Chàng trai tây Đức bay xuyên qua hệ thống phòng không nghiêm ngặt nhất Liên Xô
Ở tuổi 19, Mathias Rust một thanh niên tây Đức đã gây chấn động thế giới khi lái máy bay vượt qua mạng lưới phòng không dày đặc của Liên Xô để đáp xuống khu vực Quảng trường Đỏ.
Mathias Rust là một phi công trẻ nghiệp dư của Cộng hòa Liên bang Đức vào thời điểm đó và cũng là một người rất thích tìm kiếm sự mạo hiểm. Sau chi xem tivi ở nhà cha mẹ ở Hamburg, cậu cảm thấy chiến tranh lạnh ở Nga và Mỹ ngày càng rơi vào bế tắc, cậu muốn làm cái gì đó để thay đổi bầu không khí căng thẳng này.
Vào năm 1987, cậu thanh niên này chuẩn bị bay đến nơi được mệnh danh là có mạng lưới phòng không nghiêm ngặt nhất thế giới – Liên Xô. Vào thời điểm đó, chỉ trong một đoạn ngắn từ sông Elbe đến ngoại ô Moscow được lắp đặt hơn 700 radar cùng vô số tên lửa phòng không. Khi đó bên phòng không liên xô tự hào rằng, với mạng lưới phòng không nghiêm ngặt như vậy, ngay cả một con ruồi cũng đừng hòng bay được đến Moscow.
Ngày 13/5/1987, Rust nói với cha mẹ sẽ thực hiện một chuyến đi tới bắc Âu để tích lũy giờ bay, nhằm có được bằng phi công chuyên nghiệp. Sau khi thuê được chiếc máy bay một động cơ Cessna 172 Skyhawk và chuẩn bị mọi thứ cần thiết, bao gồm vài thùng nhiên liệu, Rust bắt đầu hành trình bay đến nước Nga. Chiếc máy bay nhỏ do Rust cầm lái cất cánh từ sân bay ở Hamburg (Đức) vào ngày 13/5/1987
Sáng 28/5/1987, Rust thông báo với đài kiểm soát không lưu ở Helsinki về việc sẽ đi tới Stockholm, Thụy Điển. “Nửa giờ trước khi khởi hành, tôi có quyết định cuối cùng. Tôi đổi hướng 170 độ và tiến thẳng về Moscow”. Trên đường bay đến nơi nổi tiếng với mạng lưới phòng không nghiêm ngặt của Liên Xô, Mathias Rust lại hoàn toàn không hề gặp phải bất kỳ chướng ngại nào và cứ thế bay thẳng đến bầu trời Quảng đường Đỏ ở Moscow.
Ngày hôm đó là Lễ kỷ niệm Quân đội biên phòng của Liên Xô, tại quảng trường Đỏ có rất nhiều người tham gia hoạt động được tổ chức ở đó. Sau khi Mathias lượn vài vòng trên bầu trời quảng trường Đỏ, anh đáp xuống Vasilevsky Spusk bên cạnh quảng trường, gần cung điện Kremlin – trung tâm của thủ đô Moscow. Khi ấy người dân Moscow còn nghĩ đó là tiết mục biểu diễn chúc mừng, lúc Mathias đáp xuống, mọi người còn thi nhau đến chụp ảnh cùng anh. Hai tiếng sau, quân đội Liên Xô đã đến áp giải anh đi. Tòa án Liên Xô cũ đã kết án Mathias 4 năm tù giam, nhưng nhờ sự can thiệp ngoại giao, một năm sau anh Mathias được bảo lãnh ra ngoài, cha mẹ đón anh về Cộng hòa Liên bang Đức.
Sự kiện Quảng trường Đỏ này đã khiến cho mạng lưới phòng không nghiêm ngặt nhất mà Liên Xô xây dựng trở thành trò cười đối với quốc tế. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô khi đó – Chỉ huy Sergei Sokolov cùng Tư lệnh Lực lượng Phòng không Liên Xô Alexander Koldunov và khoảng 300 tướng có liên quan trong vụ việc bị cách chức điều tra, trong đó có rất nhiều người đều là tướng cấp cao trong quân đội như Thượng tướng, Trung tướng v.v…
Sau sự kiện trên, Liên Xô đã đưa ra lời giải thích về việc vì sao lại không ngăn cản máy bay của Mathias Rust:
Một là, vào năm 1983, Liên Xô đã bắn rơi một chiếc máy bay dân dụng của Hàn Quốc, gây thiệt hại lớn về người, khiến cho Liên Xô bị quốc tế lên án. Vì vậy, kể từ đó Liên Xô đã ra lệnh không được tùy tiện bắn các máy bay dân dụng, vậy nên họ đã không có bất cứ hành động nào đối với máy bay của Mathias Rust.
Thứ hai, họ đã phát hiện khi Mathias bay vào không phận và đã dùng tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Đức để cảnh báo, nhưng Mathias Rust không hề đáp lại.
Thứ ba, khi đó Moscow đã tắt hệ thống tự động kiểm soát mạng lưới phòng không nên Mathias Rust mới có thể thuận lợi bay vào không phận và hạ cánh ở Quảng trường Đỏ.
Còn qua lời kể của Mathias Rust và nguồn tư liệu về việc 300 tướng lĩnh bị cách chức thì cho thấy hệ thống radar Liên Xô có phát hiện ra, nhưng chưa có lệnh khai hỏa nên họ không có hành động gì vì họ nghĩ rằng đó là một sinh viên Liên Xô đang tập lái máy bay. Sau đó một chiến đấu cơ Mig-23MLD tiếp cận sát chiếc máy bay, xong họ lại nhầm đó là chiếc may bay của Liên Xô đang tìm kiếm máy bay rơi.
Những gì chàng thanh niên người Đức làm đã tạo nên một cú sốc lớn đối với Moscow và thế giới, cũng là giáng một đòn mạnh đối với quân đội Liên Xô, hơn 300 tướng lĩnh bị cách chức quả thật là một sự chấn động lớn. Theo lời kể của Thượng tướng không quân Klaskovski được ghi lại trong sách “Lật lại những trang hồ sơ mật”, Tổng Bí thư Gorbachev đã nhân cơ hội này thanh trừng các tướng lĩnh quân đội có ý chống đối lại công cuộc cải tổ của ông ta.
Biên tập Thông Lộ
Tham khảo nguồn Tinhhoa.net