“Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân” được hiểu thế nào?
Cổ nhân có câu: “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”; mang ý nghĩa thâm sâu về bậc chân nhân trong xã hội. Ngày nay liệu câu nói này có còn đúng?
Bậc chân nhân ngày xưa là những người có trí tuệ siêu phàm; và họ sẽ không bao giờ khoe khoang hiển thị tài năng vốn có mà sẽ khiêm tốn, ẩn mình khiến người khác khó lòng nhận ra.
Câu này còn có nhiều nội hàm khác rằng, người có địa vị, có thân phận đặc biệt thường không để lộ ra ngoài; cũng như cao thủ đích thực sẽ không tùy tiện khoe khoang võ nghệ trước đám đông.
Một điển cố liên quan đến nguồn gốc câu nói “chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”
Thời Xuân thu Chiến quốc, có một cậu thanh niên tên là Ôn Như Xuân, xuất thân từ gia đình giàu có. Từ nhỏ cậu đã đam mê âm nhạc, rất thích chơi đàn, khi lớn lên còn có thể tự sáng tác ca khúc. Vì có tài nghệ nên Ôn Như Xuân thường hay khoe khoang tài năng của mình trước người khác.
Trong một lần đi du ngoạn Sơn Tây, Như Xuân cưỡi ngựa qua một ngôi miếu thì nhìn thấy một vị đạo sĩ đang ngồi tĩnh tọa. Bên cạnh đạo sỹ có một chiếc túi màu xám, một góc của cây đàn cổ để lộ ra bên ngoài miệng túi.
Như Xuân thấy thế thầm nghĩ: “Lão đạo sĩ này cũng biết chơi đàn sao?” Anh bèn đến gần rồi hỏi: “Xin hỏi ngài biết chơi đàn chứ?”
Đạo sĩ nghe thấy mở mắt khiêm tốn trả lời: “Cũng biết đôi chút! Tôi đang định tìm cao nhân bái sư học đàn”.
Như Xuân nghe vậy trong lòng liền cao hứng, muốn thể hiện tài năng của mình cho vị đạo sĩ xem. Anh nói: “Thế thì để tôi đàn cho ông xem”.
Đạo sĩ lấy cây đàn trong túi đưa cho Ôn Như Xuân. Anh ta nhận lấy rồi ngồi xuống đất bắt đầu gảy đàn. Mới đầu anh tùy hứng gảy một bài, nghe xong đạo sĩ chẳng nói gì chỉ mỉm cười. Thấy vậy Như Xuân cảm thấy không vui bèn đem hết tài nghệ của mình ra chơi một bài khác. Nghe xong vị đạo sĩ cũng vẫn nét mặt ấy không nói một lời… Lúc này anh ta nổi giận nói: “Sao ông không nói gì, có phải tôi đàn không hay?”
Đạo sĩ trả lời: “Cậu đàn cũng được, nhưng không phải là người mà tôi muốn bái làm thầy”.
Nghe vậy Như Xuân vừa bực tức, mất kiên nhẫn vội nói: “Ông chơi đàn giỏi, thế thì hãy chơi một bài để tôi mở rộng tầm mắt xem nào!”
Đạo sỹ từ tốn, chẳng nói chẳng rằng, cầm cây đàn vuốt nhẹ vài cái, rồi bắt đầu gảy. Tiếng đàn vang lên, âm thanh như tiếng nước chảy réo rắt, lại như tiếng gió chiều hiu hiu; đàn chim không rõ từ đâu bay đến đậu trên cây cổ thụ gần đó. Còn Như Xuân thì nghe ngất ngây lòng, quên cả cơn tức giận, như thả hồn theo tiếng đàn…
Nhạc đã ngưng nhưng người Ôn Như Xuân vẫn còn thơ thẩn; trên mặt biểu hiện sự lưu luyến như muốn được nghe tiếp. Lúc tỉnh lại, anh biết rằng mình đã gặp cao nhân, lập tức quỳ xuống trước mặt đạo trưởng xin làm đệ tử.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện lịch sử Trung Hoa. Người tu luyện trong đạo gia khi đắc đạo thường xưng là chân nhân; vậy nên người xưa căn cứ từ điển cố đó mà đúc kết ra câu “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân”.
Câu chuyện về một “bậc chân nhân – Phượng Sồ” thời Tam Quốc Diễn Nghĩa
Trong ‘Tam quốc diễn nghĩa’ cũng có một nhân vật khá nổi tiếng ứng với câu nói này.
Tử Kính tiên sinh từng nói với Lưu Bị: “Ngọa Long, Phượng Sồ có một trong hai người thì đủ để an định thiên hạ”. Có thể thấy tài năng của Phượng Sồ (tức Bàng Thống) không thua kém gì Ngọa Long (tức Khổng Minh). Nếu Khổng Minh là rồng thì Bàng Thống là phượng.
Vì để thử lòng Lưu Bị nên Phượng Sồ sau khi đến Kinh Châu liền che dấu danh tính của mình. Ông lấy tên là Long Quảng tham gia kỳ thi tuyển chọn người tài. Lưu Bị sau khi xem qua một lượt các bài luận thì thấy bài của Long Quảng là hay nhất. Lưu Bị liền sai người gọi Long Quảng vào gặp. Nhưng khi nhìn thấy dáng vẻ xấu xí của Long Quảng ông tỏ vẻ ngạc nhiên và có chút nghi ngờ; ông liền quay sang hỏi nhỏ Công Hựu: “Bài luận này có đúng là do hắn viết không?”
Công Hựu trả lời: “Đúng”.
Hiểu ý Lưu Bị, Công Hựu nói thêm: “Thưa chủ công, Long Quảng tài trí không tuệ nhưng tướng mạo quá xấu xí. Nếu đảm nhiệm trọng trách, e là sẽ làm mất sự uy nghi của quan nhà Hán; theo ý của tại hạ thì…”
Lưu Bị hỏi: “Thì sao?”
Công Hựu lui ra xa rồi lớn tiếng bẩm báo nhằm cố ý cho Phượng Sồ nghe: “Chủ công, Long Quảng tuy có tài học, nhưng không biết có tài trị nước hay không? Cứ cho ông ta làm viên tri huyện trước để coi thật sự có tài không? Nếu có học vấn thật thì hẳn trọng dụng cũng chưa muộn.”
Lưu Bị: “Được, người làm quan chủ khảo thì cứ theo ý ngươi mà làm; cho Long Quảng tiên sinh nhận chức tri huyện Lỗ Dương đi”.
Ba tháng sau, khi Trương Phi đến Lỗ Dương được chứng kiến tài năng xuất chúng của Long Quảng thì mới biết đây là cao nhân. Ông lập tức quay về bẩm báo với đại ca. Lưu Bị sau khi biết tin bèn vội vàng đến gặp Phượng Sồ nhận lỗi.
Vậy nên câu “Chân nhân bất lộ tướng, lộ tướng bất chân nhân” còn có ý khuyên mọi người nên biết sống khiêm nhường và không nên đánh giá người khác qua cử chỉ, dáng vẻ bên ngoài.
Trong ‘Thái Căn Đàm – Lập đức tu thân” có viết: “bậc chính nhân quân tử có tu dưỡng đạo đức thì hành vi tư tưởng của họ luôn quang minh lỗi lạc, không làm việc mờ ám phải che giấu. Họ có tài năng sáng như châu như ngọc, nhưng không dễ dàng hiển lộ ra ngoài khiến người khác lóa mắt”. Những lời này bình này rất sâu sắc và có đạo lý đáng học hỏi.
Quả thật, không chỉ cao nhân mà bậc quân tử ngày xưa cũng thường là người muốn ẩn giấu tài năng của mình.
(Nguồn: Tinh Hoa)