5 công dụng dược liệu của tía tô
Nhắc đến tía tô, chắc mọi người cũng không còn xa lạ nữa, cho dù nấu ăn hay làm đồ uống, nhiều người thường thích dùng nó để nêm nếm hoặc trang trí. Có thể nói, tía tô rất phổ biến trong các món ăn uống. Điều đáng quý hơn là tía tô cũng có thể chữa bệnh.
Đối với tía tô, công dụng của nó là gì? Nó có thể được tóm tắt trong 5 lĩnh vực sau:
Trị cảm mạo phong hàn
Tía tô có tác dụng phát tán phong hàn, chủ trị phong hàn biểu chứng. Phong hàn biểu chứng là gì? Nói một cách đơn giản, đó là khi bắt đầu cảm lạnh. Tía tô mặc dù có công năng phát tán phong hàn, nhưng dược lực của nó tương đối ôn hòa, khi bệnh chỉ dừng lại ở bề mặt da, không xâm nhập sâu vào phủ tạng, khi đó ta pha một chén trà tía tô thơm nồng đậm là có thể có tác dụng chữa bệnh.
Tía tô có hương vị rất đặc biệt, vừa thơm, vừa cay. Y học cổ truyền cho rằng cay có thể có tác dụng tán phong. Tía tô có vị cay, có thể hỗ trợ cơ thể đổ mồ hôi, mang theo phong hàn trên bề mặt cơ thể ra ngoài theo đường mồ hôi. Nếu cảm lạnh trở nên nghiêm trọng hơn, khi này chỉ sử dụng tía tô hiệu quả có thể không tốt, cần phải được sử dụng kết hợp với các loại thuốc phát tán phong hàn khác.
Trừ đờm, giảm ho
Có một số người luôn cảm thấy trong cổ họng có một khối bị ứ tắc, giống như mắc một hạt mận, ho khạc không ra, nuốt vào cũng không được, cho rằng trong cổ họng có cái gì đó, đến bệnh viện kiểm tra lại không thấy gì.
Kỳ thực, đây chính là đờm khí giao trở, kết ở hầu họng. Y học hiện đại gọi đó là viêm họng mãn tính. Tía tô giỏi hành khí, khí ở cổ họng đi xuống, đờm liền theo đó hạ xuống.
Nhưng chỉ dùng một vị tía tô, cũng không thể hoàn toàn giải quyết căn bệnh. Ở đây sẽ giới thiệu đến danh y Trương Trọng Cảnh trong “Kim thiếu yếu lược” có bài thuốc: Bán hạ hậu phác thang (bán hạ, phục linh, hậu phác, gừng, tía tô). Tía tô hành khí, bán hạ tiêu đờm, hai thứ bổ sung cho nhau, hiệu quả chữa bệnh rõ ràng.
Buồn nôn, nôn
Vào mùa hè, sau khi ăn quá nhiều đồ uống có đá và trái cây lạnh, cơ thể bị nhiễm lạnh trầm trọng hơn, và bạn bị buồn nôn, nôn. Bạn có thể dùng tía tô và thêm một số loại thuốc Đông y có tính ấm làm hết nôn như sa nhân, đinh hương, v.v.
Nếu sau khi ăn một số thức ăn cay, xuất hiện trào ngược dạ dày, kèm theo đầy hơi khó tiêu, có triệu chứng buồn nôn và nôn, có thể dùng tía tô phối hợp với hoàng liên thanh nhiệt, rễ lô hội.
Giải độc cá và cua
Trên thực tế, tía tô luôn hiện hữu xung quanh ta. Trong cửa hàng Nhật Bản, dưới món Sashimi hải sản luôn luôn đệm một vài lá, đây là tía tô! Không chỉ có tác dụng thẩm mỹ, mà còn có thể giải độc cá và cua.
Ngoài ra, người nào bị đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy do ăn cá, cua bị ngộ độc đều có thể uống nước luộc tía tô nhưng nên nhớ không nên sắc tía tô trong thời gian quá lâu.
An thai
Khi mang thai từ tháng 3 đến tháng 4, phụ nữ mang thai thường xuất hiện hiện tượng như ăn kém, đau đầu, và nôn mửa thường xuyên sau khi ăn. Nếu các triệu chứng kéo dài mà không cải thiện, người mẹ không hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng, sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi.
Tại thời điểm này, tía tô có thể có ích. Tía tô là một loại nguyên liệu thơm ngon, có thể kết hợp nó với các loại thảo mộc như trần bì, cát nhân và các loại dược liệu khác, giúp làm giảm nôn mửa, tức ngực trong khi mang thai và các triệu chứng khác, cũng có thể có tác dụng trấn an nhất định đối với chuyển động của thai nhi.
Vì vậy, nếu phụ nữ mang thai xuất hiện nôn mửa hoặc tức ngực và cảm giác khó chịu khác, có thể kiên trì uống một ít nước tía tô, các triệu chứng sẽ được thuyên giảm dần.
Trên đây là một số tác dụng chữa bệnh của tía tô. Mong mọi người có thể ứng dụng và đạt được hiệu quả tốt!
Thảo Nguyên biên tập
Nguồn: Soundofhope