Câu tục ngữ: “Nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đến ngay” có ý nghĩa gì, vế sau còn thú vị hơn
Tào Tháo là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử, ông là nhà chính trị quân sự kiệt xuất cuối thời kỳ Đông Hán, là người có rất nhiều “tai mắt”, hành sự mau lẹ, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. “Nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đến nay”, câu này dùng để hình dung một người bất ngờ xuất hiện trước người nói và mang lại bất ngờ cho người khác.
Ý nghĩa của câu “Nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đến ngay”
Cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, Tào Tháo dựa vào văn võ song toàn, từng bước mở rộng phạm vi, cuối cùng thành lập nước Ngụy, hình thành Tam quốc: Ngụy, Thục và Ngô.
Sử sách ghi chép lại: Tào Tháo là một đời kiêu hùng được người đời cho rằng “trị thế chi năng thần, loạn thế chi gian hùng”, tức là: bề tôi giỏi thời thịnh trị, gian hùng thời loạn. Sự tích của ông chắc hẳn mọi người đều đã nghe qua.
Trong dân gian lưu truyền rằng:
Trong lúc Hán Hiến Đế bị liên quân Lý Giác và Quách Tị đuổi bắt. Nhiều người hiến kế đề cử Tào Tháo, nói rằng Tào mới lập được công dẹp yên giặc khăn vàng ở Thanh Châu, nên có khả năng cứu giá. Trong khi thư vẫn chưa tới nơi, thì liên quân Lý Quách đã đánh đến. Trong tình thế vô cùng cấp bách, Tào Tháo đã hạ lệnh cho Hạ Hầu Đôn xuất quân hộ giá kịp thời, đánh tan quân Lý Quách. Sau đó Tào Tháo được phong thăng quan tước. Nên từ đó mới có câu: “Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến”.
Tuy nhiên, trong Tam quốc lại ghi chép lại rằng:
Sau khi Tào Tháo chinh phạt Đổng Trác, đã đảm nhiệm chức vụ thái thú Đông Quận. Lúc ấy giặc khăn vàng lại nổi lên ở Sơn Đông, ông cùng với Tương Bào Tín ở Tề Bắc chinh phạt quân Hoàng Cân, chiêu hàng hơn 30 vạn quân đầu hàng. Từ đó Tào Tháo uy danh ngày càng lớn, được triều đình phong chức làm Trấn Đông tướng quân.
Đổng Thừa, Dương Phụng sau khi hộ giá đến Lạc Dương, nhưng lo sợ Lý Giác, Quách Tị tới đánh chiếm, tấu xin Hán Hiến Đế gọi Tào Tháo vào triều, phụ trợ Vương Thất. Tào Tháo sau khi tiếp chỉ, điều hết quân ở Sơn Đông đến Lạc Dương hộ giá. Tào Tháo vừa tới thành Lạc Dương thì liên quân Lý Giác và Quách Tị cũng vừa kéo đến tấn công Lạc Dương. Từ đó mới có câu “Nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến”, ý nói Tào Tháo đến cứu giá kịp thời.
Phía sau còn một vế đặc biệt hơn
Thực ra, câu trên vẫn còn bị thiếu mất nửa câu sau, nói đầy đủ phải là: “Vừa nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đến, thoát ngay trước mắt, há không đáng cười”.
Hồi thứ 20 trong cuốn “Tam Quốc diễn nghĩa” đề cập đến nội dung “Đào Cung Tổ tam nhượng Từ Châu, Tào Mạnh Đức đại chiến Lã Bố”.
Hóa ra, Tào Tháo và Lã Bố từ trước giờ luôn xảy ra mâu thuẫn, một lần Tào Tháo xuất binh đánh dẹp Lã Bố, Lã Bố giăng bẫy, Tào Tháo không may bị đánh bại. Cuối cùng, Tào Tháo đã trốn thoát dưới sự yểm hộ của binh lính.
Lã Bố không can tâm để Tào Tháo chạy thoát thân như vậy, bèn đuổi theo Tào Tháo. Tiếc là trên đường không thấy dấu chân của Tào Tháo, ông chỉ nhìn thấy một tên tiểu binh nhếch nhác. Lã Bố liền bắt tên tiểu binh lại.
Tên tiểu binh thấy vậy lấy tay che mặt, thúc ngựa đi thẳng. Lã Bố ở đằng sau xán ngựa lên, cầm ngọn kích gõ vào mũi Tào Tháo hỏi rằng “Tào Tháo ở đâu?”. Tên tiểu binh liền chỉ tay về phía trước và đáp: “Người cưỡi ngựa vàng ở phía trước”.
Sau khi nhẹ dạ cả tin lời của tên tiểu binh, Lã Bố nhanh chóng đuổi theo hướng đó. Đáng tiếc là Lã Bố không thể đuổi theo Tào Tháo, bởi vì tên tiểu binh đó không phải ai khác, mà chính là Tào Tháo mà Lã Bố muốn bắt. Tào Tháo vì thế mà may mắn thoát kiếp nạn.
Sau khi Lã Bố biết chân tướng sự việc, ông đã vô cùng hối hận, nhưng có truy đuổi nữa cũng không thể đuổi kịp, Tào Tháo đã biến mất từ lâu.
Kẻ thù đứng ngay trước mắt mà Lã Bố lại không nhận ra, cho nên khi đó mới lưu truyền câu nói “Nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đến; thoát ngay trước mắt, há không đáng cười”.
Tuy nhiên, câu này tuy là châm biếm Lã Bố, nhưng cũng ám chỉ Tào Tháo chạy trốn vào tình trạng thật bi thảm. Sau này, Tào Tháo tự lập làm Vương, bức bách bởi quyền uy, nên lúc đó cũng không có ai dám nói lại câu ấy nữa.
Lan Hòa
Nguồn: Secretchina