Chỉ vì hành động “đặc biệt” này của cô giáo đã giúp cậu học trò tự ti trở thành tiến sĩ
Một lời chúc mừng khi thành công đôi khi không giá trị bằng lời động viên, khích lệ khi người khác gặp khó khăn, trắc trở. Thấu hiểu, đồng cảm và thương yêu luôn đem lại năng lượng lớn mạnh, tạo nên những điều đẹp đẽ phi thường, làm tan chảy những trái tim băng giá nhất.
Ngày đầu tiên bước vào năm học, cô giáo Trương đứng trước các học sinh lớp 5, cô nhìn các học sinh của mình và nói, cô sẽ yêu thương và đối xử bình đẳng với tất cả các em. Nhưng dường như cô chưa làm được điều đó, bởi ngay buổi học đầu tiên, cô đã không có ấn tượng tốt đối với cậu học sinh ngồi đầu bàn đầu tiên, cậu bé tên: Lý Đức Huệ.
Cô giáo Trương phát hiện ra rằng, Đức Huệ vốn dĩ không thể chơi và hòa nhập cùng những đứa trẻ khác. Cậu bé ăn mặc luộm thuộm, hơn nữa cũng không được lòng các bạn trong lớp.
Sau đó không lâu, nhà trường nơi cô Trương giảng dạy đã yêu cầu giáo viên xem lại học bạ trong quá khứ của từng học sinh và cô ấy đặt danh bạ của Lý Đức Huệ vào vị trí cuối cùng rồi mới xem. Tuy nhiên, cô đã rất ngạc nhiên khi xem học bạ của cậu bé.
Giáo viên lớp 1 viết: “Đức Huệ là một đứa trẻ thông minh với nụ cười luôn nở trên môi. Bài tập về nhà làm cẩn thận và lịch sự. Cậu bé luôn mang lại niềm vui cho những người xung quanh”.
Giáo viên lớp 2 viết: “Đức Huệ là một học sinh ưu tú, được các bạn trong lớp yêu quý, nhưng em rất đau khổ vì bệnh của mẹ, căn bệnh đã ở giai đoạn cuối và hoàn cảnh sống trong nhà rất khó khăn”.
Giáo viên lớp 3 viết: “Sự ra đi của mẹ Đức Huệ là một cú sốc, gánh nặng tâm lý đối với cậu bé. Cậu bé đã cố gắng hết sức mình, nhưng người cha không có tinh thần trách nhiệm cao. Nếu không áp dụng một số phương pháp giúp cậu bé cảm thấy tốt hơn thì sẽ có ảnh hưởng bất lợi đối với cậu bé.”
Giáo viên lớp 4 viết: “Đức Huệ có tính cách đơn độc, thích thu mình lại và không có hứng thú đối với việc học. Cậu bé thậm chí không có bạn bè và đôi lúc ngủ gật trong lớp”.
Lúc này, cô giáo Trương mới nhận thức ra vấn đề lúc này của cậu bé, và cô ấy cảm thấy xấu hổ về hành vi của mình.
Ngày Nhà giáo đến, khi được học sinh tặng quà, cô lại càng cảm thấy xấu hổ hơn. Quà của học sinh được gói bằng giấy sáng màu và buộc bằng những dải ruy băng đẹp mắt, trừ Lý Đức Huệ. Món quà của cậu bé được gói trong một túi giấy dày, được xé từ túi hàng tạp hóa. Cô giáo Trương đã phải mất rất nhiều công sức mới mở được món quà này.
Đó là một chiếc vòng tay bằng đá pha lê, trên đó đã mất một viên đá pha lê, và một chai nước hoa chỉ còn lại một phần tư. Một số học sinh bắt đầu cười phá lên, và cô đã ngăn chúng lại. Cô khen chiếc vòng đẹp làm sao, đeo vào tay cô và xịt nước hoa lên trên cổ tay cô.
Sau khi tan học ngày hôm đó, Đức Huệ đã nói với cô trước khi rời đi: “Cô giáo Trương, mùi hương trên người của cô giống hệt như mẹ của em trước đây vậy.”
Sau khi bọn trẻ rời đi, cô giáo Trương đã khóc. Kể từ ngày đó, cô không còn quá tập trung vào nghiên cứu cách dạy đọc, viết và số học nữa, thêm vào đó là cách giáo dục học sinh.
Cô giáo Trương bắt đầu đặc biệt chú ý đến Đức Huệ, não bộ của cậu bé cũng trở nên linh hoạt hơn, và khi cô ấy càng khuyến khích cậu bé, thì phản ứng của cậu bé càng nhanh nhẹn hơn. Đến cuối năm học, Lý Đức Huệ đã trở thành đứa trẻ thông minh nhất lớp.
Một năm sau, cô giáo Trương tìm thấy một mảnh giấy dưới khe cửa, viết bởi Lý Đức Huệ, cậu bé viết rằng: “Cô giáo Trương là giáo viên tốt nhất mà cậu bé từng gặp trong đời”.
Sáu năm sau, cô Trương lại nhận được một bức thư khác từ Lý Đức Huệ. Cậu bé nói, mình đã tốt nghiệp cấp 3 và đứng thứ 3 trong lớp, cô vẫn là cô giáo tuyệt vời nhất mà cậu từng gặp trong đời.
Nhiều năm sau, cô Trương nhận được một lá thư, lần này Lý Đức Huệ nói rằng sau khi nhận bằng cử nhân, anh quyết định ở lại trường để học tiếp và nói rằng cô Trương vẫn là giáo viên tốt nhất mà cậu từng gặp trong đời. Nhưng bây giờ dòng chữ trên bức thư đã dài hơn một chút: Tiến sĩ y học Lý Đức Huệ.
Mùa xuân năm đó, Lý Đức Huệ gửi một lá thư khác nói rằng anh ấy sắp kết hôn, anh ấy không biết liệu cô Trương có thể đến dự đám cưới không và ngồi vào ghế của mẹ chú rể.
Tất nhiên, cô Trương đã đến. Cô đeo chiếc vòng tay với viên đá pha lê bị mất tích, và dùng hương nước hoa mà mẹ của Đức Huệ đã sử dụng.
Hai cô trò xúc động ôm chầm lấy nhau, tiến sỹ Lý Đức Huệ thì thầm vào tai cô Trương: “Cảm ơn cô vì đã động viên, khích lệ em trong khoảng thời gian khó khăn nhất trong đời, cảm ơn cô vì đã tạo nên sự thành công của em ngày hôm nay”.
Cô Trương rơm rớm nước mắt, thì thầm: “Đức Huệ, em nhầm rồi! Chính em đã dạy cô cách để trở thành một giáo viên có đủ phẩm cách.”
Lan Hòa biên tập
Nguồn: Secretchina