Bài thơ duy nhất còn lại của Bao Thanh Thiên
Bao Công tên thật là Bao Chửng (包拯; 999 – 1062), tự Hy Nhân. Ngoài ra, ông còn được gọi là Bao Thanh Thiên, Bao Hắc Tử hay Bao Long Đồ. Bao Công nổi tiếng là một vị quan “thanh liêm, chấp pháp nghiêm, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình” dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022 – 1063).
Năm 1062, ông lâm bệnh mất ở nơi làm việc, hưởng thọ 64 tuổi.
Là một người có học vị cao và sống ở một thời đại văn thơ nở rộ, chắc Bao Công cũng sáng tác không ít, song đáng tiếc là cho đến nay chỉ còn lại một bài ông làm lúc mới bước vào đường hoạn lộ là:
Thư Đoan Châu quận trai bích
Thanh tâm vi trị bản
Trực đạo thị thân mưu
Tú cán chung thành đống
Tinh cương bất tác câu
Thương sung thử tước hí
Thảo tận thố hồ sầu
Sử sách hữu di huấn
Vô di lai giả tu.
Dịch nghĩa:
Đề lên tường thư trai ở quận Đoan Châu.
Lòng trong sạch là cái gốc của việc trị nước,
Đạo ngay thẳng là điều mưu cầu của việc tu thân.
Thân cây đẹp tốt rốt cuộc sẽ thành rường cột,
Gang thuần chất không thể uốn thành móc cong.
Kho đầy hẳn bọn chuột và chim sẻ vui mừng.
Cỏ hết thì bọn thỏ và chồn rầu rĩ.
Sử sách có lời di huấn:
Chớ để lại điều xấu hổ cho con cháu mai sau!
Nguyễn Khắc Phi dịch thơ:
Thanh liêm: gốc “trị quốc”
Cương trực: “tu thân” cầu.
Cây thẳng ắt làm cột,
Thép ròng chẳng uốn câu.
Kho đầy: chuột, sẻ khoái.
Cỏ hết: thỏ, chồn sầu.
Sử sách nêu di huấn:
Chớ để nhục về sau!
Biên tập Thiên Hà
Nguồn: Tuanmaisg