Có một loại hôn nhân gọi là “bạn đời Thần tiên”
Đây không phải là câu chuyện tình yêu nam nữ trần tục, mà là mối lương duyên được gọi là “bạn đời Thần tiên” của vị tiên nhân cùng công chúa đã có thệ ước. Họ kết duyên rồi cùng nhau tu hành, đắc đạo trở về trời…
Lộng Ngọc thổi khèn, tiếng tiêu đáp lại
Thời Xuân Thu, Tần Mục Công có một người con gái tên là Lộng Ngọc. Khi Lộng Ngọc vừa tròn một tuổi, trong hoàng cung bày rất nhiều đồ đạc để trắc nghiệm chí hướng tương lai của tiểu công chúa. Nàng chỉ chọn duy nhất một miếng ngọc bội và không muốn buông xuống; do vậy phụ vương đặt tên cho cô là Lộng Ngọc.
Thời gian sau, Lộng Ngọc trở thành thiếu nữ vừa thông minh lanh lợi lại có dung mạo tuyệt trần. Cô thích sự yên tĩnh, chỉ thích ở một mình trong thâm cung và thổi khèn. Không cần thầy dạy Lộng Ngọc vẫn có thể thổi lên những giai điệu tuyệt diệu; nghe rất giống như tiếng hót của chim phượng hoàng.
Tần Mục Công rất yêu con gái, bèn sai người làm một chiếc khèn bằng ngọc bích tặng con. Và xây cho con một tòa lầu Phượng, trước lầu có một đài cao gọi là Phượng Đài.
Khi Lộng Ngọc tròn 15 tuổi, Mục Công muốn tìm phò mã cho con. Nàng nghe vậy bèn nói với cha: “Đó phải là người biết thổi khèn và có thể phụ xướng với con; nếu không thì con quyết không lấy chồng”. Tuy nhiên khắp vương quốc cũng không có một người đáp ứng tiêu chuẩn này.
Một buổi tối nọ khi đang ngồi nhàn rỗi trong Phượng lầu; nàng lấy khèn ra thổi. Một mình độc tấu trong không trung, thanh âm ôn nhu réo rắt. Trong gió nhẹ chợt nghe như có người họa lại; tiếng tiêu véo von, khi gần khi xa. Lộng Ngọc không khỏi băn khoăn, bèn ngừng lại không thổi nữa thì tiếng tiêu cũng lắng xuống; nhưng dư âm vẫn còn vang vọng không dứt…
Lộng Ngọc bâng khuâng, trầm tư như vừa đánh mất thứ gì. Thoáng chốc đã nửa đêm, trăng xế hương tàn, nàng đem chiếc khèn ngọc để trên đầu giường rồi ngủ thiếp đi. Mới vừa chợp mắt, bỗng dưng nàng thấy ở phía tây nam trên trời, qua khung cửa sổ nàng thấy hào quang ngũ sắc, rực rỡ như ban ngày. Trên đó có một chàng trai trẻ tuổi, mũ lông áo hạc, cưỡi chim phượng trên trời bay xuống, đứng trước Phượng Đài bảo nàng rằng: “Ta là chủ của núi Thái Hoa, Ngọc Hoàng Thượng Đế cho ta kết duyên với nàng; đến Trung thu này thì đôi ta gặp nhau, thành tựu một đoạn duyên túc thế”. Chàng trai nói xong, lấy tay cởi ống ngọc tiêu bên hông xuống, rồi đứng dựa lan can mà thổi.
Lộng Ngọc kết duyên phu thê cùng người trong mộng
Sáng hôm sau, Lộng Ngọc thuật lại câu chuyện giấc chiêm bao cho cha nghe. Mục Công sai Mạnh Minh căn cứ theo hình tượng người trong mộng đến dò tìm ở núi Thái Hoa. Người tiều phu ở đấy chỉ lên núi mà bảo: “Có một người lạ mặt cứ buổi chiều lại thổi chơi khúc ngọc tiêu; ở cách vài trăm dặm cũng nghe thấy; nhưng không rõ là người ở đâu. Chỉ biết đến làm nhà ở trên núi này”.
Mạnh Minh lên núi, quả nhiên thấy có một nam tử mũ lông áo bạc; trông như một vị Thần tiên, liền mời về bái kiến Mục Công. Người này họ Tiêu tên Sử; không biết thổi khèn, chỉ biết thổi tiêu.
Lộng Ngọc sai nội thị tâu với Mục Công để Tiêu Sử thổi tiêu
Tiêu Sử mới dạo một khúc thì thấy có gió mát hây hây. Chàng thổi đến khúc thứ hai thì mây ngũ sắc tụ họp bốn mặt cuộn tới cung điện. Tới khúc thứ ba thì có đôi hạc trắng múa lượn trên không trung; lại có mấy đôi khổng tước bay về đậu trên cây ngô đồng trước sân. Sau đó, hàng trăm con chim cùng tụ hợp kêu ríu rít, một lúc lâu rồi tan đi.
Lộng Ngọc quan sát kỹ, nhận ra chiếc tiêu tử ngọc trong tay Tiêu Sử chính là vật mình đã nhìn thấy trong mơ. Nàng mừng thầm, cuối cùng đã tìm được người trong mộng.
Mục Công lại hỏi chàng thanh niên về nguồn gốc của khèn và tiêu. Tiêu Sử đáp: “khèn và tiêu là cùng loại, đều là từ tiếng chim phượng hoàng hót mà biến đổi thành. Khèn là Nữ Oa phát minh, với ý nghĩa vạn vật sinh sôi nảy nở. Tiêu là do Phục Hy phát minh, có nghĩa là quét sạch, thanh trừng, có thể dùng thanh lý những thứ không tốt trong thiên địa“.
Mục Công lại hỏi: “Này người thổi tiêu, tại sao nhà ngươi có thể kêu gọi hàng trăm con chim tới như vậy?”
Tiêu Sử đáp: “Tiếng tiêu rất giống tiếng chim phượng hoàng. Trước đây vua Thuấn diễn tấu khúc Tiêu Thiều, phượng hoàng nghe thấy liền bay tới hành lễ. Chim phượng là vua của các loài chim còn bay tới, huống chi là các giống chim khác?”.
Mục Công chứng kiến Tiêu Sử thổi tiêu; đã có thể thông thiên cảm địa; hành động cử chỉ phóng khoáng, phong độ nhanh nhẹn nhẹ nhàng. Thế là Mục Công phong chàng làm phò mã. Ngày công chúa Lộng Ngọc và Tiêu Sử kết nghĩa phu thê cũng trùng hợp đúng vào ngày tết Trung thu.
Phu thê “bạn đời Thần tiên” tu hành đắc đạo cưỡi rồng bay về trời
Sau khi kết hôn, hai vợ chồng Lộng Ngọc thường xuyên ở Phượng Đài luyện khèn và tiêu. Tiêu Sử dạy Lộng Ngọc tập thanh âm loan phượng, tiếng khèn tiếng tiêu tương hòa, ôn nhu, hòa nhã.
Lộng Ngọc phát hiện ra phu quân không ăn cơm, chỉ thỉnh thoảng uống rượu hoặc ăn chút hoa quả. Sau đó, anh cũng mang thuật tịch cốc truyền lại cho vợ. Cứ như vậy, hai vợ chồng không ăn không uống, khắc khổ tu hành, nhiều năm không ra khỏi Phượng lầu. Vốn đã không có chuyện nam nữ, lại không ăn đồ ở nhân gian; hai người ngày càng đạt đến trạng thái tâm tịnh thân thể nhẹ nhàng.
Hơn 10 năm sau, tiếng tiêu của Lộng Ngọc cũng giống như tiếng hót của chim phượng hoàng; thanh nhạc tương hợp, có thể chạm tới thiên đình. Phượng hoàng nghe được cũng cảm thấy rung động; nên thường xuyên bay từ bầu trời xuống, đậu trên mái lầu của họ.
Vào một đêm nọ, Tiêu Sử và Lộng Ngọc đang hòa tấu dưới trăng, đột nhiên có chú chim phượng hoàng màu tím đậu bên trái Phượng Đài; lại có một con rồng bay qua phía bên phải Phượng Đài.
Biết rằng thời cơ đã đến, Tiêu Sử nói cho Lộng Ngọc biết bí mật mà anh đã giấu kín bấy lâu:
“Ta vốn là tiên nhân trên trời, bởi sách sử nhân gian bị tản loạn nên Thượng Đế phái ta xuống chỉnh lý. Ta sinh ngày 5 tháng 5 năm thứ mười bảy Chu Tuyên Vương trong một gia đình Tiêu thị thời Tây Chu; tên là Tiêu Tam Lang. Sau khi hoàn thành chỉnh lý điển sách cổ, người nhà Chu gọi ta là Tiêu Sử. Tính đến nay đã hơn 110 tuổi. Thượng Đế lại lệnh cho ta làm chủ nhân của Hoa Sơn, vì có tiên duyên với nàng, nên dùng tiếng tiêu hòa hợp kết duyên vợ chồng, cùng nhau tu hành. Hiện nay, trần duyên đã tận, hai ta cũng đã tu luyện viên mãn rồi; không nên ở lại nhân gian nữa, hôm nay long phượng sẽ đến đón chúng ta về trời”.
Lộng Ngọc muốn từ biệt cha mình, Tiêu Sử nói: “Thần tiên không có ưu sầu, sao còn lưu luyến thân nhân gia quyến?”. Nói rồi, Tiêu Sử cưỡi lên con rồng màu đỏ; Lộng Ngọc cưỡi lên rồng màu tím, từ Phượng Đài bay lên mây rồi về trời.
Ngày hôm sau, Tần Mục Công biết chuyện, buồn rầu mà thở dài: “Chuyện Thần tiên thật sự có tồn tại. Nếu có long phượng tới đón, ta cũng sẽ bỏ hết giang sơn mà về trời”.
Từ sau đó, Mục Công xa rời việc quốc sự, quyết tâm tu luyện; tương truyền sau này cũng đắc Đạo thành Tiên.
Hôn nhân của nhân loại nơi trần thế, cũng chẳng qua là tình cảm giữa nam và nữ, sinh sôi nảy nở cho hậu thế. Nhưng vợ chồng bầu bạn Thần tiên như Tiêu Sử và Lộng Ngọc; thử hỏi từ cổ chí kim có bao người?
Mộng Đình biên tập.
(Nguồn: etviet)