Chị lao công trào nước mắt kể về con gái được học bổng 7 tỉ của Harvard: Thấy con càng giỏi lại càng lo
‘Đến giờ, tôi vẫn chưa biết phải mua gì cho con đem sang Mỹ… Thấy con giỏi vậy, tôi cũng gắng lo, nhưng không biết có lo nổi không. Nghĩ mà thương con quá!’, người mẹ cô gái được học bổng 7 tỉ đồng nói trong tiếng nấc.
Tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Lộc (sinh năm 1972, sống tại TP.HCM), mẹ em Trần Thị Diệu Liên – nữ sinh vừa được học bổng 7 tỉ đồng của đại học Harvard, vào một buổi sáng cuối tuần, song cũng thật khó để gặp chị.
Trong suốt hơn 20 năm gắn bó với nghề lao công, người phụ nữ này hầu như không biết đến cảm giác của ngày nghỉ. Đặc thù công việc vất vả, thù lao không cao, song chị Lộc chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện bỏ nghề, bởi nếu thiếu đồng lương eo hẹp ấy dù chỉ một tháng thôi, hai đứa con gái chị khó có thể no bụng.
Biết tin Diệu Liên được học bổng của một trong những trường đại học danh giá nhất hành tinh, chị Lộc vui lắm nhưng trong lòng vẫn canh cánh trăm ngàn mối lo. Chị lo mai này, khi con gái một mình nơi xứ người, những lúc ốm đau hay cô đơn, ai có thể dang tay chăm sóc như mẹ; rồi chị lại nghĩ về chuyện tiền nong, nếu chẳng may con gái ở bên đó có việc gì cần đến số tiền lớn, cha mẹ nghèo khó biết lấy đâu mà gởi qua… Nói đến đây, nước mắt chị Lộc giàn giụa.
Người mẹ nổi tiếng nhờ con
Khi đến tổ công nhân viên của một trường đại học ở Sài Gòn (nơi chị Lộc làm việc) chỉ cần hỏi chị lao công có con gái học giỏi, không cần nói tên, hầu như ai cũng biết. Một anh bảo vệ còn nhanh nhảu nói: “Em vừa hỏi anh đã nghĩ ngay đến cô bé con chị Lộc rồi, cháu nó học giỏi nức tiếng ở đây”.
Mang chuyện này kể với chị, chị Lộc cười đầy tự hào, đáp: “Không chỉ có mỗi trường đâu mà cả phường này, chỉ cần nhắc đến ‘yếu tố’ học giỏi, ai cũng biết đó là em Liên, con chị. Năm nào cháu cũng nhận giấy khen, phần thưởng khuyến khích học tập của phường, của trường nơi chị làm việc nên mọi người quen mặt, nhớ tên”.
Nhưng niềm tự hào của người mẹ đâu chỉ có vậy, với chị Lộc, chuyện con sinh ra dễ nuôi, biết đọc, biết viết thành thạo từ lúc học mẫu giáo hay việc Liên là người chị hết lòng lo lắng cho em út để bố mẹ yên tâm đi làm kiếm tiền… cũng là những chuyện đáng để kể, để nhớ lắm.
“Đời mình đã lam lũ, truân chuyên, mình chỉ mong sao con cái lớn lên luôn khỏe mạnh, học thành tài để có cuộc sống no đủ hơn cha mẹ. Đến bây giờ, Liên không chỉ khiến tôi cảm thấy an lòng mà những việc em làm còn vượt xa mong đợi của gia đình. Nhìn con hôm nay, tôi vừa mừng, vừa xót..”, chị Lộc nghẹn ngào.
Sự xót xa của chị Lộc đến từ những mặc cảm về hoàn cảnh gia đình. Biết Liên là đứa con ngoan, không đòi hỏi về vật chất hay lấy làm tự ti vì ba mẹ là dân lao động nghèo, học hành chẳng đến đâu, nhưng với chị, việc chưa cho con sống một ngày đầy đủ, có điều kiện phát triển như bạn bè vẫn luôn là một nỗi đau đè nặng lên tâm khảm…
Trước ngày du học, nhìn Liên chăm chú đọc sách tiếng Anh bên chiếc bàn học chật chội bao năm san sẻ với em gái, lòng chị như thắt lại từng cơn.
Đôi mắt người mẹ đỏ hoe nhìn vô định, chị nói mà như thể đang tự sự với chính mình: “Đến giờ, tôi vẫn chưa biết phải mua gì cho con đem sang Mỹ… Thấy con giỏi như vậy, tôi cũng gắng lo, nhưng không biết có lo nổi không. Nghĩ mà thương con quá!”.
Dạy con biết yêu thương, sẻ chia
Cuộc sống mưu sinh bận bịu đã lấy đi của chị Lộc, cũng như bao người mẹ làm nghề lao động khác, những giây phút thoải mái, thảnh thơi thật sự bên con. Bởi vậy nên khi được hỏi: Chị có phương pháp nuôi dạy con nào đặc biệt không? Chị Lộc lắc đầu và nói ngay: “Tôi làm gì có thời gian”.
Khi Diệu Liên xin phép mẹ đến mái ấm tình thương dạy thêm các môn văn hóa cho trẻ khuyết tật, sau giờ học trên lớp, chị Lộc đồng ý ngay. Những khi sắp xếp được thời gian, người mẹ này lại chở con “đi làm” và tranh thủ thăm, tặng quà cho các bé khuyết tật ở các trung tâm Liên đang dạy.
Trên chiếc xe máy cũ bon bon đến các trung tâm từ thiện, chị Lộc không quên dặn Liên: “Sống là phải biết yêu thương và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khổ hơn mình nghe con!”. Có lẽ chị Lộc không nhận ra, nhưng chính suy nghĩ và lối sống tốt đẹp của chị, đã cho Liên những bài học làm người quý giá vô ngần.
Không chỉ có Liên, cô em gái nhỏ, Như Quỳnh cũng sớm biết cách yêu thương và san sẻ. Ngày biết Liên không có máy tính để học, Quỳnh đã đập con heo đất kiên trì “nuôi” trong nhiều năm liền để mua máy tính cho chị. Cô bé thuyết phục chị hai: “Chị cứ lấy tiền này mua thứ chị cần, sau này chắc chắn chị sẽ còn cho em nhiều thứ còn giá trị hơn”.
Nhìn thấy hai con yêu thương, gắn bó với nhau như vậy chị Lộc như được tiếp thêm nhiều động lực để bước qua những ngày tháng cực nhọc, ở bên kia cái dốc nửa đời người.
Những ngày qua, khi tin Liên đạt học bổng 7 tỉ lan truyền cả khu phố, chỉ cần chị Lộc vừa bước chân ra chợ đã có người đon đả tiến lại hỏi thăm, nói lời chúc mừng không ngớt. Ai cũng hy vọng tương lai Liên xán lạn, sớm kiếm được nhiều tiền báo hiếu cha mẹ…
Chị Lộc nghĩ khác. Bao năm qua, lúc nào chị cũng thỏ thẻ nói với con: “Con thấy bố mẹ khổ như vậy, con phải ráng học để sau này có tấm bằng, có nghề, có nghiệp tự nuôi bản thân con. Ba mẹ chưa bao giờ nghĩ sẽ nhờ con nuôi. Mẹ làm việc cực khổ như vậy cũng chỉ mong có chút đỉnh tiền lương hưu, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, miễn sao con thành tài là ba mẹ đã mừng rồi, không đòi hỏi gì hơn”.
Và suy nghĩ đó, đến nay vẫn không thay đổi.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: docbao.123