Cuộc hội ngộ thú vị của hai bậc anh hùng
Trong Tam Quốc diễn nghĩa có hai nhân vật kỳ phùng địch thủ không đội trời chung mà ai cũng biết là Tào Tháo và Lưu Bị, nhưng ít người để ý rằng hai người đã có thời gian rất gần gũi nhau, thậm chí Tào Tháo còn xem Lưu Bị như huynh đệ của mình.
Sau khi Lưu Bị bị Lữ Bố chiếm thành Từ Châu bèn tính kế chạy sang tạm nương nhờ Tào Tháo. Lưu Bị đưa quân sang Hứa Đô, đóng trại ở ngoại thành, Lưu Bị sai Tôn Càn ra mắt Tào Tháo.
Tồn Càn nói rằng: Vì bị Lã Bố đánh, xin đến nương nhờ.
Tháo nói: Lưu Bị với ta như huynh đệ
Hôm sau Lưu Bị để Quan Vũ, Trương Phi ngoài thành và dắt Tôn Càn, My Chúc vào yết kiến Tào Tháo.
Khi gặp mặt Tào Tháo đãi làm bậc khách quý, cho mở yến tiệc thiết đãi.
Tuân Úc vào nói rằng: Lưu Bị là người anh hùng. Nay không trừ sớm đi, tất để lo về sau.
Tào Tháo không nói gì nên Tuân Úc ra ngoài. Thấy Tuân Úc đi ra, Quách Gia liền đi vào. Tháo hỏi: Úc xui ta giết Lưu Bị. Nên không?
Quách Gia nói: Không nên, chúa công cất quân nghĩa binh, vì trăm họ mà trừ kẻ hung bạo, giữ điều tín nghĩa, để vời hào kiệt còn lo người ta chẳng đến, nay Lưu Bị có tiếng anh hùng, vì cùng khốn mới về với ta, nếu lại giết đi, chẳng hóa ra mình hại người hiền. Những người chí sĩ trong thiên hạ nghe thấy sinh ngờ còn ai bước chân vào cửa chúa công nữa, chúa công cùng với ai mà định việc thiên hạ? Trừ được lo một người, mà làm cản trở lòng trông ngóng của bốn bể. Cái cơ yên nguy, xin chúa công phải xét mới được.
Tào Tháo mừng nói rằng: Ngươi nói chính hợp bụng ta
Sau khi diệt được Lữ Bố, Tào Tháo đem quân về Hứa Đô, phong thưởng cho các tướng sĩ, còn Lưu Bị thì nghỉ ngơi ở nhà bên cạnh tướng phủ.
Hôm sau vua Hiến đế khai trào. Tào Tháo dâng biểu tâu quân công của Lưu Bị và đưa Lưu Bị vào chầu vua. Sau khi vua hỏi han Lưu Bị và tra gia phả thì Huyền Đức vào hàng chú. Vua mừng lắm, vua cho ngay Lưu Bị làm tả tướng quân Nghi Thành đình hầu, mở yến khoản đãi. Tiệc tan, Lưu Bị tạ ơn trở ra. Từ bấy giờ ai cũng gọi Lưu Bị là Lưu Hoàng Thúc.
Tào Tháo về phủ, Tuân Úc và một bọn mưu sĩ vào nói rằng: Thiên tử nhận Lưu Bị là chú, chúng tôi sợ có điều vô ích cho minh công.
Tháo nói: Người ấy đã được nhận làm hoàng thúc, ta lấy chiếu vua sai khiến, lại càng phải phục tùng ta lắm. Vả lại ta lại để cho ở Hứa Đô, tiếng rằng gần vua, nhưng thực ra là ở trong tay ta, ta còn ngại gì.
Lưu Bị bấy giờ sợ Tào Tháo nghi mình mưu đồ gì, bèn làm một vườn rau ở sau nhà ngày ngày cày cuốc bón xới, để làm cách che mắt cho người ngoài khỏi ngờ.
Vân Trường và Trương Phi thấy vậy hỏi rằng. Huynh không lưu tâm đến việc lớn thiên hạ, học làm chi cái việc tầm thường này?
Lưu Bị nói, hai đệ đâu biết ý huynh, hai người từ đó không dám nói gì nữa.
Một hôm Tào Tháo mời Lưu Bị vào gặp.
Vừa gặp Tháo cười nói rằng: Lưu Bị độ này ở nhà làm một việc lớn lao đấy nhỉ! Huyền Đức sợ tái mặt. Tháo cầm tay Lưu Bị dắt vào vườn ở sau nhà, nói rằng: Huyền Đức học làm vườn chắc cũng không phải là việc dễ dàng? Lưu Bị bấy giờ mới vững dạ đáp rằng: Không có việc gì, làm để tiêu khiển đó thôi.
Tháo nói: Vừa rồi thấy trên cành mai đã có quả xanh, sực nhớ khi trước đánh Trương Tú, đi đường không có nước, tướng sĩ khát cào cuống họng. Bấy giờ ta nghĩ được một kế, cầm roi trỏ hão nói rằng: Trước mặt có rừng mơ. Quân sĩ nghe nói đến mơ, ai cũng ứa nước dãi, đỡ được khát nước. Nay có mơ thật, nên hái xuống thưởng. Vả lại rượu nấu vừa chín, cho nên mời sư quân đến tiểu đình uống rượu.
Huyền Đức bấy giờ tinh thần mới yên, theo đến tiểu đình, đã thấy bày mâm bát, giữa bàn bày một đĩa mơ xanh, một bình rượu nóng.
Hai người ngồi đối diện, ăn uống vui vẻ. Lúc rượu ngà ngà say, chợt thấy mây đen mù mịt, cơn mưa to sắp kéo đến.
Quân hầu trỏ lên trời bẩm: Có vòi rồng lấy nước. Tháo và Huyền Đức cùng ngồi ngắm xem, Tháo hỏi:
Sứ quân có biết rồng nó biến hóa thế nào không? Lưu Bị nói: Tôi chưa được tường. Tháo nói:
Rồng lúc to, lúc thì nhỏ, lúc thì bay, lúc thì nấp. Lúc to thì nổi mây phun mù; lúc nhỏ thì thu hình khép cánh; khi bay ra thì liệng trong trời đất; khi ẩn thì lẩn núp ở dưới sông. Nay đang mùa xuân, rồng gặp thời biến hóa, cũng như người ta lúc đắc chí, tung hoành trong bốn bể. Rồng ví như anh hùng trong đời. Lưu Bị lâu nay đã đi khắp bốn phương, bao nhiêu anh hùng đời nay, hẳn đã biết cả, xin thử nói nghe.
Lưu Bị thưa:
Bị này mắt thịt, biết đâu được anh hùng.
Tháo nói:
Lưu Bị không nên nhún mình quá.
Lưu Bị nói: Bị nay được nhờ ơn thừa tướng làm quan trong triều, anh hùng trong thiên hạ. thực không được biết.
Tháo nói: Đã đành không biết mặt, nhưng có nghe tiếng chứ?
Viên Thuật ở Hoài Nam, binh lương nhiều, có thể cho là anh hùng được.
Tháo cười nói: Xương khô trong mả, chỉ nay mai là ta bắt được!
Anh Viên Thuật là Viên Thiệu ở Hà Bắc, bốn đời làm tam công, có nhiều đầy tớ cũ; hiện nay như con hổ dữ hùng cứ ở Ký Châu; bộ hạ nhiều tay tài giỏi, có thể cho là anh hùng.
Tháo lại cười nói: Viên Thiệu ngoài mặt mạnh bạo, trong bụng nhút nhát, thích mưu mẹo mà không quyết đoán, làm việc lớn lại lo đến bản thân, thấy lợi nhỏ thì lại quên mình, sao gọi là anh hùng?
Lưu Bị lại nói: Có một người nổi tiếng trong tám kẻ tuấn kiệt, uy khắp cả chín châu, là Lưu Cảnh Thăng, có thể cho là anh hùng?
Tháo lại cười: Lưu Biểu có hư danh nhưng không có thực tài, không phải anh hùng.
Có một người, sức lực đương khỏe, đứng đầu xứ Giang Đông, là Tôn Bá Phù hẳn là anh hùng?
Tôn Sách nhờ danh tiếng của bố, không phải anh hùng.
Lưu Bị lại hỏi: Lưu Quý Ngọc ở Ích Châu có phải là anh hùng không?
Tháo nói: Lưu Chương tuy là tôn thất, nhưng chỉ là con chó giữ nhà, sao gọi là anh hùng được?
Lưu Bị lại nói:
Như bọn Trương Tú, Trương Lỗ và Hàn Toại thì thế nào?
Tháo vỗ tay cười to: Lũ tiểu nhân nhung nhúc ấy thì nói làm gì!
Ngoài những người ấy ra Bị thực không còn biết ai nữa.
Tháo nói: Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có tài bao bọc được cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất kia.
Lưu Bị mới hỏi: Ai có thể xứng đáng được như thế?
Tào Tháo lấy tay trỏ vào Lưu Bị, rồi lại trỏ vào mình nói rằng:
Anh hùng thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tháo mà thôi.
Lưu Bị nghe nói, giật nảy mình, cái thìa đôi đũa đương cầm tay, rơi cả xuống đất. Giữa lúc bấy giờ, cơn mưa u ám, có một tiếng sét thực dữ. Lưu Bị từ từ cúi xuống nhặt đũa và thìa, nói tảng rằng:
Gớm ghê! Tiếng sét dữ quá!
Trượng phu cũng sợ sấm à? Lưu Bị nói: Đức thánh ngày xưa gặp lúc sấm dữ gió to cũng đổi sắc mặt, huống chi là tôi đây sao lại không sợ?
Lưu Bị đã che đậy được hết cả việc mình giật mình đánh rơi cả thìa đũa khi nghe Tào Tháo gọi mình là anh hùng.
Tào Tháo thấy thế không nghi ngờ gì Lưu Bị nữa.
Đời sau có thơ rằng:
Gượng vào hang hổ tạm nương mình
Nói rõ anh hùng khó giấu quanh
Mượn tiếng sấm vang ra vẻ sợ
Tùy cơ ứng biến thật tài tình!
Tiệc tan, Lưu Bị cáo từ ra về.
Về nhà thuật lại với Quan Vũ và Trương Phi chuyện rơi đũa. Hai người hỏi lại Lưu Bị thế ý làm sao?
Lưu Bị nói: Độ này ta chịu khó làm vườn cuốc đất, cốt là để cho Tào Tháo không nghi ta có chí lớn. Ai ngờ Tào Tháo lại trỏ ngay vào ta mà bảo ta là anh hùng thời nay. Ta nghe nói rụng rời, đánh rơi cả thìa và đũa, lại sợ Tào Tháo nghi ngờ, cho nên mượn cớ là sợ sét để che dấu đi.
Vì sao năm đó Tào Tháo lại nhận định một người đang lưu lạc và sa sút như Lưu Bị là anh hùng cái thế? Thực ra có ba nguyên nhân, thứ nhất là Lưu Bị khi sinh ra đã mang khí chất anh hùng, có cái tướng có thể thu phục lòng người làm nên đại sự, thứ hai là Lưu Bị dù đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn trở ngại nhưng vẫn luôn giữ trong mình một tinh thần kiên trì và đầy nhiệt huyết, thứ ba, chính là danh tiếng Lưu Bị.
Thiết nghĩ, nếu trong buổi tiệc “uống rượu luận anh hùng” hôm ấy, Lưu Bị để lộ hành vi thất thố khiến Tào Tháo sinh nghi, chỉ e rằng ba huynh đệ Lưu, Quan, Trương đã bị Tào Tháo xử trảm. Tuy nhiên tiếng sét đã cứu Lưu Bị, đó chính là ý trời.
Một khi sự việc diễn ra theo chiều hướng như vậy, thế chân vạc khó có thể hình thành, lịch sử Tam Quốc có lẽ cũng sẽ diễn biến theo một chiều hướng hoàn toàn khác.
Cho nên, buổi tiệc rượu giữa Tào Tháo và Lưu Bị lần ấy không chỉ giữ lại cho vị quân chủ họ Lưu một mạng, mà còn để lại con đường cho tập đoàn chính trị Thục Hán phát triển về sau này.
Trong thời gian Lưu Bị nương nhờ Tào Tháo, Tào Tháo rất hậu đãi với Lưu Bị, ông quý mến Lưu Bị thực sự, thậm chí ông còn dắt tay Lưu Bị vào bàn tiệc, mặc dù ông không phải không đề phòng gì Lưu Bị. Tào tháo vốn rất mến mộ nhân tài, ông biết Lưu Bị không chỉ là người tài mà còn là anh hùng trong thiên hạ, Tào Tháo biết điều đó, trong tâm ông càng trân quý hơn. Đó chính là bản chất của Tào Tháo. Ông vốn là một người nồng nhiệt, chân thành, nhạy cảm. Điều đó cũng cho thấy tấm lòng của Tào tháo rất rộng mở, ông không hề có tâm đố kỵ gì với Lưu Bị. Nếu không vào thời loạn lạc chắc rằng giữa họ sẽ trở thành những người huynh đệ tâm giao, xong thời cuộc loạn lạc, Tào Tháo và Lưu Bị mỗi người đi trên một con đường riêng, Lưu Bị quyết chí đi theo con đường đối nghịch với Tào Tháo, coi Tào Tháo là giặc. Điều đó đã khiến Tào Tháo đau đớn, khiến ông thay đổi thái độ, từ xem Lưu Bị như huynh đệ, chuyển thành kẻ thù lớn nhất.
Tào Tháo đã không lợi dụng lúc Lưu Bị đang khó khăn mà có ý giết Lưu Bị. Cần biết rằng, Lưu Bị đầu quân cho Tào Tháo, Tào Tháo muốn giết Lưu Bị, chuyện này dễ như trở bàn tay, thậm chí cũng có rất nhiều người khuyên Tào Tháo giết Lưu Bị, nhưng ông không làm vậy. Sau đó Lưu Bị phải mượn cớ xin đi đánh Viên Thuật để thoát khỏi Tào Tháo. Thậm chí khi Lưu Bị đi rồi Trình Dục, Quách Gia nói rằng, Lưu Bị không chịu đem quân trở lại tất là đã thay lòng đổi dạ. Tào Tháo nói ta đã sai Chu Linh, Lộ Chiêu đi theo kèm Lưu Bị, vị tất ông ta dám sinh biến. Vả ta đã sai ông ta đi, không nên hối lại. Bèn không đuổi theo Huyền Đức nữa.
Nói cho cùng, chính là bởi Tào Tháo có tình nghĩa, với Lưu Bị cũng như với Vân Trường sau này, ông trọng người tài, thích giúp đỡ anh hùng, tấm lòng rộng mở, mặc dù nhiều người khuyên ông giết Lưu Bị nhưng ông đều không nỡ làm vậy. Điều này vô cùng quan trọng với Lưu Bị. Lưu Bị không những có thể nán lại Tào doanh học hỏi cách Tào Tháo trị quân trị nước, mà còn có thể thám thính được yếu điểm của Tào Tháo, điều này chắc chắn giúp Lưu Bị rất nhiều trong quá trình tạo dựng nước Thục Hán sau này.
Biên tập: Kiên Tấn