Chỉ cần học con ve cái kiến cũng có thể trở thành kẻ thắng trận
Người ta thường có xu hướng truy cầu những bí quyết, những công thức phức tạp cho sự thành công. Tuy nhiên họ chỉ càng làm phức tạp mọi thứ lên mà thôi. Thử một lần làm đơn giản chính mình bằng cách xem những con ve cái kiến tồn tại giữa thiên nhiên. Chỉ cần học con ve cái kiến cũng có thể trở thành kẻ thắng trận.
Ve sầu nằm đất
Einstein đã nói thế này: “Nếu tôi chỉ có 1 giờ để trả lời một câu hỏi có thể quyết định sự sống hay cái chết của tôi, tôi sẽ dành ra 55 phút để xác định vấn đề và chỉ cần 5 phút để giải quyết vấn đề đó”.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa“, có một đoạn. Vào năm 249, Tư Mã Ý phát động chính biến Cao Bình Lăng và khuất phục được tướng quân Tào Sảng (của triều đại Tào Ngụy).
Thua trận, Tào Sảng tức giận nói với Tư Mã Ý: “Ngươi chỉ mất một ngày đã chiếm được đất nước do bốn đời quân chủ và bộ hạ của tộc Tào chúng ta lập ra”.
Tư Mã Ý thở dài nói: “Ta chỉ vung kiếm 1 lần, nhưng đã phải mài kiếm hơn 10 năm”.
Thâm ý trong câu nói của Tư Mã Ý rất rộng. Nó cho thấy bất kỳ loại thành công nào trên đời cũng không thể đạt được trong một sớm một chiều. Đằng sau tất cả những thành tựu có được là những gian khổ không biết bao nhiêu là mồ hôi hay nước mắt.
Trong thế giới động vật, loài ve sầu cũng vậy. Trước khi cất tiếng kêu gọi hè, chúng đã phải chịu nằm yên, không hoạt động trong vài năm dưới mặt đất tối tăm. Chúng chịu đựng sự cô đơn, hút nhựa rễ cây. Rồi khi thời điểm chín muồi đến, chúng bứt khỏi mặt đất, bay lên trời và hát cho một mùa hè chói chang.
Đến cuối cùng thì: Người có khả năng làm rung chuyển thế giới, sẽ phải im lặng trong một thời gian dài, chịu đựng những tháng ngày không ai quan tâm. Năm tháng ấy, họ vô hình trong mắt người khác. Nhưng có sao đâu, muốn có dầu-có lửa thì trước tiên phải học cách tích lũy sức mạnh trong im lặng. Rồi thời gian sẽ cho ta trái ngọt như ta mong muốn!
Những chú kiến lười biếng
Nhóm nghiên cứu sinh học tiến hóa tại Đại học Hokkaido, Nhật Bản đã từng tiến hành một thí nghiệm. Họ theo dõi đàn kiến và quan sát sự phân công lao động của chúng. Người ta thấy rằng hầu hết các loài kiến đều siêng năng dọn dẹp tổ, mang thức ăn và chăm sóc kiến non, ít thấy chúng nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, một số lượng nhỏ kiến khác không có việc gì làm và nhìn quanh quẩn cả ngày. Các nhà sinh vật học Nhật đã gắn thẻ cho những con kiến này là những chú “kiến lười biếng”.
Điều thú vị không kém phần ngạc nhiên là khi nhóm nghiên cứu cắt nguồn thức ăn của đàn kiến, những con kiến thường ngày chăm chỉ ngay lập tức trở nên khủng hoảng và thành một mớ hỗn độn.
Ngược lại, những chú “kiến lười biếng” không hề vội vàng mà dẫn đàn kiến di chuyển đến nguồn thức ăn mới. Hóa ra, những chú kiến lười biếng không phải lười biếng mà dành phần lớn thời gian để suy nghĩ và dò la nguồn thức ăn mới. Chúng đã tạo nên “hiệu ứng kiến lười biếng” nổi tiếng.
“Cần cù có thể bù thông minh?” – có thể được, nhưng khó!
Có người thường lúng túng, rụt rè trước nhiệm vụ mới và sợ những thử thách gian khổ. Dù họ điên cuồng làm việc ngày đêm nhưng sự nghiệp lại không có gì tiến triển. Họ lâm vào vòng luẩn quẩn của câu hỏi “Tại sao?”.
Việc dừng lại, kiểm tra bản thân, làm mới và sáng tạo không ngừng sẽ có ý nghĩa then chốt hơn so với việc cứ lao về phía trước một cách tù mù.
Động vật còn làm được điều đó, há chăng con người lại không?
Vũ Nam biên tập.
Nguồn: trithuctre.