Cổ nhân lưu lại cho hậu nhân “6 điều hối hận”, ai tránh được ắt gặt hái được thành công
Vào thời Bắc Tống có tể tướng Khấu Chuẩn nổi tiếng với bài thơ “Lục Hối Minh”, chỉ vỏn vẹn 6 câu thơ ngắn ngủi, nhưng ẩn sâu trong đó là hàm nghĩa sâu sắc, giúp người đời sớm giác ngộ trí huệ mà thành tâm hối cải. Những đạo lý thâm sâu trong đó thật đáng để người đời sau học hỏi”
Nguyên văn đoạn thơ trong “Lục hối minh”:
“Làm quan tư lợi, mất rồi mới tiếc
Giàu không cần kiệm, nghèo mới xót xa
Trẻ không hiếu học, già hối đã muộn
Thấy việc không học, cần không có, hối hận khôn nguôi
Rượu vào cuồng ngôn, tỉnh hối muộn màng
An không điều dưỡng, đổ bệnh trách ai.”
“Làm quan tư lợi, mất rồi mới tiếc”
Trong văn hóa truyền thống ngày xưa, quan lại là người trông nom đời sống cho nhân dân, cần phải là người đôn hậu, liêm chính và công minh. Người xưa cũng có cách nói rằng, “nhìn ăn mặc khắc biết chức quan cao”, và dù bất kể quan cao thế nào thì vẫn “Trên đầu ba thước có thần linh”. Đạo làm quan thời bấy giờ là phải công tâm, lấy dân làm gốc, đặt vị trí lợi ích và sự no ấm của nhân dân lên hàng đầu, không thể vì tư lợi cá nhân, nóng giận vui buồn nhất thời mà bao che sai phạm, nhận hối lộ, tham ô, xử oan cho người vô tội, đến khi sự việc bại lộ thì hối tiếc cũng muộn màng.
Bởi vậy, làm một người quan phải biết thương dân, biết lo cho đại cuộc, không vì danh lợi che mờ mắt mà bán rẻ lương thâm, làm những việc sai trái. Một người bất luận có làm gì cũng không thoát khỏi sự phán xét của lương tâm, chỉ khi lương tâm trong sạch, quang minh lỗi lạc thì mới không hổ thẹn với đời, với người.
“Giàu không cần kiệm, nghèo mới xót xa”
Có câu nói: “Miệng ăn núi lở”. Ở đời, nếu không chú tâm cần kiệm, chỉ biết hưởng thụ lãng phí xa hoa thì người giàu có cũng nhanh chóng trở nên nghèo hèn, tiền đồ đến mấy cũng theo đó mà tiêu tan. Từ nghèo khổ trở thành giàu sang thì rất thoải mái, nhưng người quen xa xỉ mà muốn cần kiệm thì khó lắm thay.
Khi đã quá quen với những tháng ngày sung túc, hưởng vinh hoa phú quý, tiền tiêu như nước, đụng phải khó khăn biến cố, chẳng những thiếu thốn từ vật chất đến tình cảm, mà trong tâm cũng khó có thể chấp nhận được sự thật. Lúc giàu người người nâng niu, nhà nhà tôn kính, nay lòng người thay đổi, nhân tình nguội lạnh, chợt nhớ lại những ngày tháng huy hoàng trước kia, hối hận thì cũng đã muộn rồi.
Con người, khi đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp, vật chất nhất định phải giản dị và tiết kiệm.
Xa hoa, lãng phí cũng đồng nghĩa với sự thiếu hiểu biết. Điều khiến con người ta lĩnh ngộ được nét đẹp và ý nghĩa thực sự của cuộc sống chính là sự phong phú về mặt tâm hồn, chứ không phải sự thừa thải về phương diện vật chất.
“Trẻ không hiếu học, già hối đã muộn”
Thời niên thiếu, đầu óc còn nhạy bén, tinh lực dồi dào, dễ tiếp thụ tri thức, năng lực học tập mạnh mẽ và dễ bứt phá nhất, nếu chăm chỉ siêng năng thì có thể gây dựng kiến thức cho cả một đời. Nhưng nếu lười biếng ham chơi, đến khi ‘tóc bạc trắng đầu’, thì có bao nhiêu tiền của cũng không mua được tri thức.
Rất nhiều người trẻ suy nghĩ rằng, tuổi trẻ là nên ăn chơi hưởng thụ, đến khi về già hối hận cũng không kịp. Thời gian tuổi trẻ rất đáng trân quý, trẻ không cố gắng tích lũy tri thức cũng như tu dưỡng bản thân mình, đến khi tuổi xế chiều sẽ lưu lại hối hận và bi thương.
Đừng vì khó khăn, thử thách mà từ bỏ, đừng vì vất vả mà nhụt chí.
Sự ham chơi năm 20 tuổi, tạo ra sự bất lực của tuổi 30;
Sự bất lực năm 30 tuổi, tạo ra sự vô dụng ở tuổi 40;
Sự vô dụng năm 40 tuổi, tạo ra một cuộc đời thất bại.
Một khi mái đầu đã bạc, hai vạn hoàng kim cũng chẳng mua lại được.
Giai đoạn học hỏi “bức phá” nhất của một người cũng chỉ có vài năm, đừng vì sự ham chơi nhất thời mà đổi lại một cuộc đời hạ đẳng, lưu lại hối tiếc về sau.
“Thấy việc không học, cần không có, hối hận khôn nguôi”
Đọc sách nhiều tuy có ích nhưng cũng chỉ là lý thuyết trên giấy, học phải đi đôi với hành, phải năng thực hành thì mới có ích.
Con người sống ở đời, bất cứ khi nào cũng phải duy trì một tâm thái cởi mở, duy trì một tinh thần luôn tiến về phía trước, ham học hỏi.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.
Mỗi khi trải qua một chuyện, người ta sẽ khôn ngoan hơn, biết nhìn xa trông rộng, tích lũy thêm được kiến thức và kinh nghiệm sống quý báu cho bản thân. Vì thế trong cuộc sống thực tiễn, hãy luôn giữ tinh thần ham học hỏi, gặp chuyện thì lưu tâm, không hiểu hãy thỉnh giáo các bậc tiền bối, bất cứ lúc nào cũng có thể học hỏi.
Tích lũy kinh nghiệm thực tế, sẽ giúp ta ngày càng thành thục, hãy biết khiêm tốn và “cúi mình”, không ngừng trau dồi và học hỏi, hoàn thiện bản thân mình.
“Rượu vào cuồng ngôn, tỉnh hối muộn màng”
Rượu có thể làm ta mất lý tính. Bình thường không dám nói, say lại thích thẳng thừng, có bao nhiêu chuyện liền nói ra trong lúc không kiềm chế được bản thân mình.
Lời nên nói, không nên nói, đều dám nói ra hết, đôi khi còn buông những lời khiến người khác tổn thương.
Một con sâu rượu, trông thì tưởng rất sảng khoái, nhưng thực ra lại hết sức ngu xuẩn.
Bình thường không dám làm, xỉn rồi thì cứ dũng mãnh tiến lên, chuyện gì cũng dám làm trong vô thức. Vì thế mà tai họa gây ra do say rượu là nhiều vô kể, khi tỉnh lại mới ngậm ngùi hối tiếc khôn thấu.
“An không điều dưỡng, đổ bệnh trách ai”
Bảo hiểm vững chắc nhất của đời người không phải là tiền bạc hay địa vị, mà là một cơ thể khỏe mạnh, bởi “có sức khỏe là có tất cả”.
Sức khỏe không phải là thứ nhất, nhưng lại là duy nhất.
Không có sức khỏe, mọi thứ đều quay trở về con số 0.
Người ta khi mắc bệnh thường suy nghĩ lại những chuyện đã qua, rồi hối hận vì đã làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý. Tuy nhiên, chỉ tiếc là bệnh tình một khi đã chuyển biến tốt đẹp thì lại hành xử như xưa. Tính toán danh lợi, làm việc quá sức; ham mê tửu sắc vô độ, không biết tiết chế; thần hồn điên đảo, không lúc nào được yên tâm.
Đến khi bị bệnh, chịu đựng không nổi lại hối hận. Nếu lúc khỏe mạnh mà biết suy nghĩ tới nỗi khổ của bệnh tật, giữ gìn tâm thái bình thản trước cuộc sống, thì những ham muốn quá độ, hưởng lạc sẽ đều tự nhiên giảm thiểu.
Nguồn bài viết: Cafef
Lan Hòa biên tập