Thuật cân xương “phá án” của người xưa
Từ quan phủ tới người nhà nạn nhân đều không ngờ hung thủ dám dùng cách thức độc ác như vậy để thoát tội lấy mạng người.
3 lần khám nghiệm không thể tìm được cách thức gây án của hung thủ
Vào thời nhà Thanh, có một vụ án kỳ lạ xảy ra ở khu vực Dư Hàng (một quận thuộc Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc) khiến cho quan phủ đau đầu. Theo lời khai ban đầu của người báo án, gia đình của họ và hung thủ có tranh chấp một số vấn đề. Cha của người báo án bị hung thủ đánh đến mất mạng trong lúc xô xát. Lúc xảy ra vụ việc, gia đình của ông đều có mặt đông đủ để có thể đứng ra làm chứng.
Tuy nhiên, người bị kiện lại cho biết hắn ta không đánh ông cụ. Ông cụ là do lâm bệnh mà chết chứ không liên quan tới hắn. Quan phủ buộc phải dùng phương pháp khám nghiệm tử thi. Kết quả là, người khám nghiệm cho rằng người chết không có tổn thương trên xương, trên người không có nội thương hay dấu hiệu của việc bị đánh.
Hơn nữa, nhân chứng chỉ toàn người nhà của người báo án nên lời khai không được công nhận. Người con của ông già vẫn một mực khẳng định chính mắt mình trông thấy cha bị đánh chết, làm sao có thể không có dấu vết. Người con cho rằng hung thủ đã mua chuộc quan huyện để hòng thoát tội. Quan huyện giận quá ra lệnh tống giam người báo án 5 năm và kết luận kẻ kia không có tội.
5 năm trôi qua, người con vẫn một lòng muốn trừng trị hung thủ nên ngay khi vừa được thả, ông đã vội báo án lên quan tri phủ. Tri phủ đại nhân phái người đi khai quật quan tài để khám nghiệm, nào ngờ kết quả cũng giống như lần trước. Người con lúc này đột ngột phát điên cho rằng các quan bao che cho nhau nên mới đưa ra kết luận như vậy.
Quan tri phủ nghe lời mắng nhiếc liền lệnh cho thuộc hạ nhốt người con vào tù. Người con ở trong tù không cam tâm, luôn cho rằng quan lại xem thường công lý, sau đó ôm hận mà qua đời. Sau khi hay tin cha mình chết tức tưởi, người cháu trai quyết định lên đường đến kinh thành kêu oan với Hình bộ.
Cân xương người chết để so sánh
Hình bộ cũng tiến hành khám nghiệm tử thi nhưng kết quả đều không khác gì hai lần trước. Sự việc này khiến cho quan đại thần đứng đầu Hình bộ vô cùng áp lực vì không biết nên giải quyết ra sao. Đang đau đầu vì vụ án, chợt quan đại thần nhớ ra người bạn thân là tri phủ tỉnh Sơn Đông vốn là một người đã phá được vô số vụ án hóc búa. Quan đại thần vội tới tận nơi nhờ người bạn này trợ giúp.
Tri phủ tỉnh Sơn Đông sau khi nghe thuật lại vụ án liền nói với quan đại thần rằng: “Có thể xương của người chết đã bị ai đó tráo đổi vì thế khi khám nghiệm không tìm thấy dấu vết bị đánh. Ông hãy dựa theo phương pháp của Tống Từ trong cuốn “Tẩy oan tập lục” là lấy xương ra cân lại để so sánh sẽ biết ngay đó có phải là xương của cùng một người hay không.”
Họ đã lấy xương nạn nhân cân và so sánh lại thì thấy hầu hết các bộ phận đều khớp, chỉ có 2 xương ức là không đồng nhất về trọng lượng và kích thước.
Sau đó họ lại tiếp tục áp dụng phương pháp nhỏ máu lên xương nổi tiếng của Tống đề hình để xác nhận nhân thân. Quả thực, máu chỉ lập tức ngấm vào một bên xương ức, bên còn lại thì không thể.
Vạch mặt hung thủ
Nhờ vào 2 phương pháp đặc biệt này, sự thật đã được phơi bày. Quan đại thần đã đưa viên quan huyện cùng người khám nghiệm tử thi lần đầu về kinh tra khảo. Hóa ra 2 người này thực sự nhận tiền hối lộ của hung thủ nên đã đưa ra kết luận sai. Sau đó vì sợ tội nên đã lén tráo đổi xương cốt của nạn nhân dẫn đến những sai lệch của 2 lần khám nghiệm sau đó.
Trên thực tế, phương pháp giám định hài cốt kể trên đến nay vẫn được sử dụng như là một trong những cách để xác định danh tính của người chết. Hơn nữa, dựa trên những chấn thương trên xương, các nhà giám định pháp y có thể tìm được nguyên nhân chết của nạn nhân do bệnh dịch, thảm họa thiên nhiên hay do bị đánh.
Cuối cùng, vụ án tráo xương đã khép lại với hình phạt chém đầu dành cho kẻ phạm pháp, quan huyện và người khám nghiệm tử thi. Ngoài ra, viên quan tri phủ đã xử án sai trước đó cũng bị xử lý nghiêm khắc.
Đăng Dũng biên tập
Nguồn: Soha