Chỉ có chân thật mới làm nên giá trị của một con người
Mỗi chúng ta hẳn đều từng nói dối tại một số thời điểm. Tuy nhiên, đừng để những lời nói dối không hợp lý và thường xuyên trở thành thói quen xấu của bạn.
Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đứng trước sự lựa chọn: nói thật hay nói dối? Vì đôi khi sự thật sẽ làm người khác bị tổn thương. Hay vì một lý do nào nào đó khó nói thì chúng ta thường dùng những lời nói dối để động viên, hay an ủi người khác.
Thế nhưng dù ở trong bất cứ tình huống, hay hoàn cảnh nào thì lời nói dối cũng không hợp với thiên lý.
Có thể lời nói dối của bạn sẽ xoa dịu đi buồn phiền hay nỗi đau của người khác lúc đó, nhưng sau đó nếu họ phát hiện ra sự thật thì họ sẽ càng buồn và đau lòng hơn. Vậy chẳng phải là bạn muốn tốt nhưng lại vô tình làm hại họ sao.
Trên thực tế nói dối chính là không chân chính. Những người nói dối không muốn chịu trách nhiệm cho hành động của họ nên thường bẻ cong sự thật để kiểm soát tình huống tạm thời.
Tuy nhiên, một khi mọi người phát hiện ra rằng bạn là một kẻ nói dối theo thói quen, dần dần sẽ không còn ai tin bạn nữa, mà niềm tin một khi đã mất thì rất khó lấy lại được.
Có một câu chuyện ngụ ngôn như thế này: Ở một khu làng nọ có một chú bé chăn cừu rất nghịch ngợm và hay nói dối. Một hôm, đang chăn cừu ngoài đồng, chú bỗng chạy về làng kêu toáng lên rằng: “Cứu tôi với, có chó sói về bắt đàn cừu!”.
Tất cả người trong làng đều vội chạy ra xem tình hình thế nào để tìm cách đuổi sói đi, và thế là đã bị mắc lừa vì thật ra chẳng có con sói nào cả.
Trong lúc mọi người tức giận thì chú bé kia được một trận cười khoái trá.
Sau vài lần như vậy, chó sói về thật. Chú bé chăn cừu lại hét lên cầu cứu, nhưng không ai giúp chú nữa vì mọi người nghĩ đó lại là lời nói dối như những lần trước. Và kết quả là đàn cừu bị chó sói thịt mất.
Trong cuộc sống, chúng ta hẳn đều từng nói dối tại một số thời điểm. Tuy nhiên, đừng để những lời nói dối không hợp lý và thường xuyên trở thành thói quen xấu của bạn. Bởi nếu chân thật là chìa khóa chiếm lòng tin từ mọi người, thì dối trá chính là cắt đứt sợi dây niềm tin từ mọi người.
Vì vậy đừng để thói quen dối trá làm hại chính bạn. Nhân vô thập toàn, con người không ai là hoàn hảo cả, dù vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù bạn có lỡ làm sai điều gì thì cũng hãy thành thật nhận lỗi để sửa sai.
Có một câu chuyện như thế này: Khi George Washington lên 6 tuổi, cậu được tặng một cái rìu, và giống như phần lớn các bé trai khác, cậu rất thích thú. Cậu chặt vào mọi thứ trên đường đi nếu bắt gặp.
Một ngày, khi lang thang gần khu vườn và rất khoái chí chặt vào những cây đậu của mẹ, cậu phát hiện ra một cây anh đào nhỏ giống Anh Quốc xinh xắn, cái cây mà cha cậu yêu quý nhất. Cậu lấy rìu chặt thử vào thân rồi lột vỏ cây khiến nó chết khô.
Một thời gian sau, cha cậu phát hiện ra điều gì đã xảy ra với cái cây yêu quý của ông. Ông bước vào nhà trong sự giận dữ cực độ và gặng hỏi ai là kẻ tinh nghịch đã lột vỏ cây. Không ai có thể trả lời ông câu hỏi đó. Nhưng vừa lúc ấy George, với cây rìu nhỏ bước vào phòng.
“George,” người cha hỏi: “Con có biết ai đã hại chết cây anh đào nhỏ xinh đẹp kia trong vườn không?” Một câu hỏi khó trả lời, và trong khoảnh khắc George Washington thoáng do dự, nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh rồi khóc oà: “Con không thể nói dối, cha biết con không thể nói dối! Con đã chặt cây bằng chiếc rìu nhỏ của con”.
Nỗi giận dữ tan biến nhanh trên khuôn mặt người cha, ông âu yếm ôm cậu con trai vào lòng và nói: “Con trai ạ, việc con không sợ nói ra sự thật với cha còn đáng giá hơn cả ngàn cây anh đào, dù chúng có trổ hoa bằng bạc hay là cái cây bằng vàng nguyên chất đi chăng nữa!”
Đúng vậy chỉ có chân thật, chân chính mới làm nên giá trị thật sự của một con người, trên thực tế lời nói chân thật sẽ không làm hại bất cứ ai, ngược lại chân thật sẽ làm cho bạn chiếm được lòng tin từ mọi người, mà bắt đầu nhất chính là lòng tin từ những người thân yêu của mình.
Chân Kiến biên tập