Cứu người mà thành ra cứu mình, biến nguy thành an
Mới đây, vụ việc nam tài xế xe GrabBike bị cướp dùng dao đâm 6 nhát khiến cộng đồng phẫn nộ vì sự dã man của bọn cướp, nhưng cũng không khỏi bàng hoàng về sự thờ ơ của người dân.
Khi nạn nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch, những phút đầu đã không có ai dám giúp đỡ đưa nạn nhân vào bệnh viện cho đến khi được một người phụ nữ “dũng cảm” đánh xe đến đưa đi.
Cứu người là việc đại Thiện, công đức vô lượng, nhưng ngày nay thường thấy người ta còn cân nhắc được mất. Người xưa từng nói “cứu một mạng người còn hơn xây 7 tòa tháp”, trong lịch sử từ cổ chí kim, cả đông và tây đều có những chuyện nhờ cứu người mà thoát đại nạn. Đó là quy luật nhân quả báo ứng, nhờ cứu người mà thành ra cứu mình, biến nguy thành an.
Khi đại thần Triệu Tuyên Tử từ vùng đất được phong quay về kinh đô. Trên đường về gặp một người nằm dưới gốc cây.
Triệu Tuyên Tử đến gần người đó, phát hiện sắc mặt của anh ta vàng vọt, hơi thở thiêm thiếp: “Nhất định là anh ta đói quá mà sinh bệnh đây!”. Thế là Triệu Tuyên Tử gọi người lấy lương thực trên xe bón cho anh ta.
Một lúc sau, người đó từ từ mở mắt. Triệu Tuyên Tử thương xót nói rằng: “Sao mà lại đói đến mức như thế này?”.
Người kia từ từ trả lời: “Tôi làm nô bộc cho người ta ở Phong Đô, trên đường về nhà bị hết lương thực, xấu hổ không dám đi ăn xin, lại ghét ăn trộm của người khác, cho nên mới đói đến mức như thế này”.
“Ôi!” – Triệu Tuyên Tử thở dài, lại lấy cho người đó hai miếng thịt khô. Anh ta nhận rồi bái lạy nhưng không ăn, Triệu Tuyên Tử hỏi tại sao không ăn, anh ta nói: “Tôi để dành cho bố mẹ già ở nhà”.
“Tốt! Đúng là một người con có hiếu!” – Triệu Tuyên Tử khen ngợi rồi khích lệ: “Ngươi ăn hết đi – ta cho ngươi cái khác”. Sau đó lại cho anh ta hai khúc thịt khô và một trăm quan tiền.
Hai năm sau, Tấn Linh Công muốn giết Triệu Tuyên Tử, bèn cho vệ binh mai phục trong phòng, khi mời anh ta uống rượu sẽ giết chết.
Sau ba tuần rượu, Triệu Tuyên Tử biết được ý đồ của Tấn Linh Công, liền mượn cớ đi ra ngoài. Tấn Linh Công lệnh cho binh sỹ ở trong phòng nhanh chóng đuổi theo để giết Triệu Tuyên Tử.
Có một binh sĩ chạy nhanh nhất, bắt được Triệu Tuyên Tử trước, Triệu Tuyên Tử thở dài nói: “Thôi mệnh ta đã hết!”.
Nào ngờ người lính kia lại nói: “Ngài, xin ngài hãy nhanh lên xe, ở đây đã có tôi đối phó!”.
Triệu Tuyên Tử vừa lên xe, vừa xúc động hỏi: “Ngươi là ai mà sẵn sàng ra tay cứu giúp ta?”. Người lính đáp: “Tôi chính là người sắp chết đói ở gốc cây hai năm trước đấy!”. Nói xong rồi bèn quay người chiến đấu kịch liệt cùng quân lính của Linh Công, cuối cùng đuối sức mà chết. Triệu Tuyên Tử do đó mà được cứu thoát.
Chuyện nay: Tướng Eisenhower nhờ cứu người mà thoát nạn
Tướng Dwight Eisenhower là tư lệnh của quân đội Hoa Kỳ ở Mặt trận Phía Tây trong Chiến tranh thế giới lần II. Ông là người ra quyết định táo bạo trong cuộc đổ bộ Normandie, cuộc đổ bộ được đánh giá là quan trọng nhất trong thế chiến II, giúp quân Đồng Minh đặt chân vào châu Âu, qua đó mà đánh bại phát xít Đức.
Một hôm, tướng Eisenhower cùng với đoàn tùy tùng đang gấp rút đến trụ sở quân đội ở Pháp để tham dự một cuộc họp khẩn cấp thì bất ngờ gặp một đôi vợ chồng già đang run rẩy ngồi bên đường trong cái lạnh thấu xương, tuyết phủ đầy trời.
Ông lập tức cho dừng xe và xuống hỏi thăm. Qua người phiên dịch ông biết được cặp vợ chồng già lái xe đến thăm con trai ở Paris nhưng xe bị chết máy và không có người giúp đỡ.
Cuộc họp rất khẩn cấp, lại là một cuộc họp quân sự cấp cao, các thành viên trong đoàn đều tỏ ra lo lắng, nếu giúp đỡ đôi vợ chồng già có thể khiến lịch trình bị chậm lại. Nhưng tướng Eisenhower vẫn mời đôi vợ chồng già lên xe và đổi hành trình tới Paris trước để đôi vợ chồng già gặp con trai rồi mới quay về trụ sở. Bởi ông biết, trong tình hình thời tiết giá lạnh này, nếu không có sự giúp đỡ, đôi vợ chồng già có thể bị chết vì lạnh.
Thật không ngờ, quyết định đầy nhân ái này của tướng Eisenhower đã cứu ông một mạng. Khi đó quân Đức Quốc Xã đã nắm được tin tình báo về lịch trình đường đi của Eisenhower và bố trí mai phục để tiêu diệt viên tướng tài năng này. Nhưng nhờ giúp đỡ đôi vợ chồng già chuyển hướng hành trình mà tướng Eisenhower và đoàn tùy tùng đã tránh được một đại nạn.
Hai câu chuyện trên đã cho ta thấy rõ rằng quy luật nhân quả báo ứng dù ở đâu, thời nào cũng có. Tuy vậy, ngày nay nhiều khi chúng ta e ngại giúp đỡ người khác. Gặp người bị nạn bên đường, nhiều người quây lại xem, nhưng lại không có ai ra tay giúp đỡ kẻ bị nạn. Không phải là trong số những người xem đều vô cảm, có những người rất muốn giúp đỡ, nhưng lại e ngại. Có thể vì công việc đang bận, cũng có thể vì e ngại liên lụy mà chần chừ.
Nhưng bận đến mấy cũng không mấy ai có thể bằng tướng Eisenhower, người nắm trong tay hàng triệu quân Đồng Minh đang chiến đấu kịch liệt với quân Đức, quyết định số phận của cả Châu Âu.
Và hãy nghĩ rằng, luật nhân quả luôn hiển hiện, có thể một ngày nào đó, ta rơi vào hoàn cảnh éo le và không nhận được sự giúp đỡ của người khác. Lúc đó chỉ có đau đớn, cô đơn và tuyệt vọng. Đó là cảm xúc đáng sợ nhất của con người.
Trong cuộc sống này vẫn thường xảy ra những chuyện như thế, không mấy người cả đời đều bình an, thuận buồm xuôi gió. Vì thế trước khi nó xảy đến, chi bằng ta giúp người trước để gieo “quả thiện”.
Nhiều tình huống khiến ta phải lựa chọn giữa lương tri và công việc, hai câu chuyện trên đây có thể khiến bạn suy nghĩ lại trong lựa chọn của mình.
Nam Minh/ NTD.com