Tứ đại danh y cổ đại Trung Quốc, ai cũng có công năng đặc dị, bản sự phi phàm
Văn hóa Trung Hoa bác đại tinh thâm, mà Trung Y, thuộc văn hóa Thần truyền cũng hết sức huyền diệu tinh vi. Trong đó có một mối quan hệ mật thiết giữa Trung Y và tu luyện mà hầu hết con người không nhận ra.
Những danh y Trung Quốc và những phương thức chữa trị kỳ diệu của họ đã được ghi nhận trong chính sử phương Đông. Truyền thuyết kể rằng, các vị danh y của Trung Hoa cổ đại đều có những khả năng siêu thường. Họ có thể nhìn thấu cơ thể người bằng “thiên mục” hay con mắt thứ ba. Đó cũng là điều thôi thúc nhiều người đặt chân lên hành trình về phương Đông, về với đất nước Trung Hoa để tìm hiểu những điều huyền bí vô tận.
1. Biển Thước: Chữa bệnh bằng mắt
Biển Thước (401 – 310 TCN), tên thật là Tần Hoãn, tự Việt Nhân, hiệu Lư Y, người nước Triệu (thời Chiến Quốc). Ông là một trong những vị thầy thuốc đầu tiên được biết đến vào thời Chiến quốc (770 – 221 TCN).
Thời trẻ, Biển Thước từng làm việc tại một khách quán, tại đây ông gặp một vị khách tên là Trường Tang Quân. Biển Thước cảm thấy Trường Tang Quân cũng không phải là người tầm thường, và rất cung kính lễ độ với ông ấy. Trường Tang Quân cũng đánh giá cao Biển Thước.
Giao lưu hàng thập kỷ, đến một ngày Trường Tang Quân bảo Biển Thước ngồi xuống và nói: “Ta có một phương thuốc bí mật, nay ta đã già rồi, muốn truyền cho ngươi, ngươi nhất định không được tiết lộ cho người khác”.
Trường Tang Quân lấy ra một ít thảo dược và nói: “Hãy pha thuốc này với nước ở hồ Thượng Trì và uống trong 30 ngày. Điều này sẽ giúp ngươi có công năng thấu thị vật thể”. Sau khi đưa thảo dược cho Biển Thước và truyền đạt tất cả những phương thuốc bí mật khác, Trường Tang Quân đột nhiên biến mất.
Biển Thước đã dùng thuốc theo lời hướng dẫn của Trường Tang Quân, nhờ đó có thể cách tường khán vật. Ông trở thành một đại phu chẩn bệnh giỏi. Dù có vẻ như ông chẩn đoán bằng cách bắt mạch, nhưng thật ra ông có thể nhìn thấy vấn đề từ nội tạng của họ. Ông lúc thì hành y tại nước Tề, có khi lại đến nước Triệu.
Biển Thước vận dụng thành thạo 4 kỹ thuật y khoa, được gọi là “tứ chẩn” để bắt bệnh, bao gồm: nhìn, nghe, hỏi và bắt mạch. Ngoài ra, ông cũng rất giỏi dùng các thuật loại trị liệu khác như: châm cứu, phẫu thuật, kê thuốc, xoa bóp…
2. Hoa Đà: Ông tổ khoa phẫu thuật
Hoa Đà (145 – 208), biểu tự Nguyên Hóa, là người ở huyện Tiêu, nước Bái thuộc Dự Châu (nay là Bạc Châu, tỉnh An Huy), là đồng hương của Tào Tháo.
Ông là một thầy thuốc nổi tiếng thời cuối Đông Hán và đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông được xưng tụng như một Thần y nổi tiếng không chỉ trong Trung Quốc mà trong các nước đồng văn hóa như Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc, được xem là một trong những ông tổ của Đông Y. Ông cùng Đổng Phụng và Trương Trọng Cảnh được xưng tụng làm Kiến An tam Thần y; cùng với Biển Thước, Trương Trọng Cảnh và Lý Thời Trân được xem là 4 vị đại danh y nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử.
Hoa Đà nổi tiếng là thầy thuốc giỏi đương thời. Có lần ông đã chữa cho Lữ Bố khi bị gãy chân. Tào Tháo đã mắc bệnh đau đầu trong nhiều năm, sai người triệu ông đến chữa trị. Do thuốc của Hoa Đà hiệu nghiệm, ông được giữ lại trong quân Tào Tháo một thời gian.
Hoa Đà còn được biết đến là thầy thuốc phẫu thuật đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. Theo ghi chép của các nguồn sử liệu, cách đây 1.800 năm, vị thần y này đã có thể thực hiện được các cuộc phẫu thuật ngoại khoa, mổ lồng ngực, sau đó dùng kim chỉ khâu lại như cũ, không khác nhiều so với các thao tác của phẫu thuật hiện đại.
Ông đã sáng tạo ra loại thuốc gây mê và giảm đau “Ma Phí Tán” (trộn rượu và thảo dược) để dùng trong các ca phẫu thuật, điều mà người phương Tây chỉ biết đến sau đó hơn 1.600 năm. Điều này cũng đủ chứng minh y thuật của ông tinh thông cái thế tới chừng nào. Hoa Đà cũng là người phát triển “Ngũ Cầm Hí”, vốn là một môn khí công Đạo gia phỏng theo động tác của năm loài vật: hổ, hươu, gấu, khỉ và chim.
3. Tôn Tư Mạc: Thần y của lòng bác ái
Tôn Tư Mạc (550 – 691) thời Đường được xưng tụng là “Dược vương Tôn Thiên Y”. Ông sinh vào thời Tây Ngụy (535 – 556), thuở nhỏ thường ốm yếu nên lớn lên quyết lập chí học nghề y. Với tư chất thông minh sẵn có, chẳng mấy chốc Tôn Tư Mạc thông hiểu nhiều kinh điển Trung Hoa, trở thành thầy thuốc nổi tiếng nhất thời đại của mình.
Tôn Tư Mạc là một trong những danh y nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử y học Trung Quốc cổ truyền. Tùy Văn Đế đã cố mời ông làm quan, nhưng ông đã từ chối. Ông nói với bạn mình: “Tôi sẽ không làm việc cho triều đình. 50 năm sau sẽ có một đấng minh quân, chỉ khi đó tôi sẽ bước ra giúp đỡ Ngài”.
50 năm sau đã xuất hiện Đường Thái Tông, vị Hoàng đế được tôn sùng nhất trong lịch sử Trung Hoa. Ngài đã mời Tôn Tư Mạc đến kinh đô. Vua Đường rất ngạc nhiên bởi diện mạo trẻ trung của Tôn Tư Mạc. Đường Thái Tông nói: “Ta luôn kính trọng những người tu luyện. Hôm nay, ta rất ấn tượng bởi Tôn Tư Mạc và điều này đã xác thực cho lòng tôn kính của ta”.
Tương truyền, Tôn Tư Mạc sống tới 141 tuổi rồi đi tu tiên. Sau khi qua đời, diện mạo của ông không thay đổi và cơ thể không bị mục rữa mà trở nên rất nhẹ. Khi đưa thi thể ông nhập quan tài, những người khiêng ông chỉ cảm thấy sức nặng của quần áo. Mọi người đã hết sức ngạc nhiên.
Ông cũng là người ứng dụng khí công vào thuật dưỡng sinh. Dù rất tài năng nhưng Tôn Tư Mạc chỉ ở nhà chuyên tâm nghiên cứu y thuật, quyết không ra làm quan. Tôn Tư Mạc rất coi trọng đạo đức của người thầy thuốc, luôn kiên định bảo trì một trái tim từ bi, hòa ái và tấm lòng hy sinh cao cả đối với bệnh nhân, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, già trẻ, đẹp xấu, thân sơ…
Ông đã cống hiến cho nền y học Trung Hoa hai kiệt tác y học là “Thiên kim yếu phương” và “Thiên kim dược phương”, tập hợp và phân loại toàn diện các bài thuốc Trung y.
4. Lý Thời Trân: Bậc thầy của các phương thuốc
Lý Thời Trân (1518 – 1593), tự là Đông Bích, lúc già có hiệu là Tần Hồ sơn nhân, là một danh y và nhà dược học nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Minh, người Kỳ Châu (nay là trấn Kỳ Châu, huyện Kỳ Xuân, địa cấp thị Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc). Ông được xem là cha đẻ của các bài thuốc Trung y và là vị Y thánh tinh thông về các loài thảo dược.
Ông sinh trưởng trong gia đình theo nghề thầy thuốc. Khi Lý Thời Trân sinh ra, có một con nai trắng đi vào phòng. Kể từ khi còn nhỏ, Lý Thời Trân đã được cho là có mệnh học thứ gì đó liên quan đến trường sinh bất tử.
Ngay từ nhỏ ông đã có chí hướng theo nghề y cứu người. Nhưng theo trào lưu xã hội phong kiến Trung Hoa trọng khoa cử để làm quan nên năm 14 tuổi, ông đã đi thi và đỗ tú tài. Tuy vậy, sau ba lần thi cử nhân đều không đỗ, ông đã xin cha mình theo học y thuật và hành nghề thầy thuốc. Sau trên mười năm học tập gian nan, khi trên 30 tuổi, ông đã trở thành một thầy thuốc nổi tiếng khắp vùng.
Cống hiến vĩ đại nhất của Lý Thời Trân là bộ sách “Bản thảo cương mục”. Để biết rõ hình trạng, tính chất, mùi vị, công hiệu,… của các loại thảo dược, dược liệu đông y. Là danh y giỏi về kinh mạch học đông y nên ngoài Bản thảo cương mục, Lý Thời Trân còn viết 11 quyển sách khác, bao gồm: “Sở quán thi”, “Y án”, “Mạch quyết”, “Ngũ tạng đồ luận”, “Tam Tiêu Khách nan”, “Mệnh Môn khảo”, “Thi thoại”, “Tần Hồ mạch học” và “Kỳ kinh bát mạch khảo”.
Trong những năm tuổi già, Lý Thời Trân tự gọi mình là “Tần Hồ sơn nhân”. Ông không những là một y sĩ và nhà nghiên cứu thảo mộc nổi tiếng, mà còn là một người tu luyện, và ông thường ngồi đả tọa luyện công hàng đêm.
Mặc dù Lý Thời Trân tinh thông y học và cũng là người tu tiên, ông rất chú trọng đến Kỳ kinh bát mạch. Ông chỉ ra trong cuốn “Kỳ kinh bát mạch khảo” rằng những người tu tiên nhất định phải biết về Kỳ kinh bát mạch. Ông cho rằng họ sẽ hiểu được thế giới thực tại trong nghề nghiệp của chính họ nếu họ biết về Kỳ kinh bát mạch.
Truyền thuyết kể rằng, các vị danh y của Trung Hoa cổ đại đều có những khả năng siêu thường. Họ có thể nhìn thấu cơ thể người bằng “thiên mục” hay con mắt thứ ba. Theo các kinh sách cổ xưa, thiên mục nằm ở trước trán, hơi dịch lên trên và ở giữa hai hàng lông mày. Thiên mục có thể được khai mở thông qua việc thực hành các môn pháp tu luyện tâm linh. Mặc dù vẫn còn là một ẩn đố, thiên mục được cho là một phần của tuyến tùng quả. Ngày nay, khoa học hiện đại đã công nhận rằng, phía trước tuyến tùng quả có một cấu trúc giống y hệt con mắt người.
Ngày nay, các vấn đề sức khỏe của con người dường như đã vượt khỏi tầm kiểm soát của khoa học hiện đại khi có rất nhiều bệnh mới xuất hiện. Vấn đề này chưa được giải quyết xong thì đã phát sinh thêm vấn đề khác. Đó cũng là điều thôi thúc nhiều người đặt chân lên hành trình về phương Đông, về với đất nước Trung Hoa để tìm hiểu những điều huyền bí vô tận, giải mã nền y thuật cổ truyền nơi đây với hi vọng đem lại cho loài người một cuộc sống khỏe mạnh hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Lan Hòa biên soạn