Khám phá bí ẩn: hóa thạch rồng biển tại Anh dài hơn 10m
Các nhà khảo cổ sinh vật học đã phát hiện ra một bộ xương khổng lồ của một con ngư long vùng biển nước Anh; có niên đại cách đây 180 triệu năm.
Phát hiện “hóa thạch rồng biển” dài hơn 10m tại vùng biển Anh
Theo National Geographic, vào tháng 1/2021, nhà cổ sinh vật học Joe Davis phát hiện thấy hóa thạch của một con ngư long từ thời tiền sử ở Khu bảo tồn tự nhiên Rutland Water nước Anh. Lúc đó anh Davis đang tiến hành hút nước ở khu đất thì phát hiện một số chiếc xương hóa thạch nhô lên.
Thoạt nhìn, hoá thạch có vẻ giống một con khủng long khổng lồ. Nhưng khi nhà cổ sinh vật học Dean Lomax xem xét ảnh chụp, ông đã cho rằng đây chính là hóa thạch của loài bò sát biển tên thằn lằn cá hay còn gọi là ngư long.
Ngư long tồn tại cùng thời với khủng long; chúng sống ở biển và tiến hóa từ bò sát trên cạn ở kỷ Tam Điệp cách đây 246 triệu năm. Về ngoại hình, chúng có cơ thể thuôn dài giống loài cá. Theo vết tích để lại, các nhà khoa học tin rằng ngư long đã bị tuyệt chủng từ khoảng 95 triệu năm trước.
Nhiều loài ngư long trưởng thành có chiều dài lên đến hơn 16m, chúng chuyên săn mực, cá và những con mồi nhỏ khác. Vài loài là động vật ăn thịt hàng đầu, thường săn các loài bò sát biển lớn.
Đến nay, loài ngư long lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử sống ở kỷ Tam Điệp, cách đây 250 – 201 triệu năm.
Theo nhà cổ sinh vật học Rebecca Bennion ở Đại học Liège, hóa thạch lớn và hoàn chỉnh mà Davis tìm thấy vừa qua là phát hiện rất đặc biệt. Toàn bộ cơ thể của hóa thạch này dài tới hơn 10m, riêng hộp sọ đã dài gần 2,1m, đây là kích cỡ tương đương với một con cá voi minke.
Để khai quật hoàn thiện hộp sọ, các nhà nghiên cứu đã phải mất tới hai tuần. Nhà cổ sinh vật học ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quận Los Angeles, Jorge Velez-Juarbe nhận định hóa thạch mới tìm thấy này sẽ cung cấp nhiều kiến thức về lịch sử tiến hóa của bò sát biển.
Hiện hóa thạch ngư long vẫn đang được khai quật, tuy nhiên dựa vào những bức ảnh và kích thước đo thực tế, nhóm nghiên cứu đã có thể lập mô hình 3D cho bộ xương.
Thông qua việc tìm thấy một vài chiếc răng quang bộ xương, các nhà khoa học đặt ra giả thiết rằng đây chính là bộ xương của loài ngư long Temnodontosaurus trigonodon. Loài này là động vật ăn thịt dưới biển lớn nhất hành tinh ở đầu kỷ Jura cách đây 180 triệu năm.
Vào đầu kỷ Tam Điệp có vài loài ngư long to như cá voi nhưng vào khoảng 201 triệu năm trước, chúng đã bị tuyệt chủng. Những loài ngư long còn sống sót có kích cỡ nhỏ dần và có một số loài lại phát triển kích thước lần nữa. Thông qua răng của mẫu vật mới, các nhà cổ sinh vật học có thể biết thêm về thức ăn và vai trò của ngư long Rutland trong hệ sinh thái cuối kỷ Jura.
Phát hiện ổ trứng khủng long hóa thạch 60 triệu năm còn nguyên vẹn
Theo Mail, các nhà khoa học đã phát hiện ra một ổ trứng khủng long hóa thạch gồm 5 quả còn nguyên vẹn từ cách đây 60 – 80 triệu năm tại thành phố Presidente Prudente thuộc bang São Paulo, Brazil vào tháng 8/2020.
Ban đầu những người khai quật cho rằng đó là trứng của loài cá sấu cổ đại nhưng sau đó nhóm nghiên cứu đứng đầu là nhà cổ sinh vật học William Roberto Nava ở Bảo tàng Marilia, phân tích và xác định số trứng này có lớp vỏ lớn, dày hơn trứng cá sấu.
Nava cho biết, trứng của loài khủng long thường rộng 5-8cm và dài 10-13cm, trong khi trứng cá sấu cổ đại có chiều dài không quá 5cm. Vỏ của trứng khủng long thường có những họa tiết gợn sóng, trong khi trứng cá sấu thường rỗng hoặc trơn nhẵn.
Vào tháng 12/2021 các chuyên gia tại Trung Quốc cũng phát hiện ra một phôi thai khủng long trong tình trạng cực tốt. Phôi thai này có tên “Baby Yingliang”, nằm bên trong một quả trứng hóa thạch ở thành phố Cám Châu, tỉnh Giang Tây.
Qua nghiên cứu xác định Baby Yingliang đã gần tới ngày nở, đây là mẫu vật của một loài khủng long chân thú có mỏ, không răng tên là “oviraptorosaurs”.
(Nguồn: Tinh Hoa)