“Bận rộn” chỉ là giấc mộng phù du, thấu tỏ nhân sinh một chữ “Nhàn”
Ngày nay, “bận rộn” dường như là trạng thái chung của mọi người. Nếu như bận rộn cuối cùng chỉ là một giấc mộng phù du, vậy điều chúng ta mất thực sự chính là sự nhàn nhã trong tâm hồn. Biết đến bao giờ mới thấu tỏ nhân sinh.
Trong chiếc tự tiếng Trung, Chính thể của chữ “嫺 – Nhàn”, gồm một chữ “女 – Nữ”, một chữ “門 – Môn” (cửa), một chữ “月- Nguyệt” (mặt trăng), nó làm người ta nghĩ tới một buổi tối có trăng, gió đêm mát lạnh, côn trùng kêu rả rích, “trăng sáng như nước, nước trong như trời”; và một thiếu nữ xinh đẹp tựa ở trước cửa nhà, ngẩng đầu nhìn thấy ánh trăng vằng vặc.
Nội hàm của chữ “Nhàn” qua phác họa của người xưa
Mặt trăng thời cổ đại là một nguồn cảm hứng dạt dào của các thi sĩ và nghệ thuật. Nó được thi nhân gài trên vạt áo, được hoạ sĩ vẽ trên giấy Tuyên Thành, được người con gái thêu trên tấm lụa. “Nhàn”, hóa ra lại có tình ý lâu dài với ánh trăng như thế.
Tác giả Đổng Kiều từng nói: “Người yêu sách yêu giấy giống như mê mặt trăng trên trời vậy”. Hóa ra, văn hay chữ tốt chính là một vầng trăng tròn trên bầu trời.
Trương Triều đời nhà Thanh từng viết trong “U Mộng Ảnh”: “Thiếu niên đọc sách như nhòm trăng qua khe hở, trung niên đọc sách như đứng ngắm trăng giữa sân, lão niên đọc sách như thưởng trăng trên đài, do từng trải nhiều hay ít mà sở đắc cũng ít hay nhiều”. Đọc sách đạt tới cảnh giới này, hẳn cũng đã thấu hiểu nhân sinh rõ ràng và thông suốt.
Sự từng trải và tôi luyện khác nhau trong hoàn cảnh khác nhau; khả năng lĩnh ngộ được đạo lý trong sách cũng sẽ bất đồng. Trăng hàng đêm từ bầu trời chiếu xuống từng tia sáng lấp lánh; bao phủ mỗi không gian trên trần thế, nuôi dưỡng góc hẻo lánh trong tâm hồn chúng ta.
Thời tiết đầu xuân, khi cành liễu mảnh như khói, hoa mai đầu cành còn đang nhẹ cười, hẹn được vài tri kỷ, dọc theo bờ sông tìm mai, ngồi bên mép nước thưởng trà. “Rực rỡ trong vườn vạn đóa hoa, thưởng tâm chỉ có hai ba cành”, cả đời có được vài người bạn có thể cùng nhau thưởng thức, cũng đã là mãn nguyện lắm rồi.
Có tác giả từng viết cách thưởng trà thế này: “Uống trà dưới hiên cửa, trà xanh thanh tuyền, dùng đồ gốm sứ tao nhã để uống, hẹn vài tri kỷ, trộm nửa ngày nhàn rỗi, có thể đổi bằng mười năm mộng trần”.
Có thể “nhàn” mới có thể thấu tỏ nhân sinh
Trong văn chương “nhàn rỗi” mang một sự đạm mạc, thong dong, an tĩnh. Cổ nhân nói “kẻ nhàn thì làm chủ sơn thủy vô thường”. Đúng vậy, văn chương là sơn thủy trên bàn giấy, sơn thủy là văn chương trên mặt đất. Trái tim nhàn rỗi, chính là cấu tạo và khí chất của văn chương.
Nhàn, cũng là hơi thở của tâm hồn tự do sáng tạo. Trước nay, các thi nhân đều là lắng nghe hơi thở của tâm hồn. Những áng văn chương tuyệt vời đều từ sự thư nhàn mà có. Người thư thả, tầm mắt mới có thể khoáng đạt, trong tim có sơn thủy, tâm hồn mới có thể bay bổng. Cuộc sống bận rộn trói buộc khiến người ta không bay cao được.
Đối với từ “bận rộn”, thạc sĩ mỹ học người Đài Loan Tưởng Huân nói thế này: “Bận rộn, chính là cái chết của tâm hồn”. Nghe ông ấy giải thích mà thấy nhói lòng. Đúng vậy, dòng đời tất bật chốn thành phố đông đúc, ồn ào; người ta gặp mặt nhau liền nói đến chính là từ “bận rộn”.
Công việc bộn bề khiến không còn thời gian danh cho chính bản thân mình. Không có thời gian lắng nghe tiếng nói và nhu cầu sâu thăm nơi con tim. Thậm chí, người ta còn không có thời gian với người thân, đi du lịch, không thể lẳng lặng đọc một cuốn sách hay, không thể rảnh rỗi thưởng thức một chén trà thơm.
Chúng ta thử nghĩ đã bao lâu rồi, chưa từng ngẩng đầu lên trời nhìn ngắm vầng trăng sáng trên trời? Hay chỉ quen với ánh đèn điện về khuya vô tình quên mất ánh trăng năm nào buồn bã treo trên cao.
Có bao nhiêu lần, đã bao lâu rồi, không còn thời gian lắng nghe chim hót mùa xuân, ve kêu mùa hạ, tiếng côn trùng mùa thu, tiếng mưa rơi mùa đông?
Mỗi ngày mở mắt ra là đám đông người qua lại hối hả, ồn ào, những dáng người mệt mỏi, gương mặt trông khờ khạo vì thức khuya…. Sao mà giống công giã tràng xe cát hoài trên bờ cát rồi cũng bị nước biển cuốn trôi. Đằng sau sự bận rộn là một trái tim đầy lo lắng, một trí óc đầy toan tính, áp lực cuộc sống…
Có người nói, chừng nào có nhiều tiền mới có thể cảm thấy nhàn hạ. Sao không thử hỏi những tỷ phú, triệu phú xem họ có nhàn hạ được không?
Người nhàn hạ hay không, nó không liên quan đến giàu có, mà là ở tính cách và lối sống mỗi người tự lựa chọn. Còn ham muốn và dục vọng của con người không là bao giờ đủ. Chưa có sẽ muốn có, có rồi muốn nhiều hơn… Nên rằng đừng bao giờ trông chờ đạt được điều gì rồi mới có thể “nhàn”.
Nhàn, vốn là hơi thở của tâm hồn; bận rộn, lại là cái giết chết tâm hồn. Người có một trái tim nhàn rỗi, mới thấy được cảnh đẹp và cảnh giới tuyệt vời của kiếp nhân sinh.
(Nguồn: SOH)