Cổ nhân truyền dạy: Truyền thừa gia phong, giữ gìn gia pháp là tài sản quý giá nhất cho con
Thời xưa giảng rằng, những gia đình danh giá thường xem trọng đức hạnh, phẩm chất, có nội hàm đạo đức thâm sâu. Đức mà vài đời tổ tiên tích lại đủ để con cháu bao nhiêu đời sau hưởng phúc phận.
Tư Mã Quang từng nói: “Gia Phạm so với Tư Trị Thông Giám còn quan trọng hơn, nguyên nhân bởi gia phong chính là nền tảng của thế phong”. Một dòng họ có thể đời đời hưng thịnh hay không, tất cả đều nằm ở hai chữ “gia phong” này.
“Truyền thống của một gia tộc cũng giống với một món đồ cổ thượng hạnh. Nó được rất nhiều người bảo hộ và mài giữa, được tích lũy từ từ, lặng lẽ trong dòng thời gian dài đằng đẵng. Sự kế thừa này cũng giống như một món đồ cổ vậy, sẽ được tráng một lớp mạ thâm trầm, linh thông, trầm tĩnh ôn nhu và tỏa ra hơi thở cổ xưa” – Mã Bá Dung
Gia giáo và nền nếp là tài sản quý giá nhất của một gia đình, cũng là tài phú mà con cháu đời sau. Trình Di, bậc thầy Nho học đời Tống nói: “Niềm vui của đời người, không gì bằng đọc sách. Việc trọng yếu nhất của đời người, không gì bằng giáo dục con cái.”
Dạy bảo nên sớm
Người xưa rất coi trọng giáo dục đạo đức ngay từ khi người mẹ bắt đầu mang thai. cho đến 9 tháng 10 ngày sinh hạ, người làm cha mẹ phải cẩn trọng, gương mẫu trong lời nói hành vi, để cho thai nhi nhận thức được trạng thái thuần khiết nhất.
Sách Quốc gia Hưng vong và Gia phong Gia đình cũng đề xướng giáo dục sớm. Nhan Thị Gia Huấn viết: “Đời người khi tuổi nhỏ thì tinh thần chăm chú, sau khi trưởng thành thì suy nghĩ hỗn loạn, do đó phải giáo dục sớm, chớ để lỡ thời cơ”. Trong Đình Huấn Cách Ngôn, vua Khang Hy cũng coi trọng giáo dục sớm: “Dạy bảo nên sớm (khi con còn nhỏ), không được ngại gian khó.”
Thiện lương là gia phong tốt nhất
Người xưa nói: “Trung hậu truyền đời thì gia đình được vững bền, khiêm cung thận trọng thì phúc thọ được dài lâu” (Trung hậu truyền gia cửu, khiêm thận kế thế trường). Nếu một gia đình có được nhân đức và thiện lương, có thể truyền thừa cho đến mười thế hệ cháu con.
Gia tộc Phạm Trọng Yêm là một ví dụ điển hình:
Phạm Trọng Yêm là chính trị gia, văn học gia đời Bắc Tống, sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo khổ ở huyện Ngô – phủ Tô Châu. Cuộc sống thanh bần thời thơ ấu khiến ông gây dựng được thói quen cần kiệm tiết chế. Sau khi vào triều đình, làm quan lớn, Trọng Yêm vẫn giữ được nền nếp ấy.
Có lần ông mua nhà ở Tô Châu, thầy phong thủy ra sức khen ngợi phong thủy thật tốt, đời sau con cháu nhất định làm đến tam công cửu khanh. Phạm Trọng Yêm nghĩ thầm: “Nếu nhà này có phong thủy khiến cho đời sau vinh hiển như thế, chi bằng ta đổi thành học đường thì hơn, để muôn dân trăm họ Tô Châu được vinh hiển. Tương lai sau này có nhiều người tài đức chẳng phải là càng có lợi đó sao?”
Ông lập tức đem ngôi nhà quyên góp, sửa sang thành học đường; quả là thỏa nguyện ước ấp ủ bao lâu nay của những trẻ nghèo không có tiền đi học.
Ông có bổng lộc khá cao nhưng không vì thế mà hư nát trong dục vọng, tiền tài. Phạm Trọng Yêm luôn nghĩ đến rất nhiều người còn đang khổ cực, quyết định đem bổng lộc cứu tế dân nghèo.
Bốn người con trai của Phạm Trọng Yêm lớn lên đều thông minh phi phàm, tài đức vẹn toàn, cũng được làm quan tới Tể tướng, tam công cửu khanh, thị lang. Con cháu Phạm gia cũng đều vinh hiển, có đức có tài, phúc báo thật là kéo dài không dứt.
Tục ngữ có câu: “Không ai giàu 3 họ”. Nhưng dòng họ Phạm lại thịnh vượng trong suốt 800 năm, đến thời Dân Quốc, Phạm gia vẫn là một dòng họ nổi tiếng. Đây đúng là một bằng chứng chân thực cho việc tích đức hành thiện, tạo phúc báo cho đời sau.
Cổ nhân giảng: “Một ngày làm việc thiện, phúc dù chưa tới, họa đã xa rồi.” Thiện lương chính là lá bùa hộ mệnh tốt nhất đối với con trẻ.
Chí rạng danh tiên tổ, duy chỉ có đọc sách dạy con
Hoàng đế Khang Hy thường dành hai tiếng, từ 7 giờ đến 9 giờ sáng, để đích thân tới kiểm tra việc học tập của con cái. Ông sẽ chọn ngẫu nhiên một đoạn kinh thư và yêu cầu một hoàng tử phải đọc thuộc lòng. Hoàng đế Khang Hy nói: “Khi còn trẻ, ta có thể đọc to một cuốn sách 120 lần và sau đó là đọc thuộc lòng nó 120 lần.”
Một đại thần hỏi: “Liệu đọc thuộc 100 lần có khả dĩ không ạ?” Khang Hy trả lời rằng nhất định phải đọc thuộc đúng 120 lần thì mới đạt yêu cầu. Trước khi trở về hoàng cung để giải quyết việc chính sự, ông cũng không quên nhắn nhủ các lão sư: “Các khanh không nên biểu dương con trẻ mà hãy phê bình chúng nhiều hơn nữa, có như vậy chúng mới không tỏ ra kiêu ngạo.”
Từ trong trang sách, có thể giúp trẻ hiểu biết giang san, nhân tình thế thái, hơn nữa còn có thể cảm ngộ sâu sắc về nhân sinh của các bậc hiền triết.
“Bụng có thi thư khí tự hoa”. Đọc sách, khí chất tự nhiên sẽ thay đổi. Đọc sách giúp mở rộng nhãn quan thế giới của trẻ nhỏ, động lực tinh thần tựa như được nuôi dưỡng, lòng dạ rộng rãi, ánh mắt cao xa, trở thành một con người phong phú. Đọc sách, chính là thói quen tốt nhất của một gia đình, là cách giáo dục tốt nhất đối với con trẻ.
Học tập, quan trọng nhất là ở tu thân, dưỡng đức
Âu Dương Tu nói: “Ngọc không mài giũa thì không thành món đồ quý. Người không học thì không biết đạo lý.”
Người xưa coi việc giáo dục con cái là trọng trách của cha mẹ. Nuôi con thì phải dạy, nuôi con mà không dạy thì không những nguy hại đến bản thân mà còn nguy hại đến người khác, và càng nguy hại hơn cho quốc gia. Sách dạy trẻ em xưa nổi tiếng nhất là Tam Tự Kinh cũng có câu:
“Nuôi con mà không dạy dỗ, đó là cái lỗi của người cha (bậc cha mẹ)
Dạy dỗ mà không nghiêm, đó là sự lười biếng của người thầy”
Là bậc quân vương tài năng lại vô cùng chăm chỉ, hàng ngày đều tự tay giải quyết 300–400 bản tấu trình, nhưng Hoàng đế Khang Hy vẫn dành thời gian để dạy dỗ các hoàng tử của mình.
Mỗi ngày, các hoàng tử phải dậy rất sớm và ngồi vào bàn học từ 3 đến 5 giờ sáng để ôn lại bài học của ngày hôm trước. Thậm chí, hoàng thái tử khi ấy mới 13 tuổi nhưng đã phải dậy sớm hơn để chuẩn bị bài học.
Không chỉ quan tâm đến việc bồi dưỡng trí tuệ và rèn luyện tài năng cho con trẻ, Hoàng đế Khang Hy còn đặc biệt chú ý đến việc tu thân dưỡng đức của thế hệ sau. Ông đã để lại cuốn “Khang Hy gia huấn”, trong đó viết:
“Phàm là đối nhân xử thế thì nên biết khoan dung tha thứ. Thấy người có chuyện vui thì nên cảm thấy vui vẻ; thấy người có việc buồn thì nên cảm thông. Những điều này đều có lợi cho mình. Nếu ghen tức với thành công của người khác, vui vẻ trên thất bại của họ thì có ý nghĩa gì? Ấy là tự ôm những suy nghĩ xấu xa vô ích. Cổ ngữ có câu: ‘Nhìn sự thành của người như sự thành của mình; xem mất mát của người như mất mát của bản thân’. Nếu biết giữ lòng như thế, ắt sẽ được Trời giúp đỡ.”
Về phương pháp giáo dục con của người xưa, thì bức thư Gia Cát Lượng gửi con “Thư răn dạy con”, chỉ 86 chữ nhưng lại bao hàm đầy đủ các bài học làm người. Trí tuệ hơn 1,800 năm trước ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
“Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức.
Không đạm bạc chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm tiến xa chẳng nổi.
Học cần tâm tĩnh, tài cần phải học.
Không học, tài chẳng mở mang, không chí, chẳng thành nghiệp học.
Biếng nhác ắt chẳng thể tinh thông, nóng nảy sao tu thành tâm tính.
Tháng ngày vùn vụt, ý chí qua đi, thân đã già nua, chưa hiểu sự đời.
Nhà rách sầu bi, hối thì đã muộn.”
Một dòng họ có thể đời đời hưng thịnh hay không, tất cả đều nằm ở hai chữ “gia phong”. Tăng Quốc Phiên viết trong Gia Thư rằng: “Gia đình nhân đức thì quốc gia cũng hưng thịnh nhân đức; gia đình mà trọng đức thì đức của quốc gia cũng hưng thịnh. Gia phong ngay chính thì con cháu hậu thế cũng chính, ngọn nguồn chính, ắt quốc gia chính.”
Chấn hưng quốc gia, khai sáng xã hội thì trước hết chấn hưng phong khí, mẫu mực trong gia tộc, gia đình, và bắt đầu từ gia huấn, gia giáo. Gia giáo và nền nếp là tài sản quý giá nhất của một gia đình, cũng là tài phú suốt đời của con cái.
Nguồn: Epochtimes
Chân Nhiên