Cổ nhân đã hành xử như nào với người đố kỵ mình?
Đố kỵ một tính cách xấu, cũng là một chướng ngại trong cuộc đời của mỗi người. Dù là đố kỵ người khác hay bị người khác đố kỵ mình thì đều dễ gây ra những việc tổn hại đạo đức. Những bài học quý giá của cổ nhân sẽ giúp ta có được sự sáng suốt để hành xử, hóa giải tâm đố kỵ trong lòng người.
Tâm đố kỵ hay tật đố là một tính cách xấu và hầu như đều có trong mỗi người. Thấy người khác hơn mình, thì so sánh, cảm thán, thậm chí ghen ghét, có mấy người vui mừng cho người đó?
Tâm tật đố gây ra nhiều hệ lụy, có thể khiến người ta làm những việc hại người, hại mình. Trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, nhân vật Chu Du được mô tả là có lòng dạ hẹp hòi, vì thua trí kém tài nên luôn tìm cách hãm hại Gia Cát Lượng, cuối cùng bị 3 lần chọc tức mà chết. Ngày nay cũng có nhiều người vì tâm tật đố mà khiến chia rẽ anh em, hàng xóm láng giềng, cuộc sống ngột ngạt, mệt mỏi.
Chính vì thế làm người nên tránh có tâm tật đố, cũng tránh để người khác tật đố mình. Cổ nhân đã từng có nhiều bài học mà chúng ta ngày nay có thể học hỏi.
Sự nhẫn nại của Hàn Tín
Cổ nhân giảng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, tu thân là điều đầu tiên cần làm trong cuộc đời của mỗi người. Lịch sử cũng chứng minh, những nhân vật anh hùng lưu danh sử sách hoặc người làm nên sự nghiệp lớn đều là người tu dưỡng bản thân tốt. Ví như sự tích Hàn Tín chịu nhục chui háng. Hàn Tín học võ từ nhỏ, luôn mang theo bảo kiếm bên người. Một hôm ở giữa đường đông đúc ông bị một kẻ bất lương chặn lại thách Hàn Tín giết hắn, nếu không thì phải chui qua háng hắn. Hàn Tín thực sự đã chui qua háng kẻ kia. Hàn Tín không phải không có lực, chỉ là nếu giết kẻ tiểu nhân kia, nhẹ thì ngồi tù, nặng thì đền mạng, công danh sự nghiệp sẽ mất hết. Lúc đó, Hàn Tín cũng ý thức rất rõ ràng, học võ không phải để đấu với kẻ tiểu nhân mà là bình thiên hạ.
Qua câu chuyện trên, ta thấy Hàn Tín đã có sự nhẫn nại phi thường. Điều này đã hóa giải sự đố kỵ của kẻ tiểu nhân, tránh làm ra cái việc hại người, hại mình.
Lời nói đạo lý của Điền Văn
Ngô Khởi là một nhà quân sự nổi tiếng, nhà chính trị, nhà cải cách lớn thời Chiến quốc.
Khi Ngô Khởi làm Thái thú ở Tây Hà, danh tiếng rất cao. Về sau nước Ngụy muốn sắp đặt một người làm Tướng quốc, đã tín nhiệm Điền Văn.
Điều này khiến Ngô Khởi không vui, nói với Điền Văn: “Xin ngài cùng tôi so sánh công lao, có được không?”.
Điền Văn nói: “Được!”
Ngô Khởi nói: “Thống soái ba quân, khiến cho binh sĩ một lòng chiến đấu, kẻ địch không dám xâm phạm. Ngài so với tôi như thế nào?”.
Điền Văn nói: “Tôi không bằng ngài”.
Ngô Khởi nói: “Quản lý văn võ bá quan, khiến cho trăm họ gần nhau, để cho kho lương luôn đầy đủ. Ngài so với tôi ai mạnh hơn?”.
Điền Văn nói: “Tôi không bằng ngài”.
Ngô Khởi lại nói: “Trấn thủ vùng Tây Hà khiến cho quân Tần không dám xâm phạm phía đông. Tôi và ngài ai mạnh hơn?”.
Văn Điền nói: “Tôi không bằng ngài”
Ngô Khởi nói: “Ba phương diện này ngài đều ở thế thấp, mà chức vị lại cao hơn tôi, như vậy là tại sao?”.
Điền Văn nói: “Hoàng Thượng tuổi còn trẻ, trong nước không được ổn định, các đại thần không gần nhau, trăm dân không tín nhiệm, thời thế lúc này nên lấy việc quốc gia đại sự giao cho ngài hay cho tôi?”.
Ngô Khởi trầm ngâm một lúc lâu rồi nói: “Nên giao cho ngài”.
Điền Văn nói: “Đây chính là nguyên nhân mà chức vị của tôi cao hơn ngài”.
Ngô Khởi mới biết đây là điều mà mình không bằng Điền Văn.
Điền Văn, Ngô Khởi là hai người có chức vụ rất cao trong triều đình, nếu xảy ra tranh đấu sẽ ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của quốc gia xã tắc. Nhưng nhờ lời nói hợp lý, hợp tình của Điền Văn đã khiến Ngô Khởi tâm phục, khẩu phục qua đó mà buông được sự đố kỵ, cũng là tránh cho đất nước khỏi một nạn lớn.
Tấm lòng rộng lượng của Phòng Huyền Linh
Phòng Huyền Linh là tể tướng, tể phụ của vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân, ông có công lớn giúp vua Đường Thái Tông xây dựng một Đại Đường thịnh trị, được xếp vào một trong 24 vị công thần của triều đại nhà Đường. Sinh thời, Phòng Huyền Linh là người bao dung, rộng lượng.
Có chuyện kể rằng khi Phòng Huyền Linh bị ốm nặng, bá quan trong triều đều đến thăm ông, duy chỉ có Bùi Huyền Bảng không đi. Bùi Huyền Bảng nói rằng: “Nếu bệnh của ông ta khỏi rồi mới cần đi thăm, giờ bệnh đã nặng như vậy rồi, còn phải đi thăm làm gì?”.
Khi Phòng Huyền Linh khỏi bệnh, chuyện đến tai ông nhưng ông không tỏ ra tức giận. Không bao lâu, theo phép xã giao, Bùi Huyền Bản tới thăm, Phòng Huyền Linh cười nói rằng: “Bùi thị lang đến thăm ta, vậy thì ta không chết được rồi”.
Trong triều đình thường có sự cạnh tranh khốc liệt, vị trí “trên vạn người dưới một người” của tể tướng Phòng Huyền Linh hẳn là khiến không ít người ghen ghét, đố kỵ. Nhưng với tấm lòng khoan dung độ lượng, ông có thể hóa giải những điều không có lợi cho mình, qua đó mà nhẹ nhàng mà nhấc đi được gánh nặng ngàn cân, dành sức lực phò vua giúp nước, qua đó mà lưu danh sử sách.
Đố kỵ một tính cách xấu, cũng là một chướng ngại trong cuộc đời của mỗi người. Dù là đố kỵ người khác hay bị người khác đố kỵ mình thì đều dễ gây ra những việc tổn hại đạo đức. Những bài học quý giá của cổ nhân sẽ giúp ta có được sự sáng suốt để hành xử, hóa giải tâm đố kỵ trong lòng người.
Nam Minh/NTD.com