Có 3 kiểu tư duy ở tầng thấp, dẫu tài giỏi đến đâu cũng phải tránh xa
Đó là 3 kiểu tư duy tầng thấp, một người muốn làm nên đại sự thì dẫu tài giỏi đến đâu cũng cần phải lưu ý tránh xa.
Tăng Quốc Phiên xuất thân bình thường, tư chất không mấy nổi trội, nhưng lại thông qua phương pháp độc đáo riêng của mình mà không ngừng tinh tiến. Ông đã lập đức lập công lập ngôn, trở thành người sánh vai với các bậc Thánh nhân.
Tăng Quốc Phiên sở dĩ có thể giành được thành tựu lớn như thế, điều này cùng với phương thức tư duy của ông là không thể tách rời.
Muốn có một phen thành tựu, nhất định phải loại bỏ ba loại suy nghĩ ở tầng thấp này:
Thứ nhất: Lợi ích độc chiếm, chỉ muốn hưởng lợi một mình
Một người muốn thành đại sự, cần phải có Thiên thời, địa lợi, nhân hoà.
Thiên thời địa lợi xem vận khí, chỉ có nhân hòa là có thể tự mình nắm chắc.
Có câu “Tài tán nhân tụ, tài tụ nhân tán”, muốn hội tụ những người có năng lực cao đoàn kết cùng một chỗ, hướng đến một mục tiêu chung, thì cần phải hiểu “tán tài”, phân bổ tài lực.
Trước khi đánh chiếm Nam Kinh, quân Tương của Tăng Quốc Phiên muốn chiếm đóng thủ phủ chủ chốt cuối cùng là An Khánh. Trong trận huyết chiến này, Tăng Quốc Phiên đã lên kế hoạch hết sức tỉ mỉ, dốc hết tâm huyết của mình.
Tuy vậy, khi dâng tấu lên triều đình, Tăng Quốc Phiên lại nhường phần công lao đã trù tính kế hoạch giành thắng lợi này cho Hồ Lâm Dực, đồng thời đem chiến công trên tiền tuyến của trận huyết này cho Đa Long A.
Làm quan mấy chục năm, ông luôn luôn biết nhường lợi, phân lợi, trợ giúp và dìu dắt người khác. Vậy nên, nhân tài dưới trước quân Tương luôn đông đúc, Tăng Quốc Phiên cũng bởi vậy lập công bình định Thái Bình Thiên Quốc.
Trước đó Hàn Tín sau khi bình định Tề vương, liền đề nghị Lưu Bang chia đất phong vương, hy vọng trở thành Giả Tề Vương.
Lưu Bang nói: “Giả Tề vương có ý gì, phải làm hẳn Chính Tề vương”. Sau Lưu Bang đó còn đem phân đất phong hầu cho Hàn Tín, cũng nhờ vậy mà thu phục được ông. Từ đó Hàn Tín một lòng vì Lưu Bang chinh chiến thiên hạ.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Lợi khả cộng, nhi bất khả độc”, ý rằng lợi có thể chia sẻ, nhưng tuyệt đối không được độc chiếm.
Ai cũng mong muốn đạt được lợi ích, nhưng mà chỗ tốt không thể độc chiếm. Một người chỉ khi biết nhường lợi phân lợi, mới có thể thành tựu sự nghiệp.
Thứ hai: Thiếu tư duy độc lập, chạy theo đám đông một cách mù quáng
Tăng Quốc Phiên nói: “Cửu lợi chi sự vật vi, chúng tranh chi địa vật vãng”. Câu nói này có ý rằng, việc mà luôn có thể được lợi thì đừng làm, nơi đang xảy ra tranh chấp, ai cũng muốn giành giật thì đừng lui tới.
Nhìn thấy người khác làm cái gì, mình cũng đi theo làm cái đó, thì sẽ như ong vỡ tổ, chỉ có thể phá hỏng cục diện.
Từ thế kỉ trước, người Mỹ đã sớm phát hiện ra một mỏ vàng trữ lượng cực lớn ở vùng phía Tây của đất nước. Nhóm người đầu tiên đào đãi kiếm được số vàng nhiều vô kể, đến nhóm người thứ hai cũng thu hoạch được không ít, cho đến tốp người đào đãi vàng thứ ba, thứ tư thì lợi nhuận thu về chẳng còn là bao. Cuối cùng, những người tới đây đào vàng ngay cả tiền xe trở về cũng không kiếm đủ.
Lúc này một số người đã nhìn ra được cơ hội kiếm tiền từ chính những người đến đào vàng ấy. Họ không lựa chọn đi đãi vàng mà quyết định đi bán nước, bán dụng cụ đãi vàng cho nhóm người kia, nhờ vậy mà thu được nguồn lợi nhuận đáng kể và trở nên giàu có.
Chu Dịch giảng: “Cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu”. Sự vật phát triển tới cực điểm, khi cùng tận, thì tất phải biến hóa, sau khi biến hóa liền thông đạt, nhờ thông đạt mà được dài lâu.
Đừng mù quáng theo kiểu gió thổi chiều nào quay theo chiều ấy, thấy người khác làm gì liền làm theo. Đối mặt hoàn cảnh khó khăn phức tạp, nhất định phải có được đầu óc thanh tỉnh, biết độc lập suy nghĩ, có như thế chúng ta mới có thể từ trong thế cục phức tạp hỗn loạn kia mà mở ra một thế giới mới thuộc về mình.
Thứ ba: Chỉ nhìn chằm chằm sai lầm của người khác, không nhìn vào ưu điểm của họ
Tăng Quốc Phiên nói: “Vật dĩ tiểu ác khí nhân đại mỹ, vật dĩ tiểu oán vong nhân đại ân”. Câu này có ý rằng: Đừng vì khuyết điểm nhỏ của người khác mà phủ định ưu điểm và thành công của họ, đừng vì chút oán nhỏ mà quên đi đại ân của người khác.
Có một người nhân viên nọ vì để tham gia một dự án mà phải mất nhiều ngày để hoàn thành một bản báo cáo hoàn chỉnh, dài đến mấy chục trang. Khi anh đang trình bày trong cuộc họp thì có một vị đồng nghiệp phát hiện anh viết sai một chữ, thế là chỉ thẳng lỗi sai ấy trước mặt mọi người.
Sau này, người đồng nghiệp kia cũng tham gia vào một hạng mục khác, phải thức trắng đêm để làm bản kế hoạch, làm xong cũng tự cảm thấy rất hài lòng. Kết quả đến ngày hôm sau, chỉ vì một số liệu chẳng to tát gì mà dẫn đến sai sót, bị người quản lý phê bình thậm tệ.
Cổ nhân nói: “Hảo nhi tri kỳ ác, ác nhi tri kỳ mỹ giả, thiên hạ tiên hĩ”, nghĩa là: yêu thích ai mà thấy được chỗ xấu của người ấy, ghét bỏ ai mà thấy được chỗ tốt của người ấy, là điều hiếm có trong thiên hạ vậy.
Khuyết điểm thì nên tránh, ưu điểm thì phải học hỏi, tránh vơ đũa cả nắm, một mực chỉ trích.
Học cách bao dung tha thứ người khác, ca ngợi người khác, một người như vậy mới có thể thực sự trưởng thành.
Hòa An/NTD.com/Dịch
Nguồn secretchina.com