9 huyệt vị trên cơ thể giúp giảm đau nhanh chóng
Những cơn đau đầu thật phiền toái và không bao giờ là điều dễ chịu với tất cả mọi người. Sử dụng thuốc giảm đau đang là cách mà nhiều người lựa chọn để giải quyết những cơn đau đầu đến bất thình lình như thế này. Tuy nhiên có một biện pháp an toàn, hiệu quả mà không hề sợ tác dụng phụ để đẩy lùi những cơn đau đầu mà không cần đến thuốc đó chính là bấm các huyệt vị. Vậy các huyệt vị đó là gì, vị trí ở đâu và cách bấm như thế nào cho hiệu quả? Mời các bạn tham khảo các thông tin sau đây:
Đau đầu trong Đông y gọi là đầu thống, do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra trong đó các nguyên nguyên bên ngoài như thời tiết, nóng, lạnh,… và nguyên nhân bên trong gây ra như suy nghĩ, buồn phiền…
Bấm huyệt là phương pháp điều trị của Đông y đã được nghiên cứu và thực hiện chữa trị cho bệnh nhân mắc chứng đau đầu từ hàng ngàn năm nay. Bấm huyệt cũng là một dạng massage mà hiệu quả của nó thì đã được rất nhiều những nghiên cứu khoa học trên thế giới chứng minh về tính hiệu quả. Tuy nhiên, để thực hiện được bạn cần phải biết được một số những kiến thức cơ bản về huyệt vị.
Lưu ý: Trước khi thực hiện bấm huyệt chữa đau đầu bạn nên thả lỏng cơ thể, hãy để mình thật thư giãn khoảng 5-10 phút. Sau đây là cách bấm các huyệt vị để giảm cơn đau đầu:
- Huyệt Hợp cốc
Vị trí: Bạn giơ bàn tay của mình lên, sờ vào vùng lõm của điểm giao kết giữa ngón trỏ và ngón cái, phần lõm sâu sát với xương nối chính là huyệt hợp cốc.
Huyệt Hợp Cốc (Ảnh: Internet)
Ý nghĩa huyệt Hợp Cốc: Hợp là sự kết hợp lại, cùng nhau. Cốc là khe, khoảng không ở giữa hai dòng suối. Huyệt nằm ở khe chính giữa điểm kết nối của ngón tay cái và ngón tay trỏ, người xưa gọi là huyệt hợp cốc. Khi mở rộng 2 ngón tay cái và ngón trỏ ra, bàn tay xòe rộng như miệng hổ, nên Hợp cốc còn được gọi là huyệt hổ khẩu (miệng hổ).
Cách xoa bấm huyệt Hợp Cốc: Bắt đầu bằng cách véo khu vực này bằng ngón cái và ngón trỏ bằng bàn tay đối diện của bạn, giữ trong 10 giây. Tiếp theo, day tròn ngón cái trên huyệt này theo một hướng trong 10 giây và làm xoay ngược lại trong 10 giây. Lặp lại quá trình này trên huyệt Hợp Cốc trên tay dối diện.
Lưu ý: phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai không dùng huyệt này.
2. Huyệt Ấn Đường
Vị trí: huyệt Ấn đường nằm ở chính giữa đường nối hai đầu lông mày, trên đường thẳng dọc giữa sống mũi. Trong dưỡng sinh của đạo gia gọi huyệt vị này là “thượng đan”, huyệt ấn đường còn được gọi là “con mắt thứ 3”.
Cách day bấm huyệt: Dùng ngón cái ấn và miết huyệt từ ấn đường lên hai bên chân tóc và sang 2 bên lông mày từ 5 đến 10 lần. Sau đó dùng ngón cái và ngón trỏ véo da vùng huyệt này lên rồi thả ra, làm như vậy 10 lần.
Tác dụng: day huyệt ấn đường có tác dụng thần chí, giúp cản gió, chữa nhức đầu, xua tan cơn đau đầu. Thường xuyên day huyệt Ấn đường sẽ giúp tinh thần thoải mái, sẽ có tác dụng kéo dài tuổi thọ.
3. Huyệt Thái Dương
Vị trí: huyệt Thái Dương nằm ở vị trí điểm giao nhau của đuôi lông mày và khoé mắt ngoài, chỗ lõm nhất vùng thái dương 2 bên.
Cách day bấm huyệt: dùng hai ngón tay trỏ ấn giữ huyệt thái dương khoảng 10 giây sau đó giữ nguyên lực xoay tròn tại huyệt khoảng 30 giây. Lặp lại động tác từ 10-20 lần sẽ cảm thấy đầu thoải mái hơn, đỡ đau hơn.
Tác dụng: Day xoay tròn huyệt thái dương như vậy có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu, tăng trao đổi chất cục bộ và giúp cho người khoẻ mạnh, đầu óc tỉnh táo, sáng mắt, hết mệt mỏi. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với những người bị chứng đau nửa đầu, thiểu năng tuần hoàn não (máu lên não ít), người cao tuổi…
4. Huyệt Toản Trúc
Vị trí: huyệt Toản Trúc nằm ở chỗ lõm đầu trong của chân mày, thẳng trên góc mắt trong. Còn có tên gọi là Toán Trúc, Minh Quang, Dạ Quang, My Bản, My Đầu…
Tác dụng: Trong cuốn y thư cổ Châm cứu giáp ất kinh (quyển thứ 7) viết: “Đau nhức đầu, chảy máu cam, viêm mũi dị ứng, nhức đầu ở trên mắt, hắt hơi, mắt như muốn ra ngoài, sốt lạnh toát mồ hôi, mặt đỏ, đau trong má, cột sống cổ khó quay qua lại, đau trong mắt, co giật, dùng toản trúc làm chủ”.
Cách day bấm huyệt: Chọn tư thế thoải mái, tốt nhất là nằm ngửa hoặc nửa nằm nửa ngồi trên ghế tựa, toàn thân thư giãn. Tâm trí hoàn toàn tập trung vào việc tiến hành việc bấm huyệt, hai mắt khép hờ. Dùng hai ngón tay trỏ hoặc ngón tay giữa đồng thời day bấm cả hai huyệt toản trúc với một lực vừa phải, giữ tay trong 10 giây, rồi day tròn 2 huyệt khoảng 1 phút. Tiếp tục thư giãn trong vài phút rồi lại tiến hành day bấm lần thứ hai với cách thức như trên.
5. Huyệt Suất Cốc
Vị trí: Gấp vành tai lại, từ đỉnh vành tai đo lên tầm 2 – 3 cm. Có thể dùng ngón tay miết dần từ đỉnh vành tai lên, khi nào thấy có chỗ lõm thì đó chính là huyệt Suất Cốc.Cách day bấm huyệt: Một tay giữ bên kia đầu, bên này lấy ngón cái ấn giữ vào huyệt khoảng 10 giây, sau đó day tròn trong 1 phút. Làm như thế với bên đối diện.
6. Huyệt Phong Trì
Vị trí: huyệt Phong Trì nằm ngay sau gáy, ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ. Cách xác định huyệt phong trì rất dễ dàng: lần bên dưới đáy hộp sọ có 2 hõm, đó chính là huyệt phong trì.
Cách day bấm huyệt: Giữ hai ngón tay cái khi bạn xác định được huyệt. Ấn sâu dần, khi cảm thấy đau nhưng vẫn trong giới hạn chịu đựng thì giữ tay trong vòng 10 giây. Sau đó giữ nguyên lực của ngón tay, từ từ xoay trong khoảng 30 giây (tuỳ sức chịu đựng đau của mỗi người mà nới dần lực ấn).
7. Huyệt Bách Hội
Người xưa cho rằng, Bách Hội như điểm giao nhau của trăm vạn “con sông” kinh mạch trong cơ thể. Cùng với Hội Âm nó có ý nghĩa lớn trong trạng thái giao hòa giữa cơ thể con người với trời đất. Nếu bị bít tắc thì dễ dẫn tới đau đầu, khó chịu trong tâm. Do vậy đả khai huyệt này có tác dụng trị đau đầu, mất ngủ, thần kinh suy nhược.Tác dụng: Huyệt Bách Hội còn có nhiều tên gọi khác nhau như Duy Hội, Điên Thượng, Nê Hoàn Cung, Qủy Môn, Tam Dương, Tam Dương Ngũ Hội, Thiên Mãn, Thiên Sơn…Nhấn vào huyệt bách hội giúp khí huyết lưu thông, giúp giảm cơn đau đầu đi rất rõ rệt.
Cách day bấm huyệt: Ấn giữ ngón tay cái hoặc tay trỏ (tuỳ sự thuận tiện của các bạn) trong vòng 10 giây, day tròn từ từ khoảng 1 phút.
8. Huyệt Nghinh Hương
Huyệt Nghinh Hương hay còn gọi là Nghênh Hương, Xung Dương. Đây là huyệt vị có tác dụng thông tỷ khiếu, tán phong nhiệt, thanh hỏa khí, không chỉ giảm đau nhức đầu mà còn giúp chữa viêm mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi…Vị trí: huyệt này nằm ở 2 bên mũi, thẳng hàng với mắt. Để tìm chúng thì bạn hãy tìm 2 cái lõm dưới đáy xương má, nằm ngay bên cạnh cánh mũi, trên rãnh mũi má, cách cánh mũi khoảng nửa thốn (khoảng 0,8 đến 0,9cm).
Cách day bấm huyệt: dùng đầu ngón tay day bấm vào huyệt Nghinh Hương ở hai bên lỗ mũi trong 1 – 2 phút, khi cảm thấy cay cay sống mũi, đạt cảm giác căng tức cả hai cánh mũi và gò má là được.
9. Huyệt Kiên Tỉnh
Vị trí: có thể xác định huyệt Kiên Tỉnh bằng một trong hai cách sau đây:
Cách 1: Cúi đầu để xác định 2 đốt xương sống gồ cao nhất (C7 và D1), huyệt nằm ở điểm giữa đoạn thẳng nối khe của 2 đốt xương này với mỏm cùng vai (đầu ngoài vai của bạn).
Cách 2: Đặt bàn tay sang bên vai đối diện sao cho cánh tay, khuỷu tay, cẳng tay ôm sát ngực. Điểm đầu ngón tay giữa chạm đến chính là huyệt Kiên tỉnh.
Cách day bấm huyệt: Dùng ngón cái của tay đối diện ấn giữ điểm này và xoay tròn trong 1 phút. Ấn giữ huyệt trong vòng 30 giây. Sau đó lặp lại bên đối diện.
Một số lưu ý khi bấm huyệt để trị đau đầu:
– Khi ấn giữ hoặc day các huyệt chỉ nên dùng lực vừa phải, không nên dùng lực quá mạnh, sẽ gây tổn thương cho cơ thể, thậm chí phản tác dụng. Khi thực hiện tại chỗ huyệt có thể cảm thấy đau nhưng không được chịu đau quá mức, nên nhớ chỉ tiếp tục thực hiện khi bạn có thể chịu đựng được.
– Tất cả nhưng huyệt nêu trên bạn có thể tự thực hiện lần lượt theo thứ tự hoặc bỏ qua những huyệt vị nếu bản thân là đối tượng được nhắc trong lưu ý. Tuy nhiên nếu có người trợ giúp sẽ dễ dàng hơn.
– Sau khi bấm huyệt xong, bạn có thể lấy ngón trỏ xoắn một ít tóc kéo dãn nhẹ nhàng, thả ra và làm lọn tóc khác như vậy (làm tại vùng đầu bị đau). Cuối cùng dùng 10 đầu ngón tay bóp với lực vừa phải tại vùng đầu và trán sao cho cảm thấy thoải mái.
– Bấm huyệt là cách điều trị khá an toàn tuy nhiên biện pháp này chỉ dùng với những cơn đau thông thường, khi cảm thấy đau đớn dữ dội hoặc có các biểu hiện bất thường khác, bạn nên tới cơ sở y tế để được các thầy thuốc thăm khám.
Biên tập: Lan Hương