi người dân Việt Nam, chắc hẳn ai cũng thuộc nằm lòng những câu thơ:
“Tre xanh, xanh tự bao giờ?/ Chuyện ngày xưa, đã có bờ tre xanh/ Thân gầy guộc, lá mong manh/ Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?/ Ở đâu tre cũng xanh tươi/ Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu…”.
Hình ảnh cây tre được ví như hình ảnh con người nông dân Việt Nam: cần cù, chịu thương, chịu khó, cương trực.
Có một “định luật cây tre” rất đơn giản, rễ cắm càng sâu, thân vươn càng cao. Nói là dễ vậy nhưng ở đời có mấy người làm được, rễ chưa kịp cắm sâu xuống lòng đất đã vội thể hiện để nhận lấy thất bại thảm hại.
Định luật cây tre
Cây tre là 1 trong những loại thực vật phát triển từ mầm, khi mới mọc tốc độ sinh trưởng rất chậm. Đôi khi chúng mất đến 4 năm nhưng chỉ “tăng chiều cao” được khoảng 3cm. Thế nhưng, đến năm thứ 5, chúng bắt đầu phát triển mạnh mẽ với tốc độ 30cm mỗi ngày, và chỉ mất 6 tuần sau đó để đạt chiều cao 15 mét.
Theo một số người nông dân có kinh nghiệm trồng tre, nếu đến rừng tre rừng trúc vào ban đêm tĩnh lặng thì có thể nghe thấy rõ mồm một tiếng tre mọc đốt liên tục. Tốc độ tăng trưởng của tre ở giai đoạn này vô cùng mạnh mẽ.
Vậy tại sao khi còn là búp măng chúng phát triển chậm chạp, phải tốn vài năm trời chúng mới phát triển nhanh đến thế? Điều này rất dễ giải thích, ở thời kỳ măng non, tre dành toàn bộ dinh dưỡng để nuôi bộ rễ ở sâu trong lòng đất. Chúng đẩy dinh dưỡng xuống rễ để rễ phát triển mạnh mẽ, đã đem toàn bộ sức lực, lan rộng và ăn sâu trong lòng đất. Khi đã tạo được nền móng vững chắc, tre mới tập trung phát triển phần lộ thiên bên trên, đến một giai đoạn nhất định, tốc độ trưởng thành của nó nhanh hơn bất cứ loài cây nào.
Từ quy luật sinh trưởng này của tre mà hình thành nên “định luật cây tre”. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thử hỏi có bao nhiêu người vượt qua được giai đoạn cắm rễ, tạo dựng nền móng vững chắc. Tin rằng, có đến 90% số đông mất hết nhiệt huyết, quyết tâm trong giai đoạn này. Chúng ta sống vội, nhanh chóng “đốt cháy giai đoạn” với mong muốn thành công sớm. Thế nhưng, chúng ta không biết rằng “dục tốc bất đạt”, cái gì nhanh chóng, vội vã ắt sau này sẽ dẫn đến đổ vỡ, thất bại.
Người biết cúi đầu khiêm nhường ắt sẽ bay cao
Người có tài năng lớn thì thông thường thường sẽ thành công muộn, bởi ở đời cần sự tích trữ, tích trữ ở đây là tích lũy tri thức, tích trữ vốn sống, đạo đức, cách nhìn người, cách đối nhân xử thế… Trưởng thành xưa nay vốn không phải là một cái là thành, mà đều là tích lũy tích tụ mà thành.
Trong Đạo Đức Kinh có câu: “Đại phương vô ngung; đại khí vãn thành; đại âm hi thanh; đại tượng vô hình”. Trong đó, “Đại khí vãn thanh” có nghĩa là muốn làm thành một đồ vật lớn thì cần phải có thời gian tương đối dài. Câu nói này được dùng để ví những người có tài, ý nói càng là người có tài năng lớn thì công thành danh toại càng muộn.
Cuộc sống cần phải trải qua quá trình rèn luyện và phát triển. Con người không ngừng làm việc chăm chỉ, tích lũy. Thông qua đó, chúng ta hoàn thiện chính mình mỗi ngày, đến khi đủ khả năng gánh vác trọng trách và gặt hái những thành tựu mới thôi.
Nhà quân sư nổi tiếng thời cổ đại Khương Tử Nha chính là một ví dụ điển hình của người thành công muộn. Tuy tổ tiên từng làm quan lớn, nhưng đến khi ra đời, gia cảnh nhà họ Khương đã rơi vào bần cùng, suy tàn trong nghèo khó.
Để kiếm sống qua ngày, Khương Tử Nha từng có lúc phải bán giày cỏ, bán thịt rượu để lấy tiền. Thế nhưng, dù đói nghèo, ông vẫn nuôi chí lớn, ngày ngày khắc khổ học tập đạo trị quốc hưng bang, đợi ngày thời cơ tới.
Quả nhiên trời không phụ lòng người, năm 72 tuổi, khi đang câu cá bên bờ sông Vị Thủy, Khương Tử Nha gặp được Chu Văn Vương. Ông được tôn làm thái sư, hết lòng phò tá thiên tử hai đời, định ra nhiều quốc sách quan trọng.
Sau này, Khương Tử Nha được tôn làm Thượng phụ, là thống soái cầm quân giành về rất nhiều thắng lợi trong quá trình dấy binh phạt Trụ, thành lập nhà Chu. Nhờ là khai quốc công thần, ông được phong cho đất Tề, trở thành người khai sáng ra văn hóa một nước.
Một người không có sẵn tài năng hay tri thức ngay từ khi mới sinh ra. Tuy có tư chất thông tuệ đến mấy mà không được học tập và thui rèn không ngừng, bạn chỉ đang giữ trong tay hòn ngọc quý mà không biết cách tận dụng làm ra giá trị, không khác gì giữ một hòn đá cuội vô tri.
Hiểu được định luật cây tre, người khôn ngoan sẽ biết dày công chuẩn bị, chăm chỉ rèn luyện, tích tiểu thành đại, cuối cùng đạt được thành tựu của riêng mình. Càng là sự nghiệp lớn thì càng cần phải bỏ ra công sức nhiều và thời gian lâu dài mới có thể đạt được. Nếu như mỗi người chúng ta cũng giống như tre, chắc chắn sẽ phát huy được hết sức mạnh của bản thân trong mọi tình huống ở đời.
Nguồn: CafeF
Lan Hòa biên tập