Con cái là “vốn đầu tư” có lãi nhất của cha mẹ, 4 cách để nuôi dưỡng một đứa trẻ xuất sắc
Trong quá trình giáo dục con cái, các bậc phụ huynh đều hy vọng con cái của mình sẽ trở thành những nhân tài xuất chúng trong tương lai. Đại học Harvard đã từng làm một cuộc khảo sát đối với hơn nghìn người thành công. Mặc dù hoàn cảnh gia đình và xuất thân không tương đồng, nhưng tuổi thơ của họ có 4 điểm chung sau đây, hãy xem xem con cái của bạn có những đặc điểm này hay không?
Đọc sách là đầu tư có lãi nhất của cuộc đời mỗi người
Nhà giáo dục Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky từng nói: “Một đứa trẻ không đọc sách chính là một học sinh kém tiềm ẩn trong học tập”. Câu nói này hoàn toàn không hề sai.
Theo thống kê, những đứa trẻ có thói quen đọc sách thường sở hữu thành tích học tập tương đối cao. Và thực tế là có tới 80% thủ khoa đại học đều thích đọc sách.
Thói quen đọc nên bắt đầu từ lúc dưỡng thai, các bà mẹ có thể vừa xoa bụng vừa đọc sách cho con nghe để thai nhi cảm nhận tiết tấu và âm luật của ngôn ngữ.
Đến khi trẻ được một tuổi, các bậc phụ huynh nên dành 20 phút trước khi ngủ để con hưởng thụ sự thích thú do đọc sách mang lại. Sau năm tuổi, bạn đã có thể bắt đầu dạy trẻ nhận mặt chữ, trang bị kỹ năng cho trẻ tự mình đọc sách.
Những đứa trẻ thích đọc sách sẽ hình thành tư tưởng phong phú, cách nghĩ chín chắn và lo-gic, không dễ sa vào thành kiến và cố chấp. Thói quen đọc sách cũng rèn luyện cho các em có được nhân cách độc lập. Đọc sách không chỉ là một thói quen tốt, đem lại trí thức mà còn giúp trẻ nhìn rõ nội tâm, cảm nhận cuộc sống.
Trong sự thành công của một người, thói quen đọc sách chiếm một tỷ lệ rất lớn, nếu con bạn có thói quen đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách của các bậc Thánh hiền từ nhỏ, thì sau này chắc chắn sẽ trở thành người xuất sắc.
Bởi vậy, ngay từ tấm bé, cha mẹ nên hình thành cho con thói quen đọc sách, chúng mới có thể hứa hẹn trong tương lai.
Hình thành thói quen đúng giờ
Trong lớp học vẽ, có hai bạn nhỏ sở hữu thói quen hoàn toàn trái ngược nhau. Một cậu bé thường xuyên đến muộn, bị phê bình vẫn tỏ vẻ thờ ơ, ngày nào cũng hết sức lười biếng.
Cô bé còn lại thì chăm chỉ đến sớm và đúng giờ, sắp xếp đồ dùng học tập lên bàn rồi yên lặng ngồi đợi cô giáo. Có một lần trời đổ mưa lớn, bạn học đều nghỉ, chỉ có cô bé và mẹ là đội mưa đến lớp học.
Cũng nhờ đúng giờ, chăm chỉ, chuyên cần mà kỹ thuật vẽ của cô bé ấy ngày càng tốt, còn nét vẽ cậu bé lười biếng vẫn nguệch ngoạc y như ban đầu. Mọi người thấy vậy đều đến hỏi mẹ cô bé xin kinh nghiệm.
Khi đó, mẹ cô chia sẻ:
“Việc học tập đối với trẻ con không chỉ dựa vào thiên phú mà thái độ cũng đóng vai trò quan trọng. Tôi chỉ yêu cầu con mình làm việc gì cũng phải nghiêm túc, mà tiền đề để nghiêm túc học tập chính là đúng giờ“.
Bài học rút ra: Thái độ quyết định trạng thái, trạng thái quyết định thành tích.
Có câu “Người đúng giờ chưa chắc đã xuất sắc, nhưng người xuất sắc nhất định đúng giờ“. Bởi vì sự đúng giờ là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật, đem lại cho người khác cảm giác tin tưởng và đáng để cậy nhờ.
Đối với trẻ nhỏ mà nói, sự đúng giờ vừa thể hiện năng lực quản lý thời gian, vừa giúp các em học tập và sinh hoạt một cách có kế hoạch, có trách nhiệm. Hơn nữa, từ sự tuân thủ giờ giấc, ta có thể nhìn ra nền tảng giáo dục và quá trình tu dưỡng của một người.
Trong cuộc đời này, sự cẩn thận, tỉ mỉ là yếu tố giúp quyết định thắng bại. Vì thế, hãy dạy trẻ nhỏ cách tuân thủ giờ giấc ngay từ khi các em bắt đầu có nhận thức về thời gian.
Vận động là điều không thể bỏ qua
Chuyện kể rằng, có một cậu bé vì cơ thể gầy yếu nên lúc nào cũng tỏ ra nhút nhát, tự ti. Lần nọ, lớp học tổ chức chơi nhảy xa, cậu bé này không ngờ lại giành giải nhất, được bạn bè và thầy cô khen ngợi. Từ đó, cậu không chỉ trở nên hoạt bát hơn mà còn chủ động tích cực giao lưu cùng bạn bè.
Bài học rút ra: Vận động giúp trẻ chứng tỏ khả năng và sức lực của mình, đồng thời cũng cho các em cơ hội xây dựng tự tôn và tự tin của các con trong tập thể.
Hệ thống giáo dục phương Tây luôn coi vận động thể dục như là giáo dục tinh anh. Các chuyên gia nước Anh cũng chỉ ra rằng, trẻ từ 1 tuổi rưỡi đến 5 tuổi nên vận động ít nhất 3 tiếng một ngày.
Sau khi tan học, các bậc cha mẹ không nên vội vàng bắt con làm bài về nhà. Thay vào đó, hãy để các em tập luyện một vài môn thể thao như nhảy dây, đánh cầu lông, bóng chuyền, hoặc có thể “rủ” con cùng chia sẻ việc nhà,… giúp trẻ có thể vận động và hình thành thói quen chia sẻ việc với mọi người xung quanh.
Cách này không chỉ có thể giải tỏa áp lực mà còn có lợi cho việc phát triển chiều cao, đề phòng cận thị, tránh béo phì…
Kỳ thực, những thứ được sinh ra nhờ vận động rất quan trọng đối với chúng ta, dù mắt thường không thể nhìn thấy, nhưng tâm hồn có thể cảm nhận một cách sâu sắc.
Dạy con cách tư duy sắp xếp
Một chuyên gia về nghệ thuật sắp đặt đến từ Hàn Quốc từng nhận sắp xếp phòng cho một đứa trẻ. Nhưng khi tới nơi, người này không khỏi ngạc nhiên trước “thảm cảnh” căn phòng: Sách và đồ chơi bừa bộn, chất đống khắp nơi, quần áo treo bừa bãi, bàn học chật kín đồ và vô cùng bừa bộn.
Mẹ đứa trẻ không khỏi phàn nàn:
“Cả ngày bắt nó đọc sách, nhưng nó không thích, chị cũng hết cách”.
Thế nhưng trong một căn phòng bừa bộn như nhà kho ấy, liệu đứa trẻ nào có thể yên tâm để chuyên chú và tập trung để sáng tạo, học tập?
Bằng sự quyết tâm của mình, vị chuyên gia kia bắt đầu xắn tay thu dọn. Một lúc sau, chính đứa trẻ cũng giúp ông vứt rác và dọn dẹp. Sau mấy giờ đồng hồ, căn phòng đã trở nên sạch sẽ, ngăn nắp.
Lúc đó, đứa trẻ ngồi vào bàn học và bắt đầu đọc sách một cách hứng thú, thậm chí quên rằng trong phòng khi ấy còn có một người khác. Chỉ bằng cách sắp xếp lại một căn phòng đã khiến trẻ tràn đầy động lực học tập. Điều này quả thực quá thần kì!
Bài học rút ra: Tư duy sắp xếp là điều cần thiết để đào tạo nên một đứa trẻ xuất sắc.
Một nghiên cứu tại Đại học Kinh doanh Harvard đã phát hiện, những đứa trẻ có bàn học sạch sẽ, chỉnh tề thường sở hữu thành tích nổi bật, tính cách cởi mở, làm việc chuyên chú mà kiên trì.
Nhưng ngược lại, những đứa trẻ thường xuyên để đồ vật bừa bãi, lười biếng lề mề đều không có thói quen sắp xếp và sở hữu không nhiều thành tích hay đức tính.
Người Nhật rất coi trọng giáo dục thói quen sắp xếp. Ngay từ nhỏ, trẻ em tại đất nước này đã được dạy về cách sắp xếp và làm việc có trật tự thông qua những việc làm đơn giản như cất đồ chơi trở về vị trí cũ, sắp xếp cặp sách cho ngày hôm sau, thu dọn bàn học và phòng ngủ…
Các bậc phụ huynh không nên xem thường lợi ích từ những việc nhỏ nhặt này. Sắp xếp không chỉ có thể giúp trẻ rèn luyện năng lực quan sát, năng lực làm việc, ý thức kỷ luật mà còn tạo điều kiện để các con “thu dọn” những cảm xúc tiêu cực từ trong tiềm thức.
Trẻ nhỏ biết cách sắp xếp đồ đạc thì mới có thể quản lý tri thức, có thể quy hoạch tốt không gian thì mới có thể quy hoạch tốt cuộc đời.
Nguồn: Secretchina
Tài liệu tham khảo: Giáo dục thời đại
Lan Hòa biên tập