Bí quyết dưỡng tâm rất sâu sắc của Lão tử
Trong nhịp sống hiện đại gấp gáp và áp lực xã hội ngày càng tăng, bên cạnh việc “dưỡng sinh” thì việc “dưỡng tâm” cũng ngày càng được coi trọng. Mà trong số những phương pháp tu dưỡng có ảnh hưởng sâu sắc và phổ quát tại phương Đông thì không thể không bàn đến Đạo của Lão Tử. Cuốn Đạo Đức Kinh mà Lão Tử để lại hàm chứa rất nhiều quan niệm bảo vệ và giữ gìn nội tâm lành mạnh.
Chữ “Đức”: Muốn trường thọ, cải lão hoàn đồng, thì không được rời xa đạo, phải làm được việc lo nghĩ cho người khác trước rồi mới tới bản thân mình, hậu đãi người khác mà nghiêm khắc với mình, lỗi quy về mình, công quy về người, đừng chấp vào ý kiến cá nhân. Nếu có thể vui vẻ phó xuất, tấm lòng nhân hậu, công đức thường tu, tâm ý ngay thẳng, thì tự mình đã có thể bản bổn quy chân, tâm sáng mà thấy chân tính.
Đó chính là điều Lão Tử nói: “Đức vĩnh hằng chẳng rời xa, quay trở lại trạng thái thuần chân của trẻ thơ” (Thường đức bất ly, phục quy ư anh nhi).
Chữ “Dưỡng”
Ít nói để dưỡng nội khí, bớt sắc dục để dưỡng tinh khí.
Nếm vị nhạt để dưỡng huyết khí, nuốt nước miếng để dưỡng tạng khí.
Không phẫn nộ để dưỡng can khí, ăn uống điều độ để dưỡng vị khí.
Điều thai tức để dưỡng phế khí, ít nghĩ suy để dưỡng thận khí, hành sự cẩn trọng để dưỡng thần khí.
Chữ “Tâm”: Vạn Pháp đều nằm ở tâm, vạn Đạo đều nằm ở tâm. Tâm là chủ thể của con người, lại khống chế tinh, thần, khí, nên mọi sự đều phải bắt đầu từ tâm. Tâm có động tĩnh, tâm bất động thì trống rỗng, tâm tĩnh tại thì sáng tỏ, thấy rõ chân tính. Khi trong tâm là “vô”, dùng cái “vô” trống rỗng mà quy chính cái tâm, không động tâm bởi danh thì không còn nhân tâm nào có thể động, ắt sẽ cận kề với Đạo.
Chữ “Thiện”: Dưỡng thiện tính, tồn thiện tâm, hành thiện sự, thiện đãi người khác, khuyên người hành thiện. Bên ngoài và nội tâm đều tồn thiện thì tâm đức và hành vi kiêm toàn. Người người đều hướng thiện thì cái ác tự diệt, quốc thái dân an.
Chữ “Vô”: Tâm không nằm trong cảnh, ở nơi hồng trần mà chẳng vướng bụi trần, động niệm mà như không động niệm, dụng tâm mà như vô tâm. Công phu thượng thừa nhất của Đạo gia là ở chữ “Vô” này.
Chữ “Thiểu”: Tinh nên bớt rò rỉ, thần nên bớt hao tổn, khí nên bớt tổn hại, phúc nên bớt hưởng, lạc thú nên bớt tìm, danh nên bớt đắc, lợi nên bớt tích. Bớt suy nghĩ một phân, thần khí vượng hơn một phần.
Chữ “Tĩnh”: Hình cầu mong tĩnh, tâm cầu mong tĩnh, khí cầu mong tĩnh, khi đả toạ càng cần tĩnh tại. Bình thường nên cầu tĩnh tâm, trong tĩnh lại cầu tĩnh thêm, nơi ồn ào cũng cần có thể tĩnh.
Chữ “Quả”: Quả là ít. Ít nói dưỡng khí, ít nhìn dưỡng trí, ít đắc dưỡng tính, ít dục dưỡng tinh, ít động dưỡng thần, thứ gì cũng ít thì không chuyện gì nhìn không thấu tỏ.
Chữ “Đạm”: Đạm là nhạt. Tâm danh nên nhạt, tâm lợi nên nhạt, tâm sắc nên nhạt, tâm yêu nên nhạt, tâm nóng giận nên nhạt, nghi tâm nên nhạt, tâm hiếu thắng nên nhạt. Tâm gì cũng nhạt thì nơi nào thân cũng an.
Chữ “Vong”: Vong là quên. Quên vật có thể dưỡng tâm, quên tình có thể dưỡng tính, quên cảnh có thể dưỡng thần, quên sắc có thể dưỡng tinh huyết. Quên như vậy thì mọi thứ đều được nuôi dưỡng.