Câu nói: “Đàn ông sợ sờ đầu, đàn bà sợ sờ eo” nghĩa là gì?
Trong dân gian thường lưu truyền những câu ca dao, tục ngữ, đó chính là một trong những tinh hoa văn hóa của nhân loại, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người, chứa đựng trí tuệ của người xưa và những bài học đúc kết từ kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Mặc dù tục ngữ không toát lên được sự tao nhã như thơ ca hay tản văn, nhưng nó luôn được lưu truyền và tồn tại trong hàng nghìn năm nay, và được người đời luôn thầm ngưỡng mộ từng câu chữ trong đó.
Câu “Đàn ông sợ sờ đầu, đàn bà sợ sờ eo”, cũng là một trong những câu tục ngữ chứa đựng nhiều nội hàm sâu sắc mà người xưa để lại. Vậy, tại sao lại có cách nói như vậy?
Đàn ông sợ sờ đầu
Xã hội cổ đại xưa là xã hội nam quyền, địa vị của người nam luôn cao hơn người nữ. Người nam lo chuyện ngoại giao bên ngoài xã hội, người nữ lo chuyện trong gia đình. Người phụ nữ thông thường không dễ mà tiết đầu lộ diện, nếu không thời đó sẽ được coi là “phóng túng thiên tính”.
Thời đó, đàn ông thường để tóc dài. Trong mắt người xưa, đầu của người nam là bộ phận quan trọng nhất, chỉ người thân hoặc trưởng bối mới được sờ vào đầu trẻ nhỏ. Khi người khác có mối quan hệ không thân, mà chạm vào đầu người nam, thì điều đó được xem là không tôn trọng họ, thậm chí là coi thường đối phương.
Vào thời cổ đại, thân phận của một người còn phụ thuộc vào quần áo và mũ mà người đó mang. Chiếc mũ được đội trên đầu, thể hiện rất nhiều ý nghĩa trong đó. Vì vậy, không thể tùy tiện chạm vào đầu người nam, vì nó thể hiện lòng tự trọng của họ. Nếu ai tùy tiện chạm vào, nghĩa là đang thật sự xúc phạm họ.
Đặc biệt là người phụ nữ thì càng không nên chạm vào đầu của người đàn ông, thiên tính của người phụ nữ là: Lương thiện, khiêm nhường, dịu dàng và luôn luôn nhún nhường. Nếu một người phụ nữ chạm vào đầu người đàn ông thì sẽ thể hiện rằng, đây là hành vi thiếu tôn trọng và tùy tiện trong cách hành xử.
Hơn nữa, trong thuyết ngũ hành, người đàn ông thuộc tính dương, bộ phận đầu của người đàn ông là nơi hội tụ của dương tinh (tinh khí của dương), kiêng kỵ đụng chạm vào.
Người phụ nữ sợ sờ eo
Cách nói: “Người phụ nữ sợ sờ eo”, đọc câu chữ trên bề mặt, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra. Cổ nhân xưa có câu: “Nam nữ thụ thụ bất thân”, nếu không phải vợ chồng hay ái nhân, giữa nam và nữ không được tiếp xúc quá thân cận, cần phải giữ một khoảng cách nhất định. Điều này có nghĩa là, nam nữ không được tiếp xúc cơ thể quá gần gũi, ngay cả việc đưa đồ cũng cần phải hết sức cẩn trọng. Thời xưa, phụ nữ rất coi trọng lễ tiết và cách ăn mặc, phụ nữ thậm chí còn phải quấn quần áo dài vào mùa hè để tránh cho vùng da dưới cổ bị lộ, chứ chưa nói gì đến bộ phận eo, lưng.
Hơn nữa, vùng eo của người phụ nữ là vùng nhạy cảm, nếu đụng chạm vào thì sẽ coi đây như là hành vi “dâm tục”, vào thời cổ đại, đây là điều tuyệt đối không đúng đắn, người phụ nữ chỉ có thể có hành động thân mật với chồng của mình, nếu không thì được coi là biểu hiện của sự thiếu trinh tiết, không trong sáng.
Phụ nữ sợ sờ chân
Thời xưa đôi chân của người nữ cũng rất được coi trọng. Khi người nữ đang rửa chân, thì không thể để người khác nhìn thấy, chứ đừng nói đến việc chạm vào. Và người ta thường nói “sen vàng ba tấc”, cũng là ý nói đến thẩm mỹ quan thời bấy giờ.
Tất nhiên, phong trào bó chân nhỏ sau đó đã bị bãi bỏ. Nhưng ngay cả ngày nay, phụ nữ vẫn không ngừng chăm sóc đôi chân của mình, họ thường sử dụng nhiều sản phẩm chăm sóc da khác nhau để tránh những hiện tượng không đúng đắn như nứt nẻ hoặc bong tróc da chân. Vì vậy, đối với phụ nữ, đôi chân quan trọng không kém gì đầu của nam giới, hay là bộ phận vùng eo, đều không được đụng tới.
Ngoài ra, cũng có người cho rằng, đầu của người nam, chân của người nữ và eo lưng đều là những nơi tụ phúc khí trên cơ thể. Nếu ai đó chạm vào thì rất dễ bị mất đi phúc khí.
Tất nhiên, với sự thay đổi của xã hội, tư tưởng con người hiện đại đã khác trước rất nhiều. Ngày nay, giữa nam và nữ khi ứng xử với nhau, họ tự do vỗ vai nhau, giữa những người bạn với nhau có thể chạm vào mặt, có khi chạm đầu, ôm eo, cũng là chuyện thường, không còn giữ phép tắc, lễ tiết nữa, đã trở nên phóng túng hơn rất nhiều so với trước đây.
Chỉ là ở nơi công cộng, vẫn phải chú ý, “Nam không chạm vào đầu, nữ không chạm eo và chân”, đây là điều cấm kỵ và là lễ tiết cơ bản trong phép xã giao ở nhiều nơi. Bởi vậy, trong giao tiếp giữa người với người, chúng ta cần hết sức cẩn trọng về phương diện này, đây cũng là phép tắc cơ bản thể hiện lễ tiết cũng như sự giáo dưỡng của một cá nhân.
Nguồn: Alobuowang
Lan Hòa