Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại, người biết cúi đầu mới trưởng thành, biết hạ mình mới là cao thủ
Người xưa có câu: “Biết cúi đầu mới là trưởng thành, biết hạ mình mới là cao thủ.” Quả thực trong cuộc sống, càng là người học rộng, tài cao, hiểu biết nhiều thì càng hiểu được phải khiêm tốn, hiểu được rằng làm người phải học và biết cách “cúi đầu”!
Có câu: “Cúi đầu là bông lúa, ngẩng đầu là cỏ dại”. Cây lúa càng chín hạt càng chắc, đầu sẽ rủ xuống, còn cỏ dại thích thể hiện bản thân, lúc nào cũng ngẩng đầu lên. Nhưng bông lúa luôn được coi trọng, cỏ dại lại chẳng được đoái hoài.
Trong cuộc sống, mỗi khó khăn, biến cố như một cánh cửa, mà cánh cửa này lại không vừa khớp kích thước của ta. Có lúc nó sẽ thấp hơn một cái đầu, có lúc chật chỉ bằng nửa thân người. Muốn vượt qua nó, người thấu hiểu sẽ biết cúi đầu, khom lưng, nghiêng người, còn người cố chấp thì sẽ đụng tường, tự gây thương tích, mà chẳng đi qua nổi.
Học cách “cúi đầu” trước những sai lầm của mình
Con người, ai mà không từng phạm sai lầm? Khi đã sai lầm thì phải sửa chữa. Nhưng trước khi sửa sai, cần phải biết can đảm “cúi đầu” thừa nhận lỗi lầm của bản thân.
Tuy nhiên, có nhiều người lại không đủ can đảm để làm điều đó, và họ cứ mãi bị rớt lại ở những nơi họ bị ngã xuống, chẳng thể nào vực dậy bò lên để đi tiếp.
“Cúi đầu” không phải là khuất nhục, “cúi đầu” càng không phải là thấp hèn, mà chính là một sự dũng cảm, là thể hiện rằng bản thân đã biết sai và sẽ sửa.
Can đảm “cúi đầu” trước sai lầm mình gây ra chính là thể hiện của sự thông minh và quyết đoán. Đây là một loại cảnh giới và phẩm cách cao quý, cũng là một loại rộng lượng và thong dong. Có thể gập vào thì mới có thể duỗi ra, có thể lui mới có thể tiến, có thể nhu mới có thể cương.
Học cách “cúi đầu” với những dục vọng bản thân
Những mong muốn, dục vọng của con người là vô hạn, không có điểm dừng. Nếu không biết kiểm soát, con người sẽ trở thành nô lệ của chúng.
Có những người luôn thích kiễng chân, vươn cổ cao lên để vượt trên người khác, nổi danh thiên hạ, rạng rỡ tổ tông… Kỳ thực, những nguyện vọng “tốt đẹp” đó chỉ khiến bản thân họ càng thêm mệt mỏi mà thôi! Đời đâu dễ như mơ, từ mong ước đến thực tế là một chặng đường dài nhường nào?
Chứng kiến địa vị của bạn bè, đồng nghiệp thăng lên như “diều gặp gió”… trong khi bản thân mình không là gì cả, không ít người liền sinh tâm đố kỵ, ghen ghét tật đố rất khó chịu. Có người còn oán trời trách đất, kêu thán xã hội bất công.
Nhưng mà họ chỉ cần cúi đầu xuống, sẽ phát hiện ra những thứ bản thân có được là rất nhiều. Càng “ngẩng lên” thì càng không trân quý những gì mình có
Học cách “cúi đầu” để trưởng thành
Người xưa có câu: “Biết cúi đầu mới là trưởng thành, biết hạ mình mới là cao thủ.”
Khiêm tốn, cúi đầu không phải là chỉ biết cúi xuống cam chịu mà là biết cách ứng xử. Khi trẻ, ta luôn có ý thức khẳng định mình, tràn đầy ý chí và khát khao. Đó là điều rất đáng quý, nhưng mà cũng dễ có những nhược điểm: tự phụ, tự mãn, hiếu thắng, thiếu nhường nhịn, không khiêm tốn… Vì quá tự tôn nên ta không chấp nhận học tập thành công của người khác.
Học cách cúi đầu vượt qua những “cánh cửa” thấp bé trên con đường nhân sinh. Biết “cúi đầu” cũng là một loại năng lực. Đó không phải là tự ti, không phải là nhu nhược, mà là khi năng lực của ta tích lũy đã đủ thâm sâu và sắc sảo.
Các vĩ nhân đều là những người khiêm tốn. Isaac Newton coi mình chỉ như một đứa trẻ dạo chơi trên bãi biển may mắn nhặt được hòn sỏi đẹp và trước mắt là bể chân lý bao la. Chân lý của ông chính là: “Sở dĩ tôi nhìn xa là vì tôi ngồi trên vai người khổng lồ”. Ông chưa bao giờ dám nhận mình là một người khổng lồ.
“Cúi đầu” không phải là yếu đuối, đó là sự khiêm nhường, biết ứng xử đúng mực, ứng xử cần thiết để trưởng thành hơn. Kẻ thất bại thường hiếu thắng, tự mãn, không biết khiêm tốn, luôn “ngẩng đầu” chỉ trích người khác. Chỉ những người hiểu chuyện, có trí huệ mới có thể học được hai chữ “cúi đầu”, họ chiêm nghiệm rằng “lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chút sóng yên biển lặng”, do vậy họ mới có thể tiến nhanh, tiền mạnh hơn về phía trước.
Nguồn: Secretchina
Lan Hòa biên tập