Muốn thành công phải hiểu được thế nào là nhượng bộ, khiêm tốn làm người
Trong “Chu Dịch” viết rằng, khiêm tốn là cái gốc của đạo đức, nhường nhịn đứng đầu mọi loại lễ nghi, phép tắc. Người khiêm nhường, tao nhã là người có đức hạnh cao, tấm lòng độ lượng bao dung, cũng là người một lòng cung kính đối với mọi việc, mọi người xung quanh. Sự cung kính đó không phải bắt nguồn từ lòng sợ hãi mà xuất phát từ sự tôn trọng.
Người xưa có câu: “trí nhược ngu, hồ đồ lại hoá ra trí tuệ” ý muốn biểu đạt cuộc sống con người khi biết sai mà không nói, biết đúng mà không lộ, thì đó mới là một cảnh giới trí huệ. Cuộc sống sẽ thuận buồm xuôi gió khi trong tâm ta thấu tỏ bốn bề, đôi khi thà rằng giả ngốc chứ đừng cho mình thông minh.
Tri thức làm người ta khiêm tốn, ngu si làm người ta kiêu ngạo
Trên thế gian này, có những người có chút học vấn nhưng đã vội vàng kiêu ngạo, luôn tự cho mình là nhất. Các Giác giả chân chính, càng tu luyện đến cảnh giới tinh thần cao thâm, họ càng nhìn thấy những thiếu sót của bản thân mình, càng thấy mình vô cùng nhỏ bé.
Tri thức vốn dĩ là một đại dương rộng lớn, những gì chúng ta biết chỉ giống như một hạt cát nhỏ trong đó, vì thế thay vì thoả mãn kiêu căng thì hãy học cách lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn nữa.
Thời cổ đại từng có một người theo một vị danh sư học nghề. Sau ba năm, kỹ năng của người học trò này đã có tiến triển lớn vượt bậc. Anh ta nghĩ rằng kỹ năng của mình đã đủ thành thục và có thể tự làm việc một mình được. Thế là anh ta thu thập hành lý, chuẩn bị nói lời cáo từ với thầy dạy.
Vị thầy dạy sau khi biết được ý định của học trò liền nói: “Con đã chắc chắn là mình học được hết rồi sao? Không cần học lên trình độ cao hơn nữa sao?”
Người học trò liền chỉ tay vào đầu và nói: “Trong đầu của con đã đầy rồi, không thể chứa đựng thêm được gì nữa!”
“Vậy sao?” Vị thầy dạy vừa nói vừa lấy một chiếc bát lớn rồi đặt lên bàn. Sau đó ông bảo học trò của mình thả những viên đá vào trong bát đến lúc đầy như một ngọn núi và hỏi học trò: “Con thấy cái bát này đã đầy chưa?” Học trò nhìn vào chiếc bát và nói: “Đã đầy!”
Vị thầy dạy nghe học trò đáp xong lại lấy một nắm cát, từ từ thả vào khe hở của những viên đá trong bát, rồi lại hỏi học trò: “Thế bây giờ đã đầy chưa?”
Người học trò cẩn thân xem xét kỹ lưỡng rồi cung kính đáp: “Thưa thầy! Giờ thì đã đầy rồi ạ!”
Vị thầy dạy lại lặng lẽ lấy một ít tàn nhang rắc lên trên chiếc bát tưởng như không thể cho gì thêm vào được nữa rồi hỏi học trò: “Con thấy nó thực sự đã đầy chưa?”
Học trò đáp: “Lần này thì thực sự đầy rồi ạ!”
Vị thầy dạy nghe xong không nói lời nào, đưa tay cầm chiếc ấm trà trên bàn chậm rãi rót vào trong chiếc bát. Vậy mà nước rót vào bát đến đâu dường như biến mất, không tràn ra một giọt nào.
Học trò nhìn đến lúc này thì đã hiểu rõ được sự khổ tâm dụng ý của thầy, vội vã quỳ sụp xuống đất, thành tâm thành ý xin thầy thu nhận lại mình làm học trò.
Họa sĩ người Ý, Leonardo da Vinci từng nói: “Một chút tri thức ít ỏi khiến người ta kiêu ngạo, kiến thức phong phú khiến người ta khiêm tốn. Do đó những bông lúa lép thường cao ngạo mà chĩa thẳng đầu lên trời, còn những bông lúa chắc hạt thường cúi đầu xuống đất.” Một người chỉ có tâm khiêm tốn học tập, không bao giờ tự mãn, thì mới có thể bước đến đỉnh cao của sự nghiệp.
Một người nếu có thể duy trì được thái độ khiêm tốn, lòng dạ can đảm để tự nhận mình còn nhiều hạn chế mới là một người có tầm nhìn xa trông rộng.
Khiêm tốn không có nghĩa là mình đang ở chỗ thấp hơn
Hãy đối xử với mọi người một cách bình hòa, “đạo có đạo pháp, hành có hành tắc”, làm người cũng không ngoại lệ, hãy dùng thái độ bình tĩnh để đối đãi với mọi người và mọi sự việc. Người khiêm tốn là người ở trên cao mà không khoe khoang, ngồi ở địa vị cao mà không tự kiêu. Nếu người có địa vị cao mà không biết cách giữ gìn sự khiêm tốn, sẽ tạo ra một cảm giác xa cách với người khác và dần dần bị cô lập.
Kẻ mạnh thực sự thường cao thâm khó lường và không thể đoán biết được họ đang nghĩ gì. Họ âm thầm và chăm chỉ làm việc một cách cô đơn và chỉ khi thành công mới nói ra ngoài. Khiêm tốn là một dưỡng tu dưỡng bản thân và cũng là một phương thức của thành công.
Muốn thành công phải hiểu được thế nào là nhượng bộ, khiêm tốn mà làm người, là kẻ thắng nhưng không ngừng học hỏi từ đối thủ và càng ngày càng cải thiện bản thân mình trở nên mạnh mẽ hơn. Chiến thuật hữu ích trong đó thường có nhường nhịn và thương lượng với đối thủ.
Đôi khi chịu thiệt còn vinh quang hơn mang về món hời chẳng ra gì
Khổng Tử từng dạy học trò: “Chớ muốn mau, chớ thấy lợi nhỏ. Muốn mau thì không đạt, thấy lợi nhỏ thì việc lớn không thành”. Làm việc mà nhanh nhanh chóng chóng thì sẽ khó thành công, ham muốn cái lợi nhỏ thì sẽ khó làm được việc lớn.
Một người, tâm có thể trầm tĩnh thì mới nhìn được rõ vấn đề. Một khi thấu tỏ được vấn đề, họ sẽ từ trong rối ren mà gỡ được ra và khi ấy, sự tình phức tạp liền biến thành đơn giản.
Tâm có tĩnh thì mới có thể thấy rõ ràng mọi chuyện. Suy xét vấn đề, cần đặt tâm xuống mà ngẫm mới có thể tìm ra giải pháp tốt nhất. Sau này, dù có gặp chuyện khó xử hơn, ta cũng có thể dễ dàng bước qua.
Hằng Tâm