Cảm xúc tiêu cực biến thành cảm giác đau như thế nào?
Những cảm giác khác nhau có thể dẫn đến những căng thẳng khác nhau trên cơ thể chúng ta.
Đôi khi bạn nghe thấy người khác nói “đau ở cổ” hoặc “đau ở mông” và cho rằng chúng chỉ là những lời nói để mô tả một tình huống khó chịu. Tuy nhiên, những căng thẳng, tổn thương và các vấn đề cảm xúc có thể biến thành cơn đau ở cổ, mông và nhiều vị trí khác trên cơ thể.
Đây là cách nó xảy ra: Khi bạn thất vọng, nản chí hoặc cảm thấy mọi việc đang quá tải, các cơ của bạn sẽ căng lên và sau một thời gian, các lớp của các cơ đó bắt đầu “dính” vào các lớp cơ bên trên và bên dưới chúng. Những vết dính đó được gọi là nút thắt, bạn có thể cảm thấy như có một khối u trong cơ bên dưới bề mặt da. Chúng có thể gây đau đớn, căng tức và thường rất khó để loại bỏ.
Khi bạn thư giãn, các nút thắt cũng có thể giãn ra hoặc giải quyết hoàn toàn. Sau khi mát-xa hoặc khi bạn đi nghỉ, bạn có thể nhận thấy rằng các nút thắt đã biến mất. Đáng buồn thay, rất có thể các nút thắt của bạn sẽ trở lại sau khi bạn quay lại với công việc hàng ngày — một dấu hiệu cho thấy khi bạn thư giãn, cơ bắp của bạn cũng vậy.
Nếu bạn có vấn đề về sức khỏe hoặc đau mãn tính, cảm xúc của bạn và cách bạn nghĩ về cơn đau đó có thể làm giảm bớt hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết rằng việc giữ chặt những cảm xúc tiêu cực, lo lắng về các triệu chứng của bạn và mối lo âu có thể làm cho cơn đau của bạn tồi tệ hơn. Đó là bởi vì cơ thể và tâm trí của bạn được kết nối với nhau và hoạt động cùng nhau. Vì vậy, suy nghĩ, thái độ và nỗi sợ hãi của bạn ảnh hưởng đến cách cơ thể bạn xử lý cơn đau.
Sợ bị đau cũng có thể dẫn đến việc bạn tránh các hoạt động thể chất và xã hội mà bạn đã từng yêu thích. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến một vòng xoáy tiêu cực là mất sức mạnh và chức năng của cơ quan cũng như mất các mối quan hệ xã hội — tất cả các yếu tố góp phần gây ra cảm giác đau cho bạn.
Bạn có thể làm gì với sự đau đớn do cảm xúc tiêu cực gây ra không? Câu trả lời là có, nhưng cần có một vài bước. Trước tiên, hãy nghĩ về cảm giác thực sự của bản thân. Thật dễ dàng để đổ lỗi cho mọi thứ là do căng thẳng, nhưng sẽ hữu ích hơn nhiều nếu xác định chính xác điều gì đang diễn ra với cảm xúc của chính mình.
Ví dụ: “căng thẳng” có thể có nghĩa là bạn đang đối mặt với sự tổn thương, cảm thấy lo lắng về một vấn đề nào đó hay sự kiện sắp xảy ra, hoặc có cảm giác bị choáng ngợp và mất kiểm soát trước những điều diễn ra trong cuộc sống. Khi bạn tiến gần hơn đến những cảm xúc chân thật của mình, điều đó cũng đưa bạn đến gần hơn những gì đang gây ra cơn đau của bạn.
Điều quan trọng là phải hiểu nơi bạn đang cảm thấy đau. Đó là bởi vì những cảm xúc khác nhau có xu hướng được thể hiện bởi các nhóm cơ khác nhau. Tương tự như việc sử dụng các cơ trên khuôn mặt khi bạn vui vẻ và mỉm cười, bạn có xu hướng cảm thấy căng ở phía trên lưng và cổ khi thất vọng và choáng ngợp, đồng thời cảm thấy tức ngực khi lo lắng.
Cơ xương sườn của bạn cũng thể hiện một phần của cảm xúc – cơn đau. Khi bạn vui vẻ, tràn đầy cảm hứng và lạc quan, các cơ xung quanh xương sườn sẽ mở ra lồng ngực và giúp bạn hít thở sâu hơn.
Tuy nhiên, khi bạn chán nản, một nhóm cơ xương sườn khác sẽ co lại, kéo lồng ngực của bạn vào trong và khiến bạn khó thở sâu.
Giải pháp tốt nhất chính là giải quyết hoàn cảnh và cảm xúc đang gây ra nỗi đau cho bạn. Thật không may, điều đó thường là không thể hoặc không thực tế. Đôi khi, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc chung sống với một ông chủ khó tính, đối phó với một đứa trẻ hay quậy phá hoặc chăm sóc cha mẹ già. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh rằng nếu cơn đau của bạn có liên quan đến cảm xúc của mình, bạn có thể “hành động như thể” thay vì tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của cuộc sống.
“Hành động như thể” có nghĩa là bạn có thể:
Mỉm cười. Bằng cách hoạt động các cơ liên quan đến việc mỉm cười, bạn thực sự kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh trong não giúp cải thiện tâm trạng của bạn.
Trau dồi khiếu hài hước của bạn và tìm kiếm lý do để cười. Cười cũng kích hoạt những chất hóa học có lợi cho não bộ.
Mở rộng lồng ngực và hít thở sâu, đặc biệt là khi bạn đang cảm thấy quá sức. Hít thở sâu thường là một trong những bước đầu tiên để thiền định vì nó giúp bạn thư giãn nhanh chóng.
Thiền định. Nó giúp làm dịu não của bạn và giải phóng chất dẫn truyền thần kinh giảm đau.
Chú ý đến tư thế của bạn, điều này rất tốt cho việc mở rộng lồng ngực và khung xương sườn, kéo cơ lưng lên và cho phép bạn hít thở sâu hơn.
Khi bạn đang đấu tranh với những cảm xúc tiêu cực, hãy cố gắng chọn một suy nghĩ tích cực hơn so với suy nghĩ bạn đang có vào lúc này.
Hãy tự chăm sóc bản thân thật tốt, đặc biệt là khi bạn lo lắng, thất vọng hoặc quá tải. Một chế độ ăn uống tốt, ngủ đủ giấc và vận động cơ thể có thể giúp ngăn cảm xúc tiêu cực chuyển thành đau đớn.
Thực tế là mọi người đều phải vật lộn với sự mất mát, hoàn cảnh khó khăn và cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, với sự nhận thức về bản thân cùng một chút nỗ lực, những cảm xúc tiêu cực đó không nhất thiết phải biến thành nỗi đau. Có lẽ những khó khăn chúng ta gặp phải sẽ tôi luyện chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn trong tương lai. Nếu có thể nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, thay đổi tâm tính của bản thân trở nên chân thành hơn, biết suy nghĩ cho người khác nhiều hơn và kiên nhẫn hơn một chút thì mọi muộn phiền trong cuộc sống có lẽ sẽ dễ thở hơn phần nào.
Thảo Nguyên biên tập
Nguồn: epoch times